Top 10 phát hiện y học tốt cho sức khỏe trong năm 2015
Lĩnh vực nghiên cứu trọng tâm trong năm 2015 chính là hệ vi sinh – vũ trụ thu nhỏ của 100 nghìn tỷ vi sinh vật đang cư trú trong dạ dày của chúng ta. Chúng cũng là yếu tố quan trọng giúp thay đổi sức khỏe của con người. Mặc dù các vi sinh vật được nhận biết từ nhiều thập kỷ trước, chúng ta mới chỉ bắt đầu hiểu được tầm ảnh hưởng của những sinh vật cộng sinh nhỏ bé này đối với sức khỏe trong thời gian gần đây.
Tuy vậy, các nghiên cứu về hệ vi sinh chỉ là bước khởi đầu. Dưới đây là những khám phá thú vị hơn về sức khỏe trong năm 2015, có thể giúp con người cảm thấy sôi nổi, thúc đẩy năng lực trí não và thậm chí là sống lâu hơn!
1. Bộ não kết nối trực tiếp tới hệ thống miễn dịch
Quan điểm về hệ thống bạch huyết trong cơ thể cũ (trái) và mới
Trong một phát hiện tuyệt vời có thể làm đảo lộn lý thuyết hàng chục năm nay trong các sách giáo khoa y học, các nhà nghiên cứu kết luận: não bộ được kết nối trực tiếp tới hệ thống miễn dịch bằng các mạch bạch huyết – ý tưởng chưa từng bao giờ xuất hiện trước đây.
Điều này cũng xác nhận tầm quan trọng của việc giảm viêm trong cơ thể. Do đó, não bộ có thể tác động sâu sắc tới việc điều trị và phòng ngừa nhiều bệnh về thần kinh như trầm cảm, Alzheimer, Parkinson, sa sút trí tuệ thể Lewy, bệnh đa xơ cứng và bệnh tự kỷ.
2. Điện thoại di động gây ảnh hưởng lớn tới giấc ngủ
Ánh sáng xanh phát ra từ màn hình thiết bị điện tử khiến chúng ta khó ngủ hơn, và ngủ không sâu giấc
Nhờ nghiên cứu được công bố hồi tháng 1 trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học, chúng ta biết được rằng ánh sáng xanh phát ra từ màn hình thiết bị điện tử (máy tính bảng, điện thoại di động…) sẽ gây ức chế quá trình sản xuất melatonin trong não. Đó là hormone nội tiết tố không chỉ có trách nhiệm giúp điều hoà đồng hồ sinh học để giúp bạn đi vào giấc ngủ, mà còn tham gia trong nhiều gen mà một số trong đó có thể giúp ngăn ngừa ung thư.
Trong thực tế, tỷ lệ ung thư ở những người hoàn toàn bị mù thấp hơn so với người có thị lực đầy đủ. Có thể, một trong những nguyên nhân quan trọng là mức melatonin của họ không bao giờ bị hạ thấp. Những đối tượng tham gia thử nghiệm được cho phép sử dụng màn hình có ánh sáng xanh trước khi đi ngủ đều khó ngủ hơn. Chất lượng giấc ngủ cũng không tốt, và họ cũng thiếu tỉnh táo vào sáng hôm sau. Từ những điều này, các nhà nghiên cứu đi đến kết luận: “Ánh sáng điện tử mà chúng ta tiếp xúc từ lúc chìm trong bóng tối đến trước khi đi ngủ có tác động sinh học sâu sắc”. Vì vậy, bạn hãy hạn chế điều này, hoặc sử dụng kính lọc ánh sáng xanh.
3. Thực phẩm nhiều gia vị có thể giúp kéo dài tuổi thọ
Ớt – gia vị có thể tăng cường sức khỏe. (Ảnh: Getty Images)
Nghiên cứu quan sát này thật tuyệt vời trong việc tìm ra các liên kết thú vị giữa các yếu tố như mô hình chế độ ăn uống cụ thể, hoặc các thành phần thực phẩm đối với sức khỏe – một điểm khởi đầu tốt cho quá trình khám phá tiếp đó. Nghiên cứu nói trên – được công bố trên Tạp chí Y học Anh – phát hiện ra rằng: khi theo dõi trong vòng 7 năm, những người ăn các loại thực phẩm nhiều gia vị hầu như mỗi ngày có nguy cơ tử vong thấp hơn 14% so với những người tiêu thụ chúng ít hơn một lần/tuần.
Các thành phần hoạt chất trong ớt, capsaicin được chứng minh là có một loạt các hiệu ứng tăng cường sức khỏe. Trong đó bao gồm chất chống oxy hóa, chống viêm và cả tác dụng chống ung thư.
4. Nước ngọt cho người ăn kiêng (diet soda) cũng có thể khiến bạn phát phì
Hãy sử dụng diet soda đúng cách
Chúng ta biết rằng, chế độ ăn uống nhiều đường là không tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, những kết luận về diet soda mới chỉ được đưa ra gần đây. Nó chỉ ra rằng: nhiều chất làm ngọt nhân tạo – ngoài việc bị chuyển hóa thành các hợp chất có thể gây hại cho thần kinh – còn có tác dụng tương tự như các hormone nội tiết tố trong cơ thể để tiêu thụ đường. Nguy hiểm hơn cả, nó còn ảnh hưởng tới các vi sinh vật trong cơ thể người – yếu tố chủ chốt trong hoạt động trao đổi chất.
Sau khi theo dõi chế độ tiêu thụ diet soda của 400 người trong khoảng 10 năm, nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Lão khoa Mỹ khẳng định: “Việc tăng cường DSI (lượng diet soda) có liên quan tới quá trình gây ra mỡ bụng – mối nguy cơ tiềm tàng về các bệnh tim mạch cũng như các bệnh liên quan tới trao đổi chất”.
5. Chất béo bão hòa không hoàn toàn có hại
Chất béo bão hòa không hoàn toàn có hại như nhiều người vẫn nghĩ
Những năm gần đây, các chất béo bão hòa bị ngầm hiểu là không tốt cho sức khỏe. Điều này là sai lầm, vì thực tế phức tạp hơn nhiều. Ảnh hưởng của chất béo bão hòa với sức khỏe phụ thuộc phần lớn vào việc bạn sử dụng nó ra sao trong chế độ ăn uống.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Y học Anh cho thấy: không tìm ra mối liên hệ giữa lượng chất béo bão hòa và các nguyên nhân gây tử vong. Trong khi đó, việc tiêu thụ chất béo chuyển hóa lại có liên quan tới việc gia tăng tỷ lệ tử vong thêm 34%.
Trong thực tế, trong năm qua các chuyên gia nghiên cứu ra rằng: dầu partially hydrogenated – nguồn dinh dưỡng chủ yếu của chất béo trans nhân tạo trong thực phẩm chế biến – không phải là an toàn. Vì vậy, chất béo bão hòa có thể đã được minh oan. Dù vậy, nếu chúng ta quan tâm tới sức khỏe một cách toàn diện, chúng ta phải đánh giá một chất dinh dưỡng thông qua cách các vi sinh vật trong cơ thể tiếp nhận hoặc kết hợp với nó.
Ngoài ra, việc tăng lượng chất béo bão hòa trong chế độ ăn uống ít dinh dưỡng, nhiều carbohydrate, hàm lượng đường cao, ít chất xơ vẫn là không tốt đối với sức khỏe. Trong thực thế, các chất béo bão hòa và đường kết hợp thường được sử dụng trong các nghiên cứu dinh dưỡng như cách bắt chước chế độ ăn kiêng kiểu Mỹ.
6. Nỗi lo sợ trước chất béo bị đẩy lùi
Sử dụng quá ít chất béo cũng có thể gây ra nhiều chứng bệnh
Trong các năm 1977 và 1983, chính phủ Mỹ cũng như Vương quốc Anh công bố những hướng dẫn quốc gia về chế độ ăn uống, trong đó hạn chế chất béo. Giống như “truyền thuyết” về sức khỏe, chế độ ăn uống tránh mọi thứ liên quan tới chất béo và ăn nhiều ngũ cốc được phổ biến rộng rãi. Tuy nhiên, chế độ ăn nói trên có liên quan tới chứng béo phì, bệnh tiểu đường type 2 và nhiều bệnh mãn tính khác.
Một phân tích tổng thể thực hiện trong năm 2015 và được công bố trên Tạp chí Y học Anh đặt ra nghi vấn rất đơn giản nhưng lại quan trọng: các khuyến nghị trước đây được đưa ra dựa trên bằng chứng nào? Và đây là kết luận: “Khuyến nghị ăn kiêng (để giảm lượng chất béo) được giới thiệu cho 220 triệu người Mỹ, cũng như 56 triệu người Anh là không có chứng cứ khoa học bổ trợ”.
7. Giảm lượng carbohydrate (carb) có thể làm giảm bệnh tim
Chế độ ăn ít carbohydrate có thể giảm thiểu nguy cơ bệnh tim mạch
Dựa trên 17 thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên (tiêu chuẩn vàng trong nghiên cứu dinh dưỡng), kết quả phân tích mới được xuất bản trong năm nay cho thấy: chế độ ăn uống ít carbohydrate là vượt trội so với chế độ ăn ít chất béo để giảm nguy cơ tim mạch và thúc đẩy giảm cân ở người lớn thừa cân.
