TP.HCM: Ba lần nhập viện bác sĩ mới tìm ra bệnh, sản phụ đau đớn mất con đầu lòng
"Buổi sáng hôm đó con còn quẫy đạp mạnh lắm, đòi uống sữa nữa. Nhưng trưa thì bụng em đau dữ dội, ói ra dịch đen, phải nằm băng ca cấp cứu. Hai ngày sau mổ em vẫn chưa biết chuyện gì. Đến trưa 22/10/2017, bác sĩ (BS) mới vỗ vai em, nói đừng có buồn, hai vợ chồng còn trẻ, vẫn còn có khả năng có thai lần nữa. Em như chết lặng…".
Chị L.K.T.T.
Con mất, mẹ nguy kịch vì bác sĩ không phát hiện viêm ruột thừa
Nói xong những lời trên, chị L.K.T.T (28 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) liên tục gạt tay lau gò má đẫm lệ. Những ngày vừa qua thật quá khó khăn để chị nguôi nỗi đau mất con. Chỉ vì phát hiện căn bệnh viêm ruột thừa quá muộn, bé trai đầu lòng của vợ chồng chị đã bị tử thần cướp đoạt.
Hai lần khám đầu tiên tại Bv Từ Dũ của chị T. đều không thấy bất thường.
Anh K. (25 tuổi, chồng chị T.) kể lại: "Vợ tôi mang thai gần 8 tháng, sắp đến ngày dự sinh. Khuya 11/10, vợ tôi đau bụng quằn quại nên được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện (BV) Từ Dũ trong đêm. Tại đây bác sĩ nói mọi thứ bình thường rồi cho về dù cô ấy còn rất đau bụng. Đến sáng ngày 12/10, cơn dữ dội hơn nên tôi quyết định đưa vợ trở tại Từ Dũ. Lần này vợ tôi phải ngồi xe lăn rồi chứ không thể tự đi được nữa".
Người mẹ nghẹn ngào kể về những tháng ngày sau khi mất con.
Sau khi được chỉ định xét nghiệm, siêu âm, kết quả thăm khám vẫn là hai mẹ con chị T. đều bình thường. Thấy BS định cho về, gia đình làm căng yêu cầu phải chẩn đoán kỹ lại và xin mổ ngay lập tức thì được phía BV làm các thủ tục chuyển sang BV Nhân dân 115. Tại đây, thai phụ được chẩn đoán bị rối loạn tiêu hóa, kê đơn thuốc uống ba ngày rồi cho về.
Sau khi được đưa đến BV Nhân dân 115, chị T. được các BS chẩn đoán bị rối loạn tiêu hóa.
"Uống thuốc thấy vợ đỡ hơn nên cả nhà cũng tạm yên tâm vì đã tìm ra nguyên nhân bệnh. Đến hơn 3 giờ sáng 20/10, vợ tôi đột nhiên tái phát cơn đau dữ dội, ói ra dịch màu đen. Cả nhà tiếp tục đưa sản phụ đến cấp cứu tại Từ Dũ lần 3. Cũng như hai lần trước, nơi đây cũng làm nhiều xét nghiệm xong và... định mời về. Sau một hồi tranh cãi quyết liệt, bệnh viện Từ Dũ mời bác sĩ bệnh viện Bình Dân sang hội chuẩn.
Ngày 20/10/2017, chị T. đau quặn bụng, ối ra dịch màu đen.
Lúc này vợ tôi mới được phát hiện bị viêm ruột thừa và được chuyển viện ngay lập tức. Cả nhà được cả các bác sĩ mổ cho biết đây là ca nguy hiểm, khả năng chỉ có 50/50 và có thể mất luôn cả mẹ lẫn con. Đến rạng sáng 21/10, bác sĩ bệnh viện Bình Dân thông báo thai đã chết lưu trong bụng mẹ vì ảnh hưởng của dịch chất độc tiết ra từ phần ruột thừa bị viêm" – anh T. đau đớn kể lại.
Phiếu xác nhận chị T. có phẫu thuật viêm ruột thừa tại BV Bình Dân.
Giấy báo tử ngày 21/10 tại BV Bình Dân xác định con chị T. đã chết lưu trong bụng.
Theo anh T., cả ba lần anh đưa vợ đến BV Từ Dũ khám đều không được bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác.
"Ẵm con trên tay mà không được nghe tiếng con khóc. Nỗi đau đó không biết bác sĩ có xót không. Tôi nghĩ nếu BV Từ Dũ ngay từ đầu không khám ra bệnh mà hướng dẫn vợ tôi chuyển viện ngay thì bệnh của vợ tôi đã không nặng, con tôi đã không mất" anh T. bức xúc nói.
