Trăn trở về ước mơ đưa con đi khai giảng của người mẹ công nhân
Tại buổi gặp mặt lãnh đạo, phóng viên cơ quan thông tấn, báo chí nhân dịp Xuân Quý Mão 2023 vừa qua, ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật để có những chính sách tốt hơn cho đoàn viên, người lao động.
Theo đó, năm 2019, khi góp ý cho dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), trên cơ sở lắng nghe ý kiến người lao động, Tổng Liên đoàn đã đề nghị giảm thời gian làm việc bình thường của người lao động từ 48 giờ trong một tuần xuống 44 giờ trong một tuần, sau đó tiến tới 40 giờ/tuần. Dù đề xuất này đến nay chưa thành hiện thực nhưng đã đưa vào Nghị quyết kỳ họp Quốc hội vấn đề giảm giờ làm việc bình thường trong tuần theo hướng giao Chính phủ đề xuất.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại cuộc gặp mặt lãnh đạo, phóng viên cơ quan thông tấn, báo chí nhân dịp Xuân Quý Mão 2023. |
Tương tự, ông cũng nhắc đề xuất tăng thêm 3 ngày nghỉ lễ trong năm vào dịp khai giảng và Quốc khánh 2/9 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Theo lý giải của Tổng Liên đoàn, việc đề xuất tăng số ngày nghỉ cho người lao động vì số ngày nghỉ của Việt Nam hiện nay ít hơn nhiều nước. Hơn nữa, ngày Quốc khánh của Việt Nam gần với Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường.
“Có lần một người mẹ công nhân tâm sự với tôi rằng: từ trước đến giờ cô chưa từng được đưa con đi khai giảng. Đó là ước mơ của cô ấy. Chúng tôi mong muốn giảm giờ làm, tăng số ngày nghỉ cho người lao động để những đứa trẻ được ở bên cạnh bố mẹ thêm 4 tiếng đồng hồ, để những bà mẹ công nhân có thể thực hiện ước mơ dắt tay con đến trường khai giảng", ông Ngọ Duy Hiểu cho biết.
Cũng theo ông Ngọ Duy Hiểu, Tổng Liên đoàn sẽ tiếp tục theo đuổi đến cùng những đề xuất này để đảm bảo quyền lợi của người lao động, đồng thời khẳng định giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ trên cơ sở phát triển của lực lượng sản xuất, đảm bảo tăng năng suất lao động, phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp nhưng duy trì được sức khỏe, khả năng tái tạo sức lao động cũng như có thời gian chăm sóc sức khỏe gia đình và các điều kiện xã hội của người lao động.
Một trăn trở khác của lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là các khu chế xuất, khu công nghiệp có thể tăng cường đầu tư nhà trẻ, trường mầm non, khu vui chơi, trạm xá... để người lao động yên tâm lao động sản xuất và gắn bó lâu dài.
"Đời sống của người công nhân vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Chúng ta cần giúp cho những người làm chính sách nói riêng và toàn xã hội nói chung hiểu hơn về vai trò chủ thể của công nhân trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, để xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh", ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.
Tập trung hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) Năm 2023, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Trong đó nghiên cứu, đề xuất và tham gia xây dựng xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, nhất là các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến đoàn viên, người lao động và tổ chức công đoàn. Tập trung nghiên cứu, tiếp thu ý kiến, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Công đoàn (sửa đổi); phối hợp kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật lao động, chính sách đối với người lao động. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục tham gia đảm bảo việc làm bền vững, cải thiện thu nhập của cán bộ công chức, viên chức, đoàn viên, người lao động; chủ động dự báo tình hình để đề ra các giải pháp hoạt động công đoàn phù hợp và đề xuất, phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý các vấn đề phát sinh trong thực tiễn, nhất là liên quan đến việc thực thi các chính sách, chế độ liên quan quyền lợi người lao động và hoạt động công đoàn... |