Triều Tiên và nguồn thu hàng chục triệu USD từ mỹ thuật
Bắc Triều Tiên đang bị Liên Hiệp Quốc (UN) cấm vận và do đó nguồn thu ngoại tệ của nước này đang bị giới hạn nghiêm trọng. Việc xuất khẩu những mặt hàng như thủy sản, khoáng sản để thu về ngoại tệ đã không còn thuận lợi như trước.
Dẫu vậy, chính quyền Bình Nhưỡng vẫn duy trì được nguồn thu đáng kể từ việc buôn bán, thực hiện những tác phẩm nghệ thuật mà người mua chủ yếu là Trung Quốc.
Tại thị trấn Dandong ở biên giới Trung-Triều, hàng loạt cửa hàng mỹ thuật trưng bày các bức họa từ nghệ sĩ Triều Tiên và rất nhiều lái buôn mua chúng để bán cho những nhà sưu tầm cá nhân hoặc những khách sạn, nhà hàng ở Trung Quốc. Ở thời kỳ cao điểm, thậm chí nguồn cung những bức họa hổ, phong cảnh hay con người Triều Tiên không đáp ứng đủ cầu.
Tuy nhiên, hầu hết những họa sĩ vẽ tranh Triều Tiên không hề nổi tiếng và mỗi bức chỉ vào khoảng vài trăm USD. Vào năm 2004, mức giá cao nhất của 1 bức tranh chỉ vào khoảng 300 USD. Đến thời điểm hiện tại, dù giá bán của những bức vẽ ở biên giới Triều Tiên vẫn chỉ vài trăm USD nhưng thị trường thể loại tranh này ở Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần. Nhiều bức tranh Triều Tiên thậm chí có giá 100.000 USD do độ khan hiếm cũng như trào lưu sưu tầm tranh Triều Tiên của Trung Quốc đại lục.
Giám đốc phòng trưng bày Mansudae tại Bắc Kinh, ông Zhengtai Ji
Rất nhiều tác phẩm mỹ thuật Triều Tiên bán sang Trung Quốc đến từ xưởng Mansudae Art Studio ở Bình Nhưỡng. Đây là một trong những xưởng vẽ lớn nhất thế giới với khoảng 4.000 người và 1/4 trong số đó là họa sĩ.
Đây là xưởng vẽ duy nhất tại Triều Tiên được phép vẽ chân dung những nhà lãnh đạo đất nước. Ngoài ra, nơi đây còn xuất xưởng rất nhiều tác phẩm nghệ thuật như băng rôn, biểu ngữ, tượng đài… liên quan đến xã hội chủ nghĩa.
Ngoài nguồn thu từ bán tranh, xưởng Mansudae còn chịu trách nhiệm một số công trình mỹ thuật ở nước ngoài. Họ đã xây dựng tượng đài cũng như tranh tường cho ít nhất 15 quốc gia Châu Phi cùng nhiều nước ở Trung Đông và Đông Nam Á.
Nguồn tin chính thức cho thấy Namibia đã từng trả 60 triệu USD cho Triều Tiên để xây dựng tượng đài Anh hùng chiến tranh trên một ngọn đồi ở thủ đô Windhoek. Trong khi đó Senegal đã trả hơn 20 triệu USD cho Triều Tiên cho một bức tượng bằng đồng. Tại Campuchia, viện bảo tàng Angkor Paronama được cho là đã tốn 24 triệu USD để thuê các họa sĩ Triều Tiên thiết kế xây dựng.
Trước tình hình Liên Hiệp Quốc áp dụng lệnh cấm vận với Triều Tiên, ngành kinh doanh mỹ thuật của nước này đang ngày càng trở nên quan trọng bởi chúng không nằm trong danh sách hạn chế. Theo hãng tin Reuters, hệ quả là ngành này vẫn đem lại hàng chục triệu USD cho Triều Tiên.
“Hiện tại, chúng ta cần những tượng đài nghệ thuật hơn bao giờ hết để tạo sự thấu hiểu giữa người Triều Tiên với phần còn lại của thế giới”, Giám đốc phòng trưng bày Mansudae tại Bắc Kinh, ông Zhengtai Ji cho biết.
AB