Phải chi bác sĩ tìm ra bệnh sớm hơn
Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo BV Từ Dũ xác nhận có sự việc sản phụ T. mất con do viêm ruột thừa diễn tiến nặng sang viêm phúc mạc.
Theo đó, chị T. từng đến bệnh viện Từ Dũ ba lần. Lần đầu tiên khám theo mô tả của bệnh nhân thì không phát hiện gì bất thường. Khi trở lại lần hai, thai phụ có đau bụng nhiều hơn, tuy nhiên các BS nghĩ đây là bệnh liên quan đường tiêu hóa chứ không phải bệnh về sản khoa nên chuyển bệnh nhân qua Bệnh viện Nhân dân 115 khám.
Anh K. (trái) bức xúc cho rằng nếu các BS phát hiện bệnh và chuyển viện sớm, con của anh có thể đã không mất.
"Cả hai lần người nhà đều yêu cầu được mổ bắt con. Nhưng việc này phải có chỉ định của sản khoa. Nếu đây là sinh non thì chỉ 1-2 ngày sau là phải sinh rồi nên thời điểm đó phía BV không can thiệp gì là đúng" – vị này cho biết.
Đến lần thứ ba, khi khám bụng chị T., các BS thấy có biểu hiện của tình trạng ngoại khoa, cần can thiệp mổ xẻ nên quyết định mời BV Bình Dân sang hỗ trợ. Lúc này, chị T. được phát hiện viêm ruột thừa, tình trạng nhiễm trùng âm thầm từ từ, viêm cấp không xử lý dẫn đến tình trạng nặng, vỡ và viêm phúc mạc.
"Đây là một sai sót, không biết phía bệnh viện115 dặn bệnh nhân thế nào nhưng đến ngày 20/10, bệnh nhân mới vào lại BV Từ Dũ thì quá lâu" – lãnh đạo BV Từ Dũ nói.
Đại diện BV Từ Dũ cũng cho biết, trong thời điểm thai phụ bị viêm phúc mạc, trừ khi có chỉ định sản khoa, không thể mổ lấy thai vì mủ từ ruột thừa có thể đẩy vào buồng tử cung gây nhiễm trùng tử cung.
Chỉ đến khi có tình trạng suy thai, ekip điều trị mới quyết định thực hiện cuộc mổ bắt con. Lúc này bệnh nhi đã chết lưu trong bụng.
Vùng bụng chị T. được chọc 4 lỗ để dẫn lưu mủ do ruột bị viêm phúc mạc nặng ngày 20/10/2017.
Theo BS, khi thai đã 24-25 tuần trở lên thì tử cung lên rất cao và đẩy luôn ruột thừa lên nên dễ chẩn đoán lầm với viêm túi mật. Không ít trường hợp viêm ruột thừa nhưng chẩn đoán nhầm thành dọa sinh non khiến tình trạng nặng hơn, gây viêm phúc mạc khu trú hoặc toàn thể như chị T. Triệu chứng của ruột thừa cũng chính là rối loạn tiêu hóa.
Sau mổ một tháng, vùng bụng chị T. vẫn còn vết sẹo lớn.
Trả lời câu hỏi vì sao đến tận ngày 20/10 mới đứa vợ trở lại BV cấp cứu, anh K. thừa nhận bản thân có chủ quan vì quá tin tưởng vào kết quả khám bệnh của BS.
"Giờ mọi chuyện đã xảy ra, tôi chỉ mong cảnh báo cho những người làm cha làm mẹ khác khi có con hãy kỹ càng hơn. Và mong các BV đừng thờ ơ, vô cảm với người bệnh, không chẩn đoán được thì phải chuyển ngay đến nơi khác có khả năng" – anh K. bộc bạch.
Người mẹ mất con cho biết sẽ cố gắng vượt qua nỗi đau vì gia đình.
Nhưng có lẽ giờ đây, nỗi đau lớn nhất thuộc về chị T. Người phụ nữ tâm sự đến thời điểm này, trên bụng chị vẫn còn in hằn vết tích của ca mổ. Bản thân chị bị tim bẩm sinh, nên sau cơn xúc động vì mất con, bệnh tình cũng trở nặng.
"Các BS dặn tôi nếu muốn có con nên để 1-2 năm nữa khi vết thương lành hẳn nhưng cũng sẽ nguy hiểm. Mấy tuần nay tôi đều mất ngủ vì nhớ con. Chồng tôi còn may mắn hơn tôi, được ẵm con, nhìn con lúc vừa ra khỏi bụng mẹ. Phải chi bác sĩ tìm ra bệnh sớm hơn thì giờ mọi thứ đã khác" – chị T. lại rớt nước mắt.
Bài, ảnh: Hoàng Lê