Từ 1/1/2020, hạn chế gây sợ hãi, đau đớn cho vật nuôi trước khi bị giết mổ
Ngày 19/11/2018, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV đã thông qua Luật Chăn nuôi số 32/2018/QH14, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020.
Về đối xử nhân đạo với vật nuôi, đây là điểm mới nổi bật của Luật Chăn nuôi năm 2018 so với Pháp lệnh về giống vật nuôi năm 2004, nhằm góp phần xây dựng hình ảnh con người Việt Nam giàu nhân văn, thân thiện và đối xử nhân đạo với vật nuôi, tạo điều kiện cho việc hội nhập quốc tế trong chăn nuôi, đồng thời mở ra hành lang pháp lý cho xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam. Theo đó, Luật Chăn nuôi năm 2018 quy định các tổ chức, cá nhân phải đáp ứng yêu cầu sau:
Ảnh minh họa |
Tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi phải có chuồng trại, không gian chăn nuôi phù hợp với vật nuôi; cung cấp đủ thức ăn, nước uống bảo đảm vệ sinh; phòng bệnh và trị bệnh theo quy định của pháp luật về thú y; không đánh đập, hành hạ vật nuôi.
Tổ chức, cá nhân vận chuyển vật nuôi phải sử dụng phương tiện, trang thiết bị vận chuyển vật nuôi phù hợp, bảo đảm không gian thông thoáng, hạn chế chấn thương, sợ hãi cho vật nuôi; cung cấp đủ thức ăn, nước uống cho vật nuôi; không đánh đập, hành hạ vật nuôi.
Cơ sở giết mổ vật nuôi phải có nơi lưu giữ vật nuôi bảo đảm vệ sinh; cung cấp nước uống phù hợp với vật nuôi trong thời gian chờ giết mổ; hạn chế gây sợ hãi, đau đớn cho vật nuôi; không đánh đập, hành hạ vật nuôi; có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ; không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ.
Vật nuôi sử dụng trong nghiên cứu khoa học và hoạt động khác phải được đối xử nhân đạo theo quy định của pháp luật. Đối xử nhân đạo với vật nuôi phải tôn trọng, hài hòa với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa truyền thống và được cộng đồng xã hội chấp thuận.