e magazine
“Tôi luôn tin tưởng vào tương lai phát triển tươi sáng của Thái Bình”

17:48 | 29/05/2022

Thái Bình đã thay đổi thế nào, thay đổi ra sao và có thể hứa hẹn những gì trong tương lai khi đang nỗ lực tận dụng tối đa tiềm năng để phát triển? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Đông Hải, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Bình vào dịp tròn 2 năm ông đảm nhiệm trọng trách người đứng đầu Đảng bộ tỉnh về những vấn đề trên.
“Tôi luôn tin tưởng vào tương lai phát triển tươi sáng của Thái Bình”

Thái Bình đã thay đổi thế nào, thay đổi ra sao và có thể hứa hẹn những gì trong tương lai khi đang nỗ lực tận dụng tối đa tiềm năng để phát triển? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Đông Hải, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Bình vào dịp tròn 2 năm ông đảm nhiệm trọng trách người đứng đầu Đảng bộ tỉnh về những vấn đề trên.

“Tôi luôn tin tưởng vào tương lai phát triển tươi sáng của Thái Bình”

Thưa ông, muốn chọn đúng thế mạnh để phát triển thì việc đầu tiên cần làm là phải nhìn rõ những hạn chế tồn tại. Vì vậy, xin ông cho biết khái quát về hạn chế khách quan của kinh tế Thái Bình?

Thái Bình là tỉnh ven biển, thuộc đồng bằng châu thổ sông Hồng, nằm trong vùng ảnh hưởng của tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Tuy nhiên, so với các tỉnh lân cận và trong khu vực, Thái Bình có hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông còn thiếu và chưa đồng bộ; quy mô nền kinh tế nhỏ, xuất phát điểm thấp, hiệu quả, sức cạnh tranh, chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế chưa cao.

Thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với khu vực và cả nước. Việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành sản xuất còn chậm, chưa đạt yêu cầu.

Nông nghiệp chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, chưa tạo dựng được những sản phẩm nông nghiệp mang tính hàng hoá quy mô lớn, có thương hiệu và giá trị kinh tế.

Công nghiệp trong những năm gần đây đã có bước phát triển tích cực nhưng đa số cơ sở sản xuất vẫn có quy mô vừa và nhỏ, chủ yếu là gia công và sản xuất các sản phẩm thông thường. Việc phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng và công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ còn hạn chế. Dịch vụ phát triển còn chậm, chưa có các loại hình dịch vụ hiện đại có tính hấp dẫn và bền vững.

“Tôi luôn tin tưởng vào tương lai phát triển tươi sáng của Thái Bình”

Thực trạng này đã đặt ra những sức ép nào với tập thể Lãnh đạo tỉnh, thưa ông?

Trước thực trạng đó, với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, Đại hội lần thứ XX Đảng bộ tỉnh Thái Bình đã đặt mục tiêu cho nhiệm kỳ 2020-2025 là phấn đấu nhanh chóng đưa Thái Bình trở thành tỉnh phát triển khá, làm nền móng cho mục tiêu phấn đấu theo kịp nhóm dẫn đầu khu vực sông Hồng vào năm 2030.

Nhiều mục tiêu, nhiệm vụ mang tính chiến lược, có tầm nhìn dài hạn, theo kịp với xu hướng và khát vọng phát triển, phù hợp với đặc thù và tiềm năng của tỉnh đã được Đại hội quyết định, ví dụ như tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành sản xuất gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng lớn; cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả và giá trị gia tăng, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa, tập trung theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp của địa phương; cơ cấu lại các ngành công nghiệp, khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, điện khí và điện gió.

“Tôi luôn tin tưởng vào tương lai phát triển tươi sáng của Thái Bình”

Tập trung xây dựng, phát triển Khu kinh tế Thái Bình toàn diện về công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ, đô thị và kinh tế biển, thu hút các dự án có quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, sản xuất các sản phẩm tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, thân thiện với môi trường, trở thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh.

Cùng với đó là đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn, có tác động quan trọng, thúc đẩy sự phát triển của tỉnh.

Trên cơ sở các định hướng phát triển đã được chỉ ra tại Đại hội, Ban Thường vụ tỉnh ủy Thái Bình đã đề ra lộ trình phát triển rất cụ thể, khoa học và khả thi cho cả nhiệm kỳ và hướng tới các năm tiếp theo.

“Tôi luôn tin tưởng vào tương lai phát triển tươi sáng của Thái Bình”

Thưa ông, dù đa số công việc đều đã có kế hoạch cũng như mục tiêu từ trước, tuy nhiên dư luận đánh giá rằng chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến Thái Bình đầu tháng 5 này đã gợi mở thêm nhiều hướng tư duy mới, ông nhận định sao về điều này?

Trong chuyến thăm và làm việc tại Thái Bình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã biểu dương tinh thần đoàn kết, sự nỗ lực vươn lên của Đảng bộ và nhân dân Thái Bình trong 2 năm qua.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đã chỉ ra một số hạn chế, yếu kém của tỉnh, đồng thời chỉ đạo, gợi mở nhiều định hướng, nhiệm vụ phát triển quan trọng trong thời gian tới theo hướng khai thác và phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển mạnh mẽ hơn, nhất là lợi thế về đất đai, về truyền thống và về con người.

Thủ tướng khẳng định nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn là vấn đề quan trọng, là lĩnh vực có tính nền tảng đối với cả nước nói chung, với Thái Bình nói riêng.

Thái Bình cần phát huy cao độ tiềm năng, thế mạnh và truyền thống về phát triển nông nghiệp, “thế mạnh đất nghề”, phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo hướng mới, bền vững, hiệu quả hơn, trong đó chú trọng phát triển nông nghiệp hữu cơ, sản xuất hàng hóa, quy mô lớn theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, ứng dụng công nghệ sinh học để tạo ra những sản phẩm có chất lượng và giá trị gia tăng cao, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Đối với công nghiệp, cần thu hút các ngành có công nghệ tiên tiến, hiện đại, giá trị gia tăng cao, sử dụng ít đất và thân thiện với môi trường. Tỉnh cũng cần phải khuyến khích phát triển thương mại - dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại; chú trọng phát triển thương mại nội địa, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - phân phối; tranh thủ cơ chế ưu đãi của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là vào các thị trường mới.

Đặc biệt, tỉnh phải tập trung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu của tỉnh trong cả nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các nhiệm kỳ tiếp theo. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm phát triển kinh tế biển, đẩy mạnh các giải pháp cơ cấu lại ngành kinh tế biển, trọng tâm là khai thác bền vững tiềm năng, lợi thế của vùng biển, biến tiềm năng kinh tế biển thành mũi đột phá trong mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, cùng ý kiến gợi mở của các đồng chí lãnh đạo trong Đoàn công tác đã giúp Thái Bình xác định rõ hơn mục tiêu và giải pháp phát triển, đồng thời giúp tỉnh có thêm sự tự tin và quyết tâm cao độ trong chặng đường phát triển tới đây.

“Tôi luôn tin tưởng vào tương lai phát triển tươi sáng của Thái Bình”

Xét riêng trên bình diện hạ tầng, theo ông, Thái Bình hiện đang yếu về khía cạnh nào nhất?

Như đã nói ở trên, Thái Bình có hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội nói chung, hạ tầng giao thông kết nối nói riêng còn nhiều hạn chế, chưa đồng bộ và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Trong nhiều năm qua, tỉnh đã có rất nhiều nỗ lực trong cải thiện và xây dựng mới hệ thống hạ tầng cơ sở, nhất là hạ tầng y tế, giáo dục, giao thông nông thôn, giao thông nội tỉnh... thