Trẻ mới sinh đã được cấp mã số định danh có cần nhập vào hộ khẩu gia đình nữa không?
Chiều 13/11, báo Công An Nhân Dân tổ chức đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến về "Lộ trình và giải pháp thay thế sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư".
Trong buổi giao lưu, thượng tá Trần Hồng Phú - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát Đăng ký Quản lý Cư trú và Dữ liệu quốc gia về dân cư (C72, Bộ Công an) nhìn nhận, người dân Việt Nam đang được các cơ quan Nhà nước cấp quá nhiều loại giấy tờ, với nhiều con số khác nhau trong công tác quản lý hành chính.
Tới đây, để thuận tiện hơn trong việc quản lý, Luật Căn cước công dân quy định Bộ Công an sẽ cấp mới mã số định danh cá nhân cho người dân. Mã số định danh cá nhân gồm 12 số, có cấu trúc 6 số đầu là: Mã thế kỷ sinh; Mã giới tính; Mã năm sinh của công dân; Mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Còn 6 số sau là các số ngẫu nhiên của công dân.
Theo lãnh đạo Cục Cảnh sát Đăng ký Quản lý Cư trú và Dữ liệu quốc gia về dân cư, thời gian qua đơn vị đã phối hợp với Bộ Tư pháp cấp mã số định danh cá nhân cho gần 1 triệu trẻ mới sinh tại 17 tỉnh, thành phố. Mã số được ghi trên giấy khai sinh của trẻ.
Khi các bé đủ 14 tuổi, số này sẽ thành số căn cước công dân.
Khi đề cập đến vấn đề này, một độc giả gửi câu hỏi trong buổi giao lưu: Nếu các cháu sinh năm 2017 đã có số định danh trong giấy khai sinh có cần nhập vào hổ khẩu gia đình nữa hay không?
Luật sư Quản Văn Minh, Phó Chủ tịch thường trực Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam trả lời: Nếu mã số định danh có hiệu lực pháp luật rồi thì chúng ta sẽ phải làm theo mã số định danh, còn nếu chưa thì chưa có hiệu lực pháp luật mà làm theo là không được.
Nhưng vấn đề ở đây là việc hoạt động phải đồng bộ, có thể trong một ngành, một đơn vị hoặc một tỉnh thành nào đấy thì mới thực hiện được chứ về mặt pháp luật không bao giờ có chuyện rằng một mình mình lại có mã số định danh và được cung cấp và thực hiện những ưu việt của mã số định danh.
Trong khai sinh cho cháu cũng như vậy, nếu cháu vào thời điểm đấy mã số định danh đã được pháp luật quy định và nó được thực hiện và nó đã đáp ứng được cơ sở hạ tầng thì chúng ta sẽ áp dụng mã số định danh vào là xong.
Các vị khách mời giải đáp thắc mắc của người dân trong buổi giao lưu. Ảnh: Công an nhân dân
Cũng trong buổi giao lưu trực tuyến, Thượng tá Trần Hồng Phú, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an giải đáp băn khoăn của những người dân đang chuẩn bị làm hộ khẩu, sổ tạm trú, rằng không biết có tiếp tục làm hay tiếp tục chờ đợi mã định danh cá nhân?
Thượng tá Trần Hồng Phú cho biết: Việc thành lập cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là bước hiện đại hoá công tác quản lý cư trú từ thủ công sang hiện đại.
Hiện nay, công tác đăng ký quản lý cư trú sẽ tiếp tục được thực hiện theo đúng Luật Cư trú. Công dân thường trú, tạm trú ở đâu thì tới cơ quan Công an địa phương cấp phường, xã tại đó để đăng ký thường trú, tạm trú như bình thường, không phụ thuộc và việc cấp mã định danh cá nhân.
Bảo Bình