Tư lệnh Zimbabwe đến Trung Quốc 7 ngày trước vụ hạ bệ tổng thống Mugabe để làm gì?
Cựu phó tổng thống Zimbabwe lưu vong không ở Trung Quốc
Từ sáng sớm ngày 15/11, truyền hình Zimbabwe đã phát đi tuyên bố quân đội kiểm soát đất nước, "nhưng không phải là đảo chính quân sự".
Sau đó không lâu, đảng cầm quyền Zanu-PF chính thức phủ nhận có một cuộc đảo chính ở quốc gia này, mà chỉ là "cuộc chuyển giao quyền lực không đổ máu", và cho biết tổng thống 93 tuổi Robert Mugabe sẽ từ chức.
Cùng ngày, quân đội xác nhận ông Mugabe đang bị "quản thúc" tại nhà riêng ở Harare. Sự kiện này đánh dấu hồi kết cho thời kỳ cầm quyền kéo dài 37 năm của ông này tại Zimbabwe.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho hay, cuộc chuyển giao diễn ra chỉ vài ngày sau khi tư lệnh Constatino Chiwenga công du Bắc Kinh.
Trả lời về việc Trung Quốc - đối tác thân cận và nhà đầu tư chủ chốt của Zimbabwe - có nhận được thông tin liên quan đến vụ chuyển giao quyền lực hay không, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói ông "không nắm được chi tiết", bởi chuyến thăm của ông Chiwenga do Bộ quốc phòng Trung Quốc phụ trách.
"Tôi chỉ có thể nói rằng chuyến thăm của ông Chiwenga là hoạt động giao lưu quân sự thông thường, được sự đồng thuận của cả hai nước," ông Cảnh nói.
Ông Cảnh Sảng cho hay, Trung Quốc vẫn quan sát chặt chẽ diễn biến tại Zimbabwe và hy vọng các bên liên quan của nước này giải quyết các vấn đề nội bộ một cách phù hợp.
Quân đội Zimbabwe tuần tra trên đường phố thủ đô Harare, ngày 15/11/2017 (Ảnh: AP)
Đại diện chính phủ Trung Quốc cũng bác bỏ thông tin cựu phó tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa, 75 tuổi, người bị ông Mugabe sa thải hôm 6/11 vừa qua, đã chạy trốn sang Trung Quốc.
"Về tung tích của cựu Phó tổng thống Zimbabwe, tôi có thể khẳng định rằng ông ta không ở Trung Quốc," ông Cảnh nói.
Kể từ khi bị cách chức, tung tích của ông Mnangagwa vẫn là một bí ẩn. Ông này được cho là có quan hệ thân cận với tư lệnh Chiwenga. Quân đội đã phản đối quyết định của tổng thống Mugabe về sa thải ông Mnangagwa để đưa vợ mình là bà Grace Mugabe lên thay thế.
Trong mắt nhiều người dân Zimbabwe, ông Mnangagwa là người được kỳ vọng lãnh đạo đất nước trong tương lai. Ông đóng vai trò quan trọng trong chính trường Zimbabwe trong nhiều thập niên qua.
Trong khi đó, cựu thủ tướng Zimbabwe Morgan Tsvangirai, nhân vật chủ chốt của phe đối lập chống tổng thống Mugabe, cũng đã trở về nước sau khi ông Mugabe bị quân đội quản thúc ngày 15/11.
Ông Robert Mugabe và vợ, bà Grace Mugabe, tháng 6/2017 (Ảnh: AP)
Lợi ích của Trung Quốc không bị tổn hại
Zimbabwe là một trong những đối tác thân cận nhất của Trung Quốc tại châu Phi. Trong chuyến thăm cấp nhà nước vào năm 2015, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề cao vai trò của Zimbabwe như một bằng hữu thân thiết của Bắc Kinh.
Trung Quốc đồng thời là nguồn ngoại tệ và đối tác thương mại lớn nhất của Zimbabwe, với hơn 128 dự án đầu tư tại nước này trong giai đoạn 2000-2012.
John Akokpari, nhà phân tích quan hệ quốc tế ở Đại học Cape Town, Nam Phi, cho biết ông không ngạc nhiên nếu tướng Chinwenga muốn củng cố liên hệ với Bắc Kinh trong chuyến công du tuần trước.
"Không có gì ngạc nhiên nếu [ông Chiwenga] muốn bảo đảm rằng các thay đổi về chính trị sẽ không làm Trung Quốc nổi giận, bởi có nhiều mối liên hệ mật thiết giữa hai nước," học giả Nam Phi nói.
Akokpari cho hay, Trung Quốc sẽ không can dự vào một cuộc chuyển giao quyền lực ở Zimbabwe, nhưng các diễn biến hiện nay phù hợp với mong muốn của Bắc Kinh rằng Zimbabwe sẽ giải quyết êm thấm các vấn đề nội bộ.
"Trung Quốc hầu như luôn hữu nghị với các nước châu Phi, và vẫn duy trì lập trường đó ngay cả khi có sự thay đổi chính quyền. Chỉ cần cuộc chuyển giao diễn ra hòa bình, thì tôi không thấy có sự suy giảm lợi ích của Trung Quốc khi đầu tư tại Zimbabwe," ông Akopari bình luận.
Các nhà quan sát Trung Quốc nhận định cuộc "chuyển giao không đổ máu" sẽ có tác động nhất định đến các dự án của doanh nghiệp Trung Quốc ở Zimbabwe về sau.
"Tình hình ở Zimbabwe rất tồi tệ cho doanh nghiệp Trung Quốc trong hai năm qua," ông Shen Xiaolei, chuyên gia của Viện nghiên cứu Tây Á và châu Phi, thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc, đánh giá.
"Mở cửa đất nước và nền kinh tế là lựa chọn duy nhất còn lại để Zimbabwe tiến lên. Bất cứ ai trở thành lãnh đạo tiếp theo của Zimbabwe cần hiểu điều đó."
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh, ngày 25/8/2014 (Ảnh: AP)
Tờ Thời báo Hoàn Cầu cho hay, quan hệ Trung Quốc-Zimbabwe vẫn duy trì ổn định và sự kiện ngày 15/11 sẽ không ảnh hưởng đến xu thế chung của quan hệ song phương. Kể từ khi Zimbabwe độc lập, không có phe phái chính trị nào ở nước này chống lại Trung Quốc, và điều này khó thay đổi trong tương lai.
Theo Hoàn Cầu, quan hệ hữu nghị lâu bền giữa hai nước sẽ vượt qua được những biến động nội bộ tại Zimbabwe. Nếu Zimbabwe xử lý cuộc khủng hoảng của mình một cách khéo léo và giữ được ổn định trong nước thì điều đó sẽ phù hợp với lợi ích của nước này và cả châu Phi.
Quân đội Zimbabwe tuyên bố cuộc chuyển giao quyền lực ngày 15/11/2017 không phải đảo chính quân sự
Hải Võ