TP.Vũng Tàu: “Biến” đất công thành dự án nhà ở thương mại?
Công ty Cổ phần được nhà nước giao “đất vàng”
Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Xây dựng Giao thông tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (Công ty TDC) là doanh nghiệp nhà nước được thành lập năm 1997, thuộc sự quản lý của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Trụ sở làm việc của công ty TDC.
Đến năm 2004, theo chủ trương của Chính phủ, TDC đã thực hiện cổ phần hoá và chuyển sang hình thức công ty cổ phần. Sau khi cổ phần hoá, lấy lý do trụ sở cũ chật hẹp, TDC đã có đơn xin UBND tỉnh để được thuê khu đất có diện tích 800m2 tại Quốc lộ 51C (nay là đường 3/2, phường 8, TP.Vũng Tàu) và lập dự án đầu tư xây dựng trụ sở.
Ngày 10/7/2009, UBND tỉnh Bà Bịa – Vũng Tàu đã chuẩn y và thu hồi, giao lô “đất vàng” tại thửa số 42, tờ bản đồ số 03 với diện tích 800m2 này cho TDC với thời hạn thuê 50 năm (đến ngày 24/6/2058), mục đích là đất cơ sở sản xuất kinh doanh. Trong giấy chứng nhận cũng ghi rõ, nguồn gốc sử dụng đất là “nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm”.
Điều đáng nói, theo tìm hiểu của PV, năm 2004, TDC đã được cổ phần hoá 100% và Nhà nước không còn nắm giữ bất cứ 1 cổ phần nào trong công ty. Như vậy, việc một công ty tư nhân, lại được tỉnh “ưu ái” cho thuê “đất công” mà không qua đấu giá liệu có đúng quy trình, thủ tục?
Dự án Ruby Tower được cho là đã bàn giao cho khách hàng dù chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Dù làm đơn xin được thuê đất với mục đích xây dựng văn phòng, nhưng trên thực tế, kể từ khi được cấp đất năm 2009, Công ty TDC lại “bỏ hoang”, không thực hiện dự án. Điều này, khiến cho năm 2014, khu đất nói trên được UBND tỉnh liệt vào diện chậm triển khai và dự kiến thu hồi.
Tháng 6/2015, Công ty TDC đã ký thoả thuận hợp tác để cùng phát triển dự án với Công ty Cổ phần DIC số 4 (công ty thành viên của Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng – DIC Corp).
Theo đó, TDC góp vốn bằng 800m2 đất (được định giá 4 tỷ đồng), tiền thuê đất đã đóng, lo thủ tục giấy tờ… Phía DIC 4 sẽ lo toàn bộ kinh phí xây dựng dự án với tổng giá trị khoảng 100 tỷ đồng.
Ngày 17/5/2016, Sở Xây dựng tỉnh BR-VT đã cấp giấy phép xây dựng số 29 cho công ty TDC tại khu đất nói trên.
Theo giấy phép này, TDC được xây dựng công trình: Văn phòng trên diện tích 800m2 đất, với chiều cao 15 tầng + 1 tầng hầm và tum thang, với tổng diện tích 9.045,1m2 sàn xây dựng và mật độ xây dựng là 64%.
“Mất trắng” đất sau khi chuyển nhượng?
Trong quá trình xây dựng, bên cạnh 5 tầng văn phòng, TDC và DIC 4 đã chia dự án thành 54 căn hộ chung cư có diện tích từ 53 – 82m2 và 3 căn hộ Penthouses với diện tích từ 188 – 244m2. Đồng thời, đổi tên dự án thành Ruby Tower và chào bán ra thị trường từ tháng 10/2017 với mức giá thấp nhất từ 1,2 tỷ đồng và cao nhất là hơn 6 tỷ đồng.
Hiện nay, hầu hết các căn hộ đã được bàn giao cho khách hàng, bất chấp việc dự án vẫn chưa hoàn tất việc chuyển đổi quyền sử dụng đất cũng như lằng nhằng trong việc chuyển nhượng, mua bán “đất công”.
TDC được cho thuê với thời hạn 50 năm (đến ngày 24/6/2058), mục đích là đất cơ sở sản xuất kinh doanh, nguồn gốc sử dụng đất là Nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm.
Trao đổi với PV, ông Kiều Anh Mận cho rằng, việc UBND tỉnh cấp cho công ty ông lô đất nói trên là hoàn toàn đúng luật. Bởi “nếu đã sai thì chẳng cơ quan chức năng nào lại làm như vậy cả”.
Ông Mận cũng cho biết, khi được tỉnh giao đất rồi, công ty đã gặp rất nhiều khó khan trong việc bố trí nguồn vốn nên không thể triển khai dự án như dự định ban đầu. Chính vì thế, việc hợp tác với DIC 4 là việc mà cả đôi bên đều có lợi.
Theo ông Mận, trong thoả thuận hợp tác giữa 2 bên, khi phân phối lợi nhuận, TDC sẽ được quyền mua lại 2 tầng văn phòng (khoảng 1.000m2) của dự án với giá ưu đãi. Bên cạnh đó, cán bộ công nhân viên công ty cũng sẽ được mua 30% tổng số căn hộ với giá gốc từ DIC 4.
Thế nhưng, ông Mận thừa nhận, khi dự án được hoàn thành, phía TDC không có khả năng mua lại 2 tầng văn phòng như thoả thuận ban đầu. Bên cạnh đó, do giá căn hộ quá cao, nhân viên công ty cũng không ai mua được căn hộ tại dự án Ruby Tower. Điều này có nghĩa, từ 800m2 “đất vàng” ban đầu được giao, sau quá trình hợp tác triển khai xây dựng, đến nay, TDC đã “mất trắng” mảnh đất về tay DIC 4 mà không thu được bất kỳ một đồng lợi nhuận nào.
Cũng theo ông Mận, theo hợp đồng hợp tác, phía TDC chỉ lo các thủ tục về thiết kế, xin phép xây dựng dự án, còn lại mọi việc xây dựng, mua bán dự án của DIC 4 như thế nào, TDC không được quyền can thiệp. Ông Mận cũng thừa nhận, mình không hề biết thông tin DIC 4 đã mở bán dự án và bàn giao căn hộ cho khách hàng. “Đến 2 tầng văn phòng mà chúng tôi được mua ưu đãi, tôi còn chưa biết nó ra sao, thì mấy căn hộ làm sao biết được”, ông Mận nói.
Chưa dừng lại ở đó, theo thông tin mà PV thu thập được, tháng 4/2017, Công ty TDC đã gửi hồ sơ đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho phép chuyển nhượng toàn bộ dự án này cho DIC4. Lý do là công ty không đủ khả năng tài chính để hoàn thành dự án. Trước đề xuất này, Sở Xây dựng đã gửi văn bản để lấy ý kiến các sở/ngành, TP.Vũng Tàu.
Đến ngày 18/9/2017, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có văn bản số 8867/UBND-VP về việc chấp thuận chủ trương cho chuyển nhượng dự án nói trên. Trong đó, yêu cầu Công ty DIC 4 phải hoàn tất các nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai tại khu đất trước khi được cho phép chuyển nhượng. Tuy nhiên, do việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thời điểm đó chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nên việc chuyển nhượng dự án đã bị “tắc” lại đến bây giờ.
Như vậy, có thể nói, từ một khu “đất công” được cấp để xây dựng văn phòng, Công ty TDC đã tìm mọi cách để “phù phép” nhằm biến nó thành dự án nhà ở thương mại. Thế nhưng, lợi ích trong việc “phù phép” này sẽ về tay ai, khi Nhà nước, cũng như các cán bộ công nhân viên của Công ty TDC đều chẳng thu lại được gì sau một cuộc chuyển nhượng gần như “mất trắng” đất này?
Báo Thời Đại sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Minh Nghĩa