Trùng hợp đặc biệt giữa soái hạm Varyag Nga và tàu hộ vệ tên lửa 011 Đinh Tiên Hoàng?
Soái hạm của các hạm đội hải quân Nga
Tàu tuần dương Varyag thuộc lớp Slava, là loại tàu chiến mặt nước lớn và mạnh nhất của Hải quân Nga. Hiện nay, trong biên chế của mỗi hạm đội (Biển Bắc, Biển Đen và Thái Bình Dương) có 1 tàu thuộc lớp này và Varyag chính là soái hạm (kỳ hạm) của Hạm đội Thái Bình Dương.
Những con tàu tuần dương thuộc loại lớn nhất nhì thế giới này được chế tạo trong thời kỳ chiến tranh lạnh với chiếc đầu tiên mang tên Slava (sau này được đổi tên thành Moscow) được hạ thủy vào năm 1979 và đưa vào biên chế Hạm đội Biển Đen từ năm 1982.
Từng được kỳ vọng là chiến hạm mang sức mạnh khống chế đại dương, đối trọng với Hải quân Mỹ - NATO, lớp tàu tuần dương tên lửa Slava dự kiến sẽ được đóng tới 10 chiếc, nhưng vì nhiều lý do, nhất là chiến tranh Lạnh kết thúc và Liên bang Xô Viết sụp đổ, nên cuối cùng chỉ có 4 chiếc được hạ thủy, 6 chiếc còn lại bị hủy bỏ, cho dù có 2 chiếc đã đặt ky.
Trong 4 chiếc đã được hạ thủy thì Nga sở hữu 3 chiếc gồm tàu Moscow (số hiệu 121) biên chế cho Hạm đội Biển Đen, tàu Nguyên soái Ustinov (số hiệu 055) biên chế cho Hạm đội Biển Bắc và Varyag (số hiệu 011) thuộc Hạm đội Thái Bình Dương.
Tàu tuần dương Moscow (số hiệu 121) biên chế cho Hạm đội Biển Đen
Chiếc còn lại mang tên Komsomolets (sau được đổi tên thành Đô đốc Flota Lobo) đã được hạ thủy nhưng chưa bao giờ được hoàn thiện để chính thức đưa vào biên chế.
Nó được "chia" cho Hải quân Ukraine sau khi Liên Xô sụp đổ và được mang tên Ukrayina. Nhưng kể từ đó, con tàu này vẫn ở trong tình trạng đóng dở, không được hoàn thiện do thiếu tiền và họ cũng chẳng cần thiết một chiếc tàu tuần dương lớn tới như vậy.
Xét về độ lớn và sức mạnh của vũ khí trên tàu, chúng hoàn toàn xứng đáng là kỳ hạm của các hạm đội Hải quân Nga.
Theo thông số kỹ thuật được công bố, tàu tuần dương tên lửa Varyag có kích thước dài 186,4m, rộng 20,8m, mớn nước 8,4m với lượng choán nước tiêu chuẩn 9.800 tấn, đầy tải 11.490 tấn.
Nhờ 4 động cơ turbin khí với tổng công suất 130.000 mã lực, Varyag có thể đạt vận tốc tối đa 32 hải lý/h, dự trữ hành trình 7.500 hải lý (13.200km) ở tốc độ tiết kiệm 18 hải lý/h.
Varyag được trang bị 16 tên lửa đối hạm siêu âm tầm xa P-500 Bazalt (NATO định danh là SS-N-12 "Sandbox") mang đầu đạn thông thường nặng 1.000kg hoặc đầu đạn hạt nhân có sức công phá tương đương 350 Kt.
Ngoài ra, Varyag còn được trang bị 2 cụm x 20 ống tên lửa phòng không tầm gần 9K33M "Osa-M" (NATO gọi là SA-N-4 "Gecko") với cơ số 40 quả tên lửa tầm bắn 15km và trần bắn 12km. Trên tàu còn có hangga và sàn đáp cho trực thăng săn ngầm Ka-27 hoặc Ka-28. Biên chế thủy thủ đoàn khoảng 485 người.
