Trung Quốc: Sử dụng mạng xã hội để tìm kiếm trẻ em mất tích
Hình ảnh trên đây – trích trong đoạn video thu từ camera an ninh – được đăng tải và lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc từ tuần trước. Trong đó, một người phụ nữ đang dắt một bé gái đi trên vỉa hè. Tuy vậy, họ không phải là 2 mẹ con.
Trước đó, bé gái 3 tuổi trong ảnh đi chơi cùng ông nội ở Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc. Bỗng, một phụ nữ xuất hiện và nhờ người ông mua hộ đồ ăn. Khi ông này vừa đi khỏi, cô ta dắt theo đứa trẻ và lặn mất tăm.
Vụ việc khiến cho nhiều người dùng mạng phẫn nộ. Thậm chí, một tài khoản còn tuyên bố: “Kẻ buôn người phải lãnh án tử hình”. Đó cũng là ý kiến được nhiều người ủng hộ, khi tội danh bắt cóc chỉ bị phạt khoảng 10 năm tù.
Bé gái sau đó được cảnh sát tìm thấy, và hiện đã đoàn tụ với gia đình. Tuy nhiên, không khí tức giận vẫn đang bao trùm lên các phương tiện truyền thông xã hội trong nước.
Tại Trung Quốc, các vụ bắt cóc trẻ em vô cùng phổ biến. Rất khó để có thống kê chính xác, tuy nhiên, số vụ có thể dao động từ 20.000 (theo Bộ Ngoại giao Mỹ), tới 200.000 (theo truyền thông Trung Quốc).
Hàng trăm nghìn người đang chuyển hướng sang sử dụng phương tiện truyền thông xã hội, trong nỗ lực tìm kiếm những đứa trẻ bị mất tích, hoặc giúp đỡ đưa những nạn nhân bị bắt cóc về đoàn tụ với gia đình.
Trong số đó, chiến dịch có quy mô lớn nhất hiện nay là Baby Come Home, với gần 350.000 người theo dõi trên Weibo. Người ta còn lập ra một trang web riêng, để mọi người có thể đăng tải các hình ảnh lên nhiều chuyên mục khác nhau, tùy theo mục đích sử dụng.
Giao diện trang web của chiến dịch Baby Come Home có hiển thị hình ảnh những em bé mất tích
Có chuyên mục sẽ hiển thị tất cả hình ảnh của trẻ em mất tích, được gia đình các em đưa lên mạng. Chuyên mục khác sẽ đăng tải những tấm hình của cộng đồng, trong đó chụp những đứa trẻ được cho là nạn nhân bị bắt cóc. Ngoài ra, còn có chuyên mục công bố hình ảnh của các gia đình đang tìm kiếm con/cháu bị mất tích.
Trung Quốc đang là thị trường chợ đen béo bở đối với hoạt động cho – nhận con nuôi. Theo đánh giá, một bé gái có thể được “bán” với giá 8.000 USD. Trong khi đó, một bé trai sẽ có giá gấp đôi, bởi khả năng “nối dõi tông đường”, và còn có thể nuôi cha mẹ lúc họ già yếu.
Những đứa trẻ bị bắt cóc từ các gia đình giàu có để đổi tiền chuộc. Một số em thì bị các băng nhóm ăn xin chuyên nghiệp lợi dụng để kiếm tiền dựa trên lòng thương cảm của người khác. Chỉ rất ít trẻ bị bắt cóc có thể tìm đường về với gia đình, trong khi hầu hết không bao giờ được tìm thấy.
Tuy nhiên, một chiến dịch theo kiểu Baby Come Home có thể cải thiện tình trạng này – theo chuyên gia Kerry Allen của BBC. Bà khẳng định: “Phương tiện truyền thông xã hội có thể là một công cụ mạnh mẽ để tái kết nối cha mẹ với những đứa trẻ”.
Các chiến dịch có thể được hỗ trợ bởi số người dùng điện thoại thông minh (smartphone) ngày càng tăng (khoảng 50% dân số). Càng nhiều smartphone, sẽ có càng nhiều máy ảnh, và từ đó, khả năng chia sẻ thông tin về những đứa trẻ bị mất tích càng được tăng cường.
Hồng Anh