Tổng thống Nga Putin tuyên thệ nhậm chức, hướng tới 24 năm cầm quyền
Tính đến nay, ông Putin đã cầm quyền lãnh đạo nước Nga suốt 18 năm liên tiếp, dù ở cương vị Tổng thống hay Thủ tướng. Theo hãng tin AFP, lễ nhậm chức của ông tại Điện Kremlin ở Thủ đô Moscow (Nga) năm nay không quá ấn tượng so với buổi lễ tương tự hồi năm 2012.
Ông Putin lần đầu tiên được bầu làm Tổng thống Nga vào năm 2000 và giữ ghế 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Tới năm 2008, ông giữ chức Thủ tướng Nga trong khi cộng sự thân cận của ông, ông Dmitry Medvedev, nắm chức Tổng thống. Sở dĩ có sự thay đổi này là do luật pháp Nga quy định mỗi Tổng thống chỉ được nắm quyền 2 nhiệm kỳ liên tiếp.
Năm 2012, ông Putin tiếp tục thắng cử Tổng thống Nga, nắm giữ chức vụ này trong suốt nhiệm kỳ 6 năm. Nếu tiếp tục nắm quyền hết nhiệm kỳ Tổng thống lần thứ 4, tức đến năm 2024, chính trị gia 65 tuổi sẽ là nhà lãnh đạo Nga trong gần 1/4 thế kỷ (24 năm).
Đó là lý do nhiều người so sánh Putin với những nhà lãnh đạo vĩ đại trước đó của nước Nga: Lãnh tụ Joseph Stalin (nắm quyền 31 năm); Sa hoàng Alexander II (26 năm) hay Sa hoàng Nicholas I (30 năm).
Ông Putin nói gì trong lễ nhậm chức?
Khoảnh khắc ông Putin bước vào Điện Kremlin, chuẩn bị tuyên thệ nhậm chức. (Ảnh: AP)
Bắt đầu lễ nhậm chức lần thứ tư, Tổng thống Putin thề "sẽ bảo vệ quyền lợi của người dân". Tiếp đó, ông phát biểu trong khoảng 10 phút, nhấn mạnh trọng trách của mình đối với nhân dân.
"Tôi nhận thức được trách nhiệm khổng lồ của mình. Tôi tin tưởng rằng, toàn bộ cuộc đời tôi là để phụng sự nước Nga", Tổng thống Putin tuyên bố.
Hầu hết bài phát biểu của ông Putin tập trung vào sự cần thiết của việc nước Nga phải theo kịp những biến đổi nhanh hơn bao giờ hết mà thế giới đang chứng kiến. Ông khẳng định: "Nước Nga phải hiện đại và năng động".
Bên cạnh việc lưu ý, Nga sẽ tiếp tục là một trong những nước đi đầu trong địa chính trị, Tổng thống Putin cũng tập trung phát biểu về sự cần thiết cho những cải tiến trong công việc nội bộ đất nước.
Trước khi kết thúc bài phát biểu, nhà lãnh đạo Nga cũng cảm ơn người dân về số phiếu kỷ lục mà ông nhận được trong cuộc bầu cử ngày 18/3 vừa qua. Ông nói rằng, tỷ lệ 77% số phiếu đạt được là nguồn sức mạnh chính trị to lớn của mình.
Nước Nga sẽ thay đổi như thế nào trong nhiệm kỳ mới của ông Putin?
Những năm đầu tiên dưới thời Tổng thống Putin, nước Nga luôn duy trì được sự ổn định. Khi đó, lạm phát được kiềm chế và những chức năng cơ bản của nhà nước như hệ thống phúc lợi xã hội đã được coi trọng.
Tình trạng bạo lực ly khai ở vùng Bắc Kavkaz, vốn đã cản bước chính quyền của người tiền nhiệm là cố Tổng thống Boris Yeltsin, cuối cùng đã được ông Putin giải quyết triệt để.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên thệ nhậm chức tại Điện Kremlin, Thủ đô Moscow, Nga ngày 7/5. (Ảnh: AP)
Những năm tiếp theo, kinh tế Nga vẫn duy trì được sức tăng trưởng mạnh mẽ, với nguồn lực lớn từ doanh thu dầu khí. Tổng thống Putin khi đó đã tăng cường quyền lực giám sát của nhà nước đối với nhiều tập đoàn kinh tế lớn.
Năm 2014, ông Putin quyết định sáp nhập bán đảo Crimea (trước đó thuộc Ukraine) vào lãnh thổ nước Nga. Quyết định này đã gây ra một trong những cuộc khủng hoảng quốc tế lớn nhất kể từ Chiến tranh Lạnh, khiến Moscow phải hứng chịu hàng loạt lệnh trừng phạt của phương Tây mà vẫn kéo dài cho đến ngày nay.
Những cáo buộc can thiệp cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 khiến quan hệ quốc tế của nước Nga trở nên xấu đi. Đầu năm nay, Anh và một số nước phương Tây tiếp tục cáo buộc Nga tiến hành một vụ tấn công bằng chất độc thần kinh trên lãnh thổ Anh, dù sau đó Moscow đã lên tiếng phủ nhận.
Theo chuyên gia phân tích chính trị Dmitry Oreshkin thì, trong nhiệm kỳ mới, Tổng thống Putin có thể sẽ thay đổi cách tiếp cận với các vấn đề quốc tế. "Bây giờ nhiệm vụ của ông ấy (Putin) không phải là mang về một vùng đất mới cho nước Nga, mà là buộc thế giới phải tôn trọng lợi ích của Nga", ông Oreshkin nhận định.
Con đường chính trị của Tổng thống Nga Vladimir Putin
Năm 1952: Ông Putin sinh ngày 7/10 tại Leningrad (nay là St. Petersburg), thành phố lớn thứ hai của Nga. Tiếp đó, ông theo học ngành luật rồi tham gia Cơ quan mật vụ Nga (KGB), hoạt động điệp viên ở Đông Đức.
Những năm thuộc thập kỷ 1990: Sau một thời gian làm trợ lý cấp cao cho Thị trưởng St. Petersburg, năm 1997, ông Putin làm Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) - cơ quan kế tục KGB.
Năm 1999: Ông Putin được bổ nhiệm làm Thủ tướng. Sau khi cựu Tổng thống Boris Yeltsin từ chức, ông trở thành quyền Tổng thống Nga.
Năm 2000: Ông được bầu làm Tổng thống Nga, giữ chức vụ này 2 nhiệm kỳ liên tiếp.
Năm 2008: Theo quy định của luật pháp, ông Putin không thể giữ chức tổng thống trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp. Cộng sự thân cận của ông là ông Dmitry Medvedev giữ chức Tổng thống, trong khi Putin làm Thủ tướng Nga.
Năm 2012: Ông Putin tái đắc cử tổng thống Nga. Theo luật mới, ông nắm quyền hết nhiệm kỳ 6 năm.
Năm 2018: Với tỷ lệ áp đảo (hơn 76% số phiếu), ông Putin tiếp tục thắng cử Tổng thống Nga, hứa hẹn nắm quyền tới năm 2024.
Trọng Sang