Tổng thống Duterte công khai "thách thức" quân đội đảo chính, tuyên bố không ngăn cản
"Tôi sẽ để họ tự quyết", ông Duterte nói về quân đội Philippines trong một cuộc phỏng vấn với cố vấn pháp lý của ông được phát sóng trên đài truyền hình quốc gia hôm thứ 3 (11/9) vừa qua. "Nếu họ muốn có một Tổng thống khác thì cũng được thôi", ông Duterte công khai đưa ra lời thách thức.
Quân đội Philippines vốn có tiền lệ can thiệp chính trị từ trước đó, đã bác bỏ mọi cáo buộc liên quan đến âm mưu lật đổ Tổng thống Duterte.
-
Ông Duterte không gửi quân tới biển Đông vì sợ bị lật đổ
Tuy nhiên vẫn có nhiều người nghi ngờ về việc phe đối lập của nước này âm mưu đảo chính, đặc biệt là trong bối cảnh lệnh bắt giữ Thượng nghị sĩ Antonio Trillanes của ông Duterte đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận.
Thượng nghị sĩ Antonio Trillanes là một trong những quan chức cấp cao trong chính quyền Philippines có nhiều ý kiến bất đồng và chỉ trích Tổng thống Duterte gay gắt nhất.
Ông Duterte đã rút lệnh ân xá mà chính phủ tiền nhiệm đã trao cho ông Trillanes liên quan tới một vụ đảo chính bất thành từ 10 năm trước.
Lệnh bắt giữ trên càng khiến ông Trillanes nặng lời chỉ trích hơn đối với Tổng thống Duterte. Trong khi cố thủ trong tòa thượng viện, ông Trillanes đã tiết lộ rằng ông ta đã được một số quan chức quân đội cung cấp các tài liệu có thể được sử dụng để chống lại Tổng thống, và tuyên bố ông Duterte không nắm quyền kiểm soát quân đội nước này.
Hôm thứ 3 vừa qua, Tòa án Tối cao Philippines đã bác bỏ yêu cầu của ông Trillanes về việc đảo ngược lệnh bắt giữ của Tổng thống Duterte.
Thượng nghị sĩ Antonio Trillanes cố thủ trong tòa nhà Thượng viện sau khi Tổng thống Duterte ra lệnh bắt giữ ông này. Ảnh: AP
"Các người cứ việc đến chỗ Trillanes đi. Hãy đến chỗ họ và tiến hành một cuộc chính biến hay cách mạng gì đó. Cứ thoải mái, tôi sẽ không ngăn cản. Thực ra tôi còn muốn khuyến khích các người làm cho xong chuyện luôn đi", ông Duterte tuyên bố trên sóng truyền hình.
Tướng Carlito Galvez, Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Philippines, khẳng định quân đội nước này không hề có âm mưu đảo chính, hoàn toàn trung thành với hiến pháp Philippines, tuân theo mệnh lệnh của cấp trên, và đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu.
-
Chuyên gia: Mạnh miệng với Trung Quốc về Biển Đông, đừng tưởng ông Duterte đã "ngả" về Mỹ
Quân đội Philippines đã trở thành lực lượng chính trị mang tính quyết định kể từ năm 1986, và đã góp phần lật đổ ít nhất hai đời Tổng thống nước này, như cựu Tổng thống Ferdinand Marcos (năm 1986) và cựu Tổng thống Joseph Estrada (2001).
Ông Trillanes từng là một đại úy hải quân và đã lãnh đạo cuộc đảo chính bất thành hồi năm 2003 (thời cựu Tổng thống Gloria Arroyo) và tìm cách giành quyền lực năm 2007.
Theo ông Ramon Casiple, Giám đốc Viện Nghiên cứu Cải cách Bầu cử và Chính trị Philippines, những tuyên bố của ông Duterte là biện pháp phủ đầu nhằm ngăn chặn các động thái quân sự chống lại ông này.
"[Âm mưu lật đổ chính quyền] là điều không thể coi thường được", ông Casiple kết luận. "Điều đó luôn có nguy cơ xảy ra bất cứ lúc nào".
Hồng Anh