Từ đầu năm, cả nước có 56 người tử vong do chó dại cắn
Đây là con số mà Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cảnh báo sự nguy hiểm của bệnh dại tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh chiều 14/9.
Người đã bị bệnh dại gần như tử vong 100%, trên thế giới hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. (Ảnh minh họa)
Theo các chuyên gia y tế, dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút dại gây ra, thường tác động lên hệ thần kinh. Người bị mắc bệnh dại do bị lây truyền vi rút dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại trên da bị tổn thương (thường là chó, mèo). Người đã bị bệnh dại gần như tử vong 100%, trên thế giới hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, thống kê trong nhiều năm cho thấy, trong tổng số các ca bệnh tử vong do bệnh không truyền nhiễm, riêng số ca tử vong do dại đã chiếm 1/3. Do vậy người dân cần nâng cao cảnh giác với bệnh nguy hiểm này.
"Dại chỉ phòng được chứ không cứu được do vậy việc dự phòng, tiêm phòng bệnh dại và quản lý đàn chó nuôi không tốt thì bệnh dại còn đe dọa tính mạng người dân", Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Để chủ động phòng chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân phải tiêm phòng cho 100% chó, mèo nuôi đầy đủ và nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm; diệt chó chạy rông, chó vô chủ; không nên đùa nghịch, chọc phá các con vật nuôi.
Bên cạnh đó, theo khuyến cáo của Cục Y tế Dự phòng, khi bị chó, mèo cắn người dân cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại. Vết thương cần được rửa sạch với cồn 70%, cồn iod hoặc povidone-iodine (nếu có). Hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.
Phương Nguyên (t/h)