"Trái bom" chính xác cao của Chủ tịch KGB: Công phá sự tụt hậu thê thảm của QĐ Liên Xô
Bản báo cáo đặc biệt đánh số 3088-A
Ngày 14/12/1975, Yuri Andropov - Chủ tịch Cơ quan tình báo Liên Xô (KGB) đã gửi tới Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô một Bản báo cáo đánh số 3088-A: "Về các hậu quả mang ý nghĩa chính trị và quân sự có thể có của việc chế tạo và phổ biến vũ khí chiến thuật chính xác".
Chủ tịch KGB, dưới hình thức ngắn gọn nhưng súc tích, đã thông báo rằng tại các nước NATO người ta đang rất quan tâm và giải quyết khá thành công vấn đề "cái gọi là vũ khí chiến thuật chính xác, việc chế tạo nó, theo dự báo, có thể làm thay đổi cấu trúc các lực lượng vũ trang và gây ra tác động nghiêm trọng tiếp theo đến sự phát triển của tình hình quốc tế".
Theo báo cáo, "đặc tính chủ chốt của vũ khí chính xác sở hữu tính tự chủ và cơ động cao, là khả năng đánh trúng mục tiêu mà thực tế chỉ bằng một phát bắn không phụ thuộc khoảng cách, trong mọi điều kiện thời tiết và bất cứ thời gian nào trong ngày". Nói đơn giản thì những dòng tin đó nói về hệ thống "bắn - quên". Lấy một ví dụ về loại vũ khí như vậy, báo cáo đề cập đến:
"Bom dẫn hướng bằng laser hoặc truyền hình, đã được sử dụng trong chiến tranh ở ĐNÁ; nhiều loại tên lửa và trái phá, được dẫn theo chùm tia laser/các vũ khí phát triển ở Hoa Kỳ như tên lửa chống tăng "Hellfire" và đạn pháo tự dẫn 155 mm/dẫn theo địa hình khu vực/tên lửa chiến thuật "Pershing-2" với độ lệch khả dĩ cách mục tiêu 20-40 m, các máy bay không người lái,..."
Trực thăng tấn công AH-64 Apache và tên lửa chống tăng Hellfire của Mỹ.
Trích dẫn ý kiến của các chuyên gia giấu tên phương Tây, Chủ tịch KGB thông báo rằng "sự xuất hiện của loại vũ khí như vậy sẽ mang lại cho tình hình quốc tế một loạt các yếu tố ổn định cũng như gây mất ổn định".
Được coi như yếu tố ổn định là tính hiệu quả cao của vũ khí mới, làm giảm xác suất phải sử dụng vũ khí hạt nhân và làm tăng "khả năng của bên phòng thủ chống cự lại ngay cả những lực lượng địch vượt trội".
Bị liệt vào yếu tố gây bất ổn là nguy cơ của việc phổ biến các loại vũ khí có độ chính xác cao như vậy "trong phạm vi rộng bao gồm nhiều", khả năng sản xuất nó "ngay cả ở các nước không có nền tảng khoa học, kỹ thuật và công nghệ phát triển cao", và "làm tăng xác suất xảy ra các xung đột quân sự cục bộ và các hành động mang tính chất khủng bố".
Đáng kể hơn, ông còn nhấn mạnh rằng "sự xuất hiện của loại vũ khí như vậy có thể dẫn đến việc từ bỏ một số loại khí tài hàng không và tăng thiết giáp hiện đại, đắt tiền; dẫn đến việc tăng cường vai trò của loại xe tăng, thiết giáp, máy bay không người lái giá rẻ; dẫn đến việc trong tương lai, các hoạt động chiến đấu sẽ được tiến hành bởi các đơn vị nhỏ có tính di động cao".
Đó là chưa kể đến thực tế rằng theo các nhà phân tích phương Tây, "mối đe dọa của việc chắc chắn đánh trúng mục tiêu của loại vũ khí mới sẽ đòi hỏi thực hiện một loạt biện pháp nhằm phân tán các cơ sở quân sự-công nghiệp, kho tàng vũ khí, căn cứ quân sự lớn".
Báo cáo số 3088-A của Chủ tịch KGB Yu.V.Andropov gửi BCHTU ĐCS Liên Xô ngày 14 tháng 12 năm 1975.
Lời cảnh báo kịp thời và nghiêm khắc
Điều làm người đứng đầu KGB đặc biệt lo lắng, là vũ khí chính xác cao sẽ sẽ mở ra cho Hoa Kỳ "những cơ hội mới <...> nhằm tăng cường củng cố khối NATO và trên hết, là "sự tin tưởng ngày càng lên cao của các đồng minh Tây Âu vào khả năng của họ chống lại các lực lượng của khối Hiệp ước Warsaw".
Nếu NATO quyết định trang bị cho loại vũ khí chính xác đó những đầu đạn hạt nhân công suất nhỏ, khi đó tình hình sẽ rất xấu: "các hệ thống vũ khí tương tự sẽ có thể đánh trúng các mục tiêu lớn mà không gây thiệt hại cho các công trình dân sự và không gây ra thiệt hại đáng kể cho dân thường".