Trong thực tế, theo số liệu tính toán về nguy cơ mắc bệnh tim mạch của Viện Y tế quốc gia của Mỹ, người ăn ít carb sẽ giảm được nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ tới 98% so với người ăn ít chất béo. Các nhà nghiên cứu cũng không tìm thấy ích lợi đáng kể của chế độ ăn ít chất béo đối với việc phòng chống bệnh tim mạch.
8. Nghiên cứu FINGER về sự suy giảm nhận thức
Tập thể dục thường xuyên giúp trì hoãn quá trình suy giảm nhận thức ở người lớn tuổi
2015 là một năm đánh dấu nhiều bước tiến lớn trong lĩnh vực nghiên cứu não bộ. Nhờ công trình nghiên cứu tuyệt vời của giáo sư Miia Kivipelto cùng với các đồng nghiệp tại Viện Karolinska ở Stockholm (Thụy Điển), chúng ta được biết rằng: bất kể tuổi tác, việc tuân thủ lối sống – bao gồm các lời khuyên về dinh dưỡng, sự hỗ trợ của xã hội và việc tập thể dục – có thể trì hoãn quá trình suy giảm nhận thức ở người lớn tuổi.
Theo thông báo tại hội nghị ở Barcelona (Tây Ban Nha), những đối tượng tham gia nghiên cứu FINGER thực sự được hưởng lợi hơn nhiều từ những can thiệp kể trên, dù họ là những người có nguy cơ bị Azheimer di truyền rất cao. Điều mấu chốt trong kết quả nghiên cứu: di truyền không phải yếu tố quan trọng nhất.
9. Tuổi sinh học quan trọng hơn tuổi thực
Bạn có thể trông còn trẻ hơn vào sinh nhật sang năm
Bạn từng đến một buổi họp lớp cấp 2? Bạn có tự hỏi rằng: tại sao, mặc dù tất cả là bạn cùng lớp, mọi người dường như lại ở độ tuổi rất khác nhau? Đây là lý do: Bạn thực sự có 2 độ tuổi. Tuổi thực theo thời gian được xác định bởi năm sinh của bạn. Còn tuổi sinh học xác định bởi lối sống của bạn. Tuổi sinh học là một trong những điều bạn thực sự cần quan tâm và kiểm soát.
Trong năm 2015, các nhà khóa học theo dõi các dấu hiệu lão hóa trên người khỏe mạnh trong độ tuổi 20–30 và nhận ra: một số người dường như càng chóng già hơn những người khác, và độ tuổi sinh học (độc lập trong mối tương quan với tuổi thực tế) cũng có phần được thể hiện ra bên ngoài. Vì vậy, trong chừng mực mối liên hệ giữa ngoại hình và tuổi sinh học, những người có vẻ ngoài trẻ trung thực sự tươi trẻ hơn so với tuổi thực của họ.
10. Dầu olive nguyên chất cực kỳ có lợi cho não bộ
Bổ sung dầu olive sẽ giúp ích rất nhiều cho não bộ. (Ảnh: iStock)
Chế độ ăn của cư dân Địa Trung Hải dường như hỗ trợ tốt cho hệ tim mạch và hệ thần kinh, ít nhất là khi nhìn vào dân số đông đúc và sức khỏe của họ. Không ai thực sự biết nguyên nhân và thành phần chính xác của nó. Tuy nhiên, chúng ta đều biết rằng: đó là chế độ ăn uống tiêu thụ nhiều cá tươi (giả định cung cấp lượng chất béo omega-3 vừa đủ), sử dụng vừa phải rượu vang đỏ, và dùng rất nhiều dầu olive nguyên chất (giàu polyphenols và oleocanthal).
Chế độ ăn Địa Trung Hải được kết hợp với lối sống phù hợp, vì vậy thật khó để khuyến cáo những gì nên và không nên làm. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy: nên áp dụng rộng rãi chế độ ăn uống ít chất béo theo 2 kiểu chế độ ăn Địa Trung Hải. Trong đó, một kiểu bổ sung thêm chất béo từ các loại hạt, và kiểu còn lại bổ sung thêm chất béo từ dầu olive nguyên chất. Ở những người cao tuổi, việc bổ sung dầu olive theo chế độ ăn Địa Trung Hải đóng vai trò tối quan trọng trong sự duy trì chức năng nhận thức.
Anh Sang