TQ mở trái phép 3 trạm khí tượng ở Trường Sa: Đâu là mục đích thực sự?
Trạm khí tượng mới: Phục vụ khoa học hay là cơ sở quân sự trá hình?
Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hồng Kông) trích dẫn các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết, hôm 31/10 vừa qua, Bắc Kinh đã khánh thành các trạm khí tượng tại 3 trong số các đảo đá nhân tạo do nước này bồi đắp trái phép trên Biển Đông.
-
Cạnh tranh với Mỹ ở Biển Đông, TQ được khuyên: Phải "giành giật" bằng được các nước Đông Nam Á
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng khẳng định trong cuộc họp báo hôm thứ Năm (1/11) rằng các trạm khí tượng mới sẽ được sử dụng cho mục đích đảm bảo an toàn hàng hải trên Biển Đông.
Hãng thông tấn nhà nước CCTV cho biết các trạm khí tượng này sẽ được trang bị các thiết bị phục vụ cho việc quan sát khí quyển và mặt đất cơ bản, thiết bị đo chỉ số ô nhiễm không khí, cùng các radar thời tiết - được dùng để theo dõi các chỉ số khí tượng thủy văn.
Theo đó, các trạm này sẽ theo dõi toàn bộ các biến động thời tiết trên quần đảo Trường Sa (của Việt Nam) và vùng biển xung quanh khu vực này, đồng thời cung cấp dữ liệu khí tượng chuẩn xác hơn cho các tàu cá và tàu thuyền hoạt động ở khu vực lân cận.
Vì những thông tin kể trên, nhiều ý kiến đã tỏ ra lo ngại rằng các cơ sở này sẽ được Bắc Kinh sử dụng cho mục đích quân sự.
Theo Taiwan News, điều kiện thời tiết trên Biển Đông khá khắc nghiệt và thường có những diễn biến khó lường. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới các hoạt động hàng hải trong khu vực. Do đó, có khả năng cao là các trạm khí tượng này được thiết lập để hỗ trợ các hoạt động quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông.
Đá Subi (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Ảnh: EPA.
Trung Quốc leo thang trên Biển Đông
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã ngang nhiên tăng cường bồi đắp các đảo nhân tạo và quân sự hóa trên Biển Đông, thậm chí còn bố trí tên lửa tại các đảo nhân tạo trái phép này.
Trong giai đoạn từ năm 2013-2016, Bắc Kinh đã bồi đắp trái phép trên 7 rạn san hô thuộc chủ quyền của Việt Nam - trong đó có Đá Vành Khăn, Đá Subi và Đá Chữ Thập là 3 khu vực có diện tích lớn nhất.
-
Hạn chế thảo luận Biển Đông, Trung Quốc biến hội nghị an ninh thành nơi "mắng xối xả" Mỹ
Kể từ đó, Trung Quốc đã xây dựng thêm nhiều cơ sở quân sự và dân sự trái phép như các sân bay có đủ sức chứa loại máy bay chở khách lớn như Boeing 737 và Airbus A320; các bến tàu cho tàu thuyền lớn neo đậu, các ngọn hải đăng, trạm viễn thông, trạm năng lượng mặt trời, nhà máy khử muối nước biển, bệnh viện, các cơ sở canh tác nông nghiệp, và thậm chí cả các cơ sở luyện tập thể thao.
Theo SCMP, lực lượng quân đội Trung Quốc cũng đã được triển khai trên các đảo đá này.
Phía Mỹ đã lên án các hoạt động quân sự hóa và bồi đắp đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông, và thường xuyên điều tàu chiến đến tuần tra khu vực này nhằm đảm bảo tự do hàng hải trên vùng biển quốc tế.
Trước những động thái của Trung Quốc, Việt Nam luôn khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, đồng thời phản đối hoạt động bồi đắp đảo trái phép của Trung Quốc tại các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Ngày 8/5, trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin trên báo chí nước ngoài liên quan đến việc Trung Quốc bố trí tên lửa tại các cấu trúc mà nước này đã xây dựng trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định:
"Việt Nam hết sức quan ngại trước các thông tin nêu trên và khẳng định mọi hoạt động quân sự hóa, bao gồm cả việc bố trí tên lửa trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, đi ngược lại Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), làm gia tăng căng thẳng, gây mất ổn định trong khu vực và không có lợi cho nỗ lực của các nước trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông hiện nay (COC).
Hồng Anh