Triển lãm “Hy vọng”: Tái hiện cuộc sống người nông dân nơi thành thị
Phạm Huy Thông (1981) bắt đầu loạt tranh “Hy vọng” vào đầu năm 2014, với mục đích hướng tới các vấn đề liên quan đến người nông dân Việt Nam ở vùng nông thôn và người nghèo thành thị. Hoạ sĩ muốn nhấn mạnh, quá trình đô thị hoá và hiện đại hoá góp phần tạo ra, đồng thời gia tăng khoảng cách giàu nghèo.
Họa sĩ cho biết: “Tôi muốn mô tả hình ảnh người nông dân trong vòng xoáy đổi thay của kinh tế. Như trong mọi nền kinh tế đang phát triển khác, nông dân Việt Nam cũng phải rời bỏ nhà cửa, đồng ruộng để đến thành phố, tìm kiếm công việc và thu nhập đảm bảo hơn. Văn hóa làng xã ngàn đời và ràng buộc dòng tộc dần trở nên lỏng lẻo bởi áp lực mưu sinh. Trong những bức tranh sáng tác gần đây, tôi muốn nhìn sâu hơn nhưng tổng quát hơn những vấn đề xung quanh hình tượng một người nông dân rời làng ra đi”.
Tác phẩm "Nỗi nhớ quê hương 1"
Anh cho rằng, sự phát triển của các thành thành phố lớn thực ra là tập hợp tích tụ đa dạng từ những vùng miền lân cận, đôi khi có thể được hiểu theo nghĩa rất “cơ giới”. Xét trên khía cạnh văn hóa, sự giao lưu trong quá trình di dân là một sự bồi đắp. Mỗi người rời bỏ quê hương ra đi, sẽ đóng góp cho điểm đến một đặc thù mới, một “đặc sản địa phương” đầy sinh động. Về mặt kinh tế, đây là sự trao đổi, người nông dân lên thành phố tìm kiếm thu nhập và chỉ trở về khi vào mùa gặt hái hoặc khi dòng tộc có những công việc không thể chối từ.
“Phân tích các khía cạnh quan sát được, tôi muốn chạm tới được sợi dây kết nối giữa người nông dân và quê hương ở phía sau lưng họ.
Với ba bức tranh “Nỗi nhớ quê hương 1”, “Nỗi nhớ quê hương 2” và “Gánh quê”, tôi không vẽ đích đến mà những người nông dân kia đang tiến về. Tôi vẽ họ trong tư thế di chuyển nhưng lại mang theo những mảnh làng xã bên mình. Quê hương là điểm xuất phát nhưng cũng là thứ luôn đeo bám họ trong cuộc hành trình. Họ ra đi, mong manh hy vọng gửi tiền về cho gia đình, nhưng đó cũng là quá trình họ đánh đổi bản thân và quê hương để lấy lại cơm áo gạo tiền”, Phạm Huy Thông chia sẻ.
Phạm Huy Thông tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội năm 2004. Anh từng có một số triển lãm trong và ngoài nước, trong đó có 4 triển lãm cá nhân: “Mưa”, “Cập nhật”, “Đồng bào” tại Hà Nội và “Giấc mơ lạ” tại Singapore.
Năm 2008, Phạm Huy Thông được Bảo tàng Mỹ thuật Singapore chọn là 1 trong hơn 40 nghệ sĩ Việt Nam tiêu biểu sau Đổi mới và được bày tranh trong triển lãm “Post Đổi mới” ở nuớc này. Anh cũng được mời đi dự trại sáng tác nghệ thuật ở Hàn Quốc, Mỹ, Malaysia, Thái Lan...
Bộ sưu tập “Hy vọng” được trưng bày tại 165 đường Calmette, quận 1 từ ngày 11 – 15/2, sau đó sẽ được chuyển về triển lãm tại 27i Trần Nhật Duật, quận 1 đến hết ngày 8/1/2016.
An Vinh