Ung thư bắt nguồn từ thực phẩm bẩn chiếm 35%
Kết quả khảo sát người tiêu dùng về an toàn thực phẩm tại Hà Nội trong năm 2015 cho thấy gần 83% quan tâm đến chất lượng thực phẩm. Số còn lại quan tâm đến giá cả.
Thông tin trên được ông Nguyễn Tử Cương, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), đưa ra tại diễn đàn chính sách “An toàn thực phẩm ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng và giải pháp” do Văn phòng Quốc hội tổ chức tại TP.HCM ngày 21-9.
Cơ quan chức năng TP.HCM phát hiện một cơ sở sản xuất bò viên kém chất lượng
Theo ông Cương, chất lượng thực phẩm hiện nay đáng lo ngại. Để thu lợi bất chính, nhiều người sẵn sàng cho hóa chất, phụ gia không có trong danh mục được phép sử dụng vào thực phẩm. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người tiêu dùng.
GS-TS Phạm Duy Tường, nguyên chủ nhiệm bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm Trường ĐH Y Hà Nội, cho biết kết quả khảo sát tại hai quận Hoàng Mai và Hai Bà Trưng (Hà Nội) ghi nhận gần 99% cải xanh nhiễm thuốc bảo vệ thực vật. Chưa hết, đậu cô ve, rau muống, dưa chuột, cải bắp nhiễm thuốc bảo vệ thực vật lần lượt hơn 97%, trên 94%, gần 89% và gần 93%.
“Chính vì vậy, ngộ độc thực phẩm do hóa chất vẫn còn xảy ra. Năm 2014, cả nước ghi nhận 4/194 (hơn 2%) vụ ngộ độc thực phẩm do hóa chất. Con số đó trong năm 2015 là 3/179 (gần 2%). Ngày nào còn xảy ra ngộ độc thực phẩm do hóa chất thì người tiêu dùng còn lo lắng ngày đó” – ông Tường nói.
“Việt Nam hiện là nước đứng thứ hai thế giới về tỉ lệ mắc bệnh ung thư. Nguyên nhân do thực phẩm bẩn chiếm đến 35% trong số các bệnh nhân ung thư. Do vậy cần phải có giải pháp quyết liệt ngăn chặn thực phẩm bẩn ra thị trường” – ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nhấn mạnh.
Theo Pháp luật TP.HCM