Tàu tuần dương Varyag của Hải quân Nga.
Cùng số hiệu với tàu 011 Đinh Tiên Hoàng của Việt Nam
Thật thú vị khi được biết tàu Đinh Tiên Hoàng của Việt Nam và tàu Varyag của Nga có nhiều điểm trùng hợp rất đặc biệt.
Thứ nhất, trùng số hiệu. Tàu tuần dương Varyag của Nga có cùng số hiệu 011 giống với tàu hộ vệ tên lửa 011 Đinh Tiên Hoàng thuộc lớp Gepard-3.9 của Hải quân Việt Nam.
Thứ hai, chúng đều được coi là những tàu chiến mặt nước lớn và hiện đại nhất của Hải quân 2 nước và là soái hạm của .
Thứ ba, hiện nay, cả hai tàu mang số hiệu 011 này đều đang có mặt ở Quân cảng Changi để tham dự Lễ duyệt binh tàu Hải quân quốc tế (IMR) nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Hải quân Cộng hòa Singapore và tham gia các hoạt động giao lưu quân sự khác.
Trên thế giới, chuyện trùng số hiệu tàu hải quân giữa các nước không phải không có, nhưng khá hiếm gặp vì cách chọn và đánh số của mỗi nước một khác. Và, việc cả 2 tàu có cùng số hiệu cùng song hành với nhau tại một quốc gia thứ ba, trong một sự kiện trọng đại lại càng hiếm.
Có lẽ đây chính là sự trùng hợp thú vị và đặc biệt nhất giữa tàu Đinh Tiên Hoàng của Việt Nam và tàu Varyag của Nga.
Tàu hộ vệ tên lửa 011 Đinh Tiên Hoàng của Hải quân Việt Nam tham gia duyệt đội hình Hải quân quốc tế tại Singapore cùng tàu tuần dương Varyag, Nga.
Thứ tư, cả Varyag cũng như Đinh Tiên Hoàng đều được hải quân 2 nước Nga Việt Nam tin tưởng đặc biệt, nhiều lần cử đi làm các nhiệm vụ quốc tế - ngoại giao quân sự và nhiệm vụ tác chiến đặc biệt ở nhiều nơi trên thế giới.
Tàu tuần dương Varyag của Nga liên tiếp thực hiện các sứ mệnh đặc biệt do Hải quân Nga giao phó. Từ cuối năm 2015 đến tháng 7/2016, tàu tuần dương Varyag đã túc trực ở vùng biển Địa Trung Hải, ngoài khơi bờ biển của Syria để hỗ trợ các hoạt động của Không quân Nga ở căn cứ không quân Hmeymim (Syria).
Từ ngày 1/4/2017, tàu tuần dương Varyag cùng tàu tiếp dầu Pechenga rời căn cứ của Hạm đội Thái Bình Dương ở Vlapostok, thực hiện chuyến tuần tra kéo dài khoảng hai tháng ở Tây Thái Bình Dương.
Từ ngày 11/4 đến ngày 14/4, tàu ghé Busan (Hàn Quốc). Từ 20/4 đến 24/4, tàu đến cảng Manila (Philippines), tại đây Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã lên thăm tàu.
Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Quốc phòng Việt Nam, ngày 27/4 tàu tuần dương tên lửa Varyag – kỳ hạm của Hạm đội Thái Bình Dương, Hải quân Liên bang Nga đã cập Cảng quốc tế Cam Ranh, bắt đầu chuyến thăm 5 ngày tới Cam Ranh thuộc tỉnh Khánh Hoà.
Tiếp đó, Varyag đã khởi hành tới Singapore, tham dự các hoạt động giao lưu hải quân nhân dịp kỷ niệm kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Hải quân Cộng hòa Singapore.
Bình Nguyên