Việc áp dụng phương pháp tiếp cận như vậy có nghĩa sẽ có thể có một sự điều chỉnh đáng kể trong học thuyết của Liên Xô về việc sử dụng vũ khí hạt nhân, tính đến sức mạnh hủy diệt cao và độ chính xác thấp của nó (thì việc sử dụng) sẽ rất khó khăn.
Như Andropov thông báo, "hiện nay việc chế tạo vũ khí chính xác đang ở giai đoạn áp dụng các mẫu thử nghiệm, nghiên cứu kinh nghiệm tích lũy trong quá trình ứng dụng thực tế các mẫu đó, cũng như phát triển các hệ thống thực nghiệm mới".
Andropov còn thông báo thêm, rằng ở phương Tây, "đã có kết luận về tính thực tế của việc phổ biến rộng rãi và khả năng sử dụng thực chiến vũ khí chiến thuật chính xác vào đầu những năm 80".
Trên thực tế, Andropov không phát hiện điều gì mới mẻ, và nói chung những thông tin này khó có thể gọi là thông tin tình báo: không phải ngẫu nhiên trong tài liệu còn thiếu một câu kinh điển "theo các dữ liệu có tại Ủy ban An ninh Quốc gia".
Tất cả các thông tin về "những điều mới mẻ", từ lâu đã được các chuyên gia Liên Xô biết rõ, đã được các nhân viên an ninh gạch chân trên các ấn phẩm công khai tại Mỹ và châu Âu. Đó là chưa đề cập đến thực tế là một số hệ thống đã trải qua thử lửa tại Việt Nam và tại cuộc chiến tranh Ả Rập-Israel năm 1973.
Đặc biệt, trong thời gian Chiến tranh Việt Nam, ở các mức cường độ này hay mức cường độ khác, các loại bom thông minh của Mỹ đã được sử dụng hoặc thử nghiệm trong các điều kiện tác chiến khác nhau với hệ thống dẫn hướng laser - BOLT-117, GBU-10 Paveway I, GBU-11 Paveway I và GBU-12 Paveway I (không nên nhầm lẫn với serie Paveway II sau đó).
Máy bay cường kích F-111F Aardvark của Mỹ mang bom 2000 pound GBU-10 Paveway II.
Ngoài ra còn có bom hàng không với hệ thống dẫn hướng chỉ huy qua truyền hình - AGM-62 Walleye, GBU-8 và GBU-9; tên lửa không đối đất với hệ thống dẫn hướng laser hay hồng ngoại AGM-65 Maverick.
Ngay từ năm 1967 bom lượn 1100 pound AGM-62 Walleye MK1 Mod 0 dẫn bằng truyền hình đã được sử dụng tích cực tại Việt Nam.
Bộ điều phối mục tiêu truyền hình của loại bom này cho phép phát hiện mục tiêu, giữ nó trong chế độ bám sát tự động, sau khi ném ra quả bom sẽ được dẫn hướng tới mục tiêu trong chế độ tự hành.
Tính hiệu quả của nó và tính chính xác khi đánh mục tiêu rất ấn tượng: trên truyền hình Mỹ thời đó có các đoạn phim thể hiện, ví dụ trong thời gian không kích các cơ sở quân sự của quân đội Triều Tiên, những trái bom bay lọt qua cửa sổ doanh trại theo đúng nghĩa đen.
Andropov còn đề cập đến việc phát triển tên lửa chống tăng "Hellfire" (AGM-114 Hellfire): đặc biệt hãy xem xấp tạp chí của BQP Liên Xô "Bình luận quân sự nước ngoài" (có thể tự do đặt hoặc mượn trong thư viện từ năm 1973) và tìm thấy một thông tin đã được biên dịch khá chi tiết về Hellfire từ các nguồn báo chí công khai phương Tây: nó đã được in từ tháng 1/1975.
Các ấn bản của phương Tây cũng đã viết liên tục và khá chi tiết về Pershing-2. Đối với máy bay không người lái, ưu tiên thông tin không nằm trong báo cáo của KGB với dấu "Top Secret" (Tuyệt mật), mà nằm trong tạp chí "Bình luận quân sự nước ngoài".
Từ đầu năm 1976 (thực tế số tạp chí này đã được chuẩn bị và lên khuôn chữ vào năm 1975) tạp chí đã thông tin cho công chúng biết rằng "sự phát triển máy bay không người lái ở Mỹ được tiến hành theo 30 chương trình. Ngay từ đầu năm 1973, ngành công nghiệp Mỹ đã sản xuất ra 38 loại máy bay không người lái khác nhau".
Và, người ta còn nói, ở Mỹ đang tiến hành hết sức khẩn trương công tác "chế tạo các máy bay không người lái chiến thuật cỡ nhỏ được thiết kế riêng cho lục quân thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu trên chiến trường.
Trọng lượng xuất phát của các loại máy bay đó tầm từ 20-100 kg. Nó được lên kế hoạch đảm nhiệm trinh sát đường không, thực hành tấn công mục tiêu mặt đất, hoạt động tác chiến điện tử, v.v". Vậy là nếu tính theo lĩnh vực áp dụng máy bay không người lái, các lực lượng vũ trang chúng ta chỉ đang tiến gần đến mức độ của người Mỹ năm 1973?!
Sự cô đọng đến vắn tắt của tài liệu và sự cố tình đơn giản hóa chi tiết chỉ chứng tỏ: báo cáo được soạn để thu hút sự chú ý của một độc giả duy nhất - Tổng Bí thư UBTW Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev.
Andropov không đưa ra các thông tin chi tiết về đặc tính kỹ thuật quân sự, bằng cách sử dụng kiểu diễn đạt quanh co đã được kiểm tra cẩn thận, tránh đưa ra bất kỳ đề xuất cụ thể nào.
Tuy có cả một tập hợp các yêu cầu, nhưng lại hoàn toàn là các "khẩu vị" tầm thường: rõ ràng báo cáo đã được biên tập sao cho phù hợp với nhận thức của Brezhnev thời ấy.
Cũng không đáng ngạc nhiên việc Chủ tịch KGB "bất ngờ" quyết định nêu vấn đề có tính chất rất cụ thể: công tác thu thập thông tin về các mối đe dọa đến an ninh Liên bang Xô Viết, trong đó có các vấn đề quân sự, tất cả vẫn thuộc thẩm quyền của cơ quan này.
Yuri Andropov - Chủ tịch Cơ quan tình báo Liên Xô (KGB).
Nhưng quan trọng hơn nhiều là một lần nữa nhận được "quyền gần gụi đầu não", sau khi phát ra tín hiệu về việc bản thân mình có những thông tin không chỉ quan trọng, mà còn hợp khẩu vị và rất đáng quan tâm: ví như, vũ khí siêu chính xác, một trái phá - một mục tiêu, bắn - quên.
Dù năm phút thôi, nhưng phải làm sao cho ông già thích thú đến mức ông chợt nghĩ: "Yura thật cừ khôi, anh ta hiểu biết biết bao nhiêu!" Trong khuôn khổ một trò chơi quan quyền lớn, việc nhắc về bản thân cần khéo léo và kín đáo, nhưng thường xuyên - không đẩy các ứng viên cạnh tranh ra quá xa mình.
Một lần nữa, trong việc có được thông tin trên ưu tiên tuyệt đối chính là KGB: sự việc chuyển bản bản báo cáo như vậy chứng thực rằng trong khuôn khổ việc chuyển nhanh chóng món ăn ngon lên bàn (hoặc tới đầu não) Andropov đã xác định đối thủ cạnh tranh từ phía quân đội.
Thêm một lần nữa trong con mắt của trọng tài - Brezhnev, trọng lượng của cơ quan KGB lại được khẳng định, nghĩa là – cả trọng lượng của bản thân Andropov: như một nhà lãnh đạo-lão luyện tài năng có tiếng tăm rộng rãi, có khả năng bao quát toàn diện.
Đồng thời trong ý thức của vị Tổng Bí thư, đang mờ đục dần bởi các chế phẩm của các bác sĩ điện Kremlin, nảy sinh một ý nghĩ đã nghiền ngẫm thấu đáo và sắc sảo:
"Trong khi chúng ta đang tiến hành các cuộc đàm phán về hạn chế vũ khí hạt nhân, những kẻ bịp bợm kia lặng lẽ phát triển tiềm năng quân sự của mình theo một con đường vòng – vậy sự hòa hoãn này thực sự có cần thiết cho chúng ta hay không?"
Đằng sau sân khấu vẫn còn chuyện khác: bản báo cáo đã thực sự ghi nhận sự tụt hậu thê thảm của chúng ta trong phạm vi loại vũ khí chính xác. Tất nhiên Andropov tế nhị tránh chủ đề này, nhưng không khó khăn gì để đọc ra vấn đề giữa các dòng chữ, rằng sự phát triển của các hệ thống mới sẽ "nhẹ nhàng" hủy hoại ưu thế rất lớn về số lượng xe tăng của Liên Xô.
Các lực lượng QĐ Liên Xô trong cuộc tập trận quy mô lớn Zapad 1981.
Đó là chưa đề cập đến thực tế ở phương Tây đang hình thành một kiểu quân đội mới: quân số tương đối nhỏ, nhưng chuyên nghiệp và có tính cơ động rất cao. Đương nhiên, các nhà vũ khí của chúng ta thời ấy cũng đang phát triển gì đó trong lĩnh vực này, thậm chí từ đó đến nay rất nhiều điều hay ho đã được thực hiện.
Nhưng thời gian trôi qua đã 40 năm, mà vẫn chưa hết cảnh "giậm chân tại chỗ": vì sự thụt lùi của Liên Xô (Nga) trong ngành điện tử, các hệ thống đạo hàng, dẫn đường và kiểm soát mà khoảng cách với phương Tây trong lĩnh vực vũ khí có độ chính xác cao "bắn - quên" vẫn còn mang đầy tính bi thảm.
Hoàng Anh