Trẻ nhiễm độc chì nguy kịch vì cha mẹ tự ý bôi thuốc cam chữa viêm da
Nhiều trẻ nhiễm độc chì nặng
Thông tin từ BV Sản Nhi Quảng Ninh cho biết, trong thời gian gần đây, BV tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị co giật dẫn đến hôn mê phải nhập viện cấp cứu do ngộ độc chì sau khi sử dụng thuốc cam không rõ nguồn gốc.
Ngày 16/6/017, Khoa Hồi sức Cấp cứu tiếp nhận bé trai Bùi Anh. D (05 tháng tuổi) thường trú tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng biếng ăn, nôn tự nhiên, đi ngoài phân lỏng nhiều lần, co giật toàn thân... Trước đó, gia đình em cho biết, do bé bị viêm da cơ địa, gia đình đã mua thuốc cam về bôi da cho bé trong khoảng 20 ngày. Gần đây, phát hiện bé D. có biểu hiện co giật, tím tái, bỏ bú gia đình vội đưa cháu vào bệnh viện.
Trẻ ngộ độc chì điều trị tại BV Sản Nhi Quảng Ninh
Kết quả xét nghiệm cho thấy hàm lượng chì trong máu của D. là 65 µg/dL, trong khi ngưỡng chấp nhận là không quá 5 µg/dL. Bé bị nhiễm độc chì rất nặng. Qua hội chẩn chuyên khoa các bác sĩ chỉ định nhập viện cấp cứu và điều trị tích cực bằng thở máy, an thần, bù nước điện giải, chống co giật, truyền máu cho bé.
Trường hợp thứ hai là bé gái Liễu Thùy V. (10 tháng tuổi), thường trú tại huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Trẻ nhập viện trong tình trạng xuất hiện nôn, co giật toàn thân. Gia đình bé kể lại trước đó bé bị ngã xe vòng khoảng 3 bậc thang xuống đất, đạp vùng mặt xuống nền cứng. Sau ngã trẻ tỉnh, không sốt, không nôn, bầm tím vùng mặt. Gia đình có sử dùng thuốc Cam cho bé, gần đây bé xuất hiện quấy khóc, khò khè, nôn, co giật, gia đình đưa vào viện khám. Kết quả xét nghiệm cận lâm sàng, trẻ được chẩn đoán: Ngộ độc chì, bé đang được theo dõi và điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức cấp cứu…
Ngộ độc chì dễ gây tổn thương não ở trẻ
Theo BS. Dương Văn Linh, Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu, việc chẩn đoán, điều trị với trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc chì rất khó khăn. Phải kết hợp nhiều chuyên khoa như Hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, sinh hóa, huyết học... mới xác định được ngộ độc chì. Ngay cả khi tìm ra bệnh thì việc điều trị cũng rất gian nan, đòi hỏi thời gian dài, kéo theo đó là những tổn thương về thể chất và trí não khó có thể hồi phục.
Thuốc cam cha mẹ dùng để bôi cho trẻ
Hậu quả của việc trẻ bị nhiễm độc chì có thể gây ra tổn thương vĩnh viễn hệ thần kinh; di chứng tới não; thậm chí là tử vong.
BS. Linh cũng cho biết, rất nhiều bà mẹ chữa bệnh theo truyền miệng cho con khi bị vì nghĩ thuốc cam sẽ giúp con hết biếng ăn, ăn tốt, mau tăng cân hoặc dùng để chữa các bệnh lở loét, tưa lưỡi, viêm nhiễm, tiêu chảy.... Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh không nên cho trẻ uống thuốc cam bừa bãi không rõ nguồn gốc để tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Các nghiên cứu cho thấy có mối liên quan tỉ lệ nghịch giữa chỉ số IQ của trẻ em và nồng độ chì máu, kể cả khi nồng độ chì máu dưới 10mcg/dL. Với chứng bệnh tăng vận động và giảm tập trung, ngay cả khi nồng độ chì máu dưới 10mcg/dL, trẻ có chì máu càng cao thì càng dễ mắc chứng bệnh này. Ngộ độc chì ở trẻ em đặc biệt được quan tâm ở các nước phát triển vì lo ngại về ảnh hưởng của chì lên phát triển trí tuệ và thể chất của trẻ.
Trong khi đó, triệu chứng ngộ độc chì hoàn toàn không đặc hiệu, nhiều trẻ không có biểu hiện lâm sàng nên dễ bỏ qua. Chính vì vậy, cách duy nhất là tất cả các phụ huynh đã từng cho con uống thuốc cam không rõ nguồn gốc, mua từ những ông lang bà mế không có giấy phép hành nghề hãy mang con đi xét nghiệm chì máu. Đó là cách duy nhất để phát hiện trẻ có bị ngộ độc chì hay không, và nếu bị ngộ độc chì, trẻ sẽ được đưa vào chương trình giải độc chì theo phác đồ của Bộ Y tế đã ban hành
Theo SK & ĐS