TP.HCM công bố dịch sởi, phụ huynh cần làm gì để bảo vệ trẻ?
Chiều 27/8, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thuý đã ký quyết định công bố dịch sởi trên địa bàn thành phố. Theo số liệu từ trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), từ ngày 19/8 đến 25/8, TP.HCM ghi nhận 20 ca dương tính với sởi. Từ đầu năm đến nay, TP.HCM có 209 ca dương tính với sởi và 3 ca tử vong.
Tốc độ lây nhiễm sởi nhanh hơn COVID-19
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lưu hành phổ biến ở trẻ em, bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra dịch vào những tháng đông - xuân. Phương thức lây truyền bệnh bằng đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với chất tiết của mũi họng bệnh nhân.
Bệnh sởi có tính lây truyền cao, chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng khi đạt được >95% tỷ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu trong cộng đồng. Dịch thường có tính chu kỳ từ 3-5 năm.
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lưu hành phổ biến ở trẻ em. (Ảnh minh họa) |
Trước khi có vắc xin phòng ngừa sởi vào năm 1963, 90% người lớn ở độ tuổi 20 đều đã từng bị bệnh sởi vì khả năng lây lan cực nhanh và kéo dài. Hệ số lây nhiễm Ro của bệnh sởi rất cao, từ 12 - 18 (nghĩa là cứ 1 người bị bệnh có thể lây cho 12 - 18 người), cao hơn rất nhiều so với chỉ số Ro của bệnh COVID-19 là 2 - 5.
Việt Nam triển khai thành công chương trình Tiêm chủng mở rộng từ năm 1984 đến năm 2012: tỷ lệ mắc bệnh sởi giảm 830 lần.
Các chuyên gia y tế cảnh báo, tất cả những người chưa bị mắc bệnh sởi hoặc chưa được gây miễn dịch đầy đủ bằng vắc xin sởi đều có cảm nhiễm với bệnh sởi. Bệnh sởi là loại bệnh lành tính, nhưng có khả năng gây suy giảm miễn dịch rất nhanh nên trẻ mắc bệnh rất dễ mắc các căn bệnh kèm theo như khác như viêm phổi, tiêu chảy…. và có thể diễn biến nặng hoặc tử vong do những căn bệnh cơ hội này.
Cách phòng bệnh sởi hiệu quả
Theo Cục Y tế dự phòng, tiêm vắc xin sởi là biện pháp phòng bệnh sởi hiệu quả nhất. Để phòng bệnh có hiệu quả, trẻ cần được tiêm 2 mũi. Mũi thứ nhất được tiêm khi trẻ 9 tháng tuổi, mũi thứ hai được tiêm khi trẻ 18 tháng tuổi.
Không có vắc xin nào có hiệu quả bảo vệ 100%. Nếu trẻ được tiêm một mũi vắc xin sởi lúc 9 tháng tuổi, chỉ có 80-85% trẻ có đáp ứng miễn dịch. Nếu trẻ được tiêm thêm mũi vắc xin sởi thứ hai lúc 18 tháng tuổi thì tỷ lệ bảo vệ là 90-95%.
Sau khi mắc sởi xong hoặc sau khi được tiêm đủ 2 mũi vắc xin theo lịch tiêm chủng thì có miễn dịch có thể bền vững suốt đời. Chính vì vậy các phụ huynh cần thực hiện đầy đủ hướng dẫn của cán bộ y tế khi đưa trẻ đi tiêm chủng.
Tiêm vắc xin sởi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. |
Làm gì khi trẻ mắc bệnh
Trẻ cần tăng cường dinh dưỡng đầy đủ để phòng suy dinh dưỡng; tăng cường vệ sinh răng miệng, vệ sinh cá nhân cho trẻ tránh mắc bệnh cơ hội.
Trẻ mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh sởi phải được cách ly, nghỉ học và không đến nơi tập trung đông người để tránh lây lan trong cộng đồng. Cha mẹ và người chăm sóc nên chú ý đưa trẻ đến bệnh viện khi trẻ có sốt phát ban và kèm theo ho.
Bên cạnh tiêm vắc xin sởi phòng bệnh, ngành y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh gồm: Rửa tay thường xuyên trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi tiếp xúc với người bệnh; deo khẩu trang khi đến nơi đông người hoặc khi chăm sóc người bệnh; vệ sinh nhà cửa, đồ dùng thông thoáng, sạch sẽ, thường xuyên lau chùi các bề mặt tiếp xúc; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn giấy hoặc khuỷu tay; cách ly người bệnh để tránh lây nhiễm cho người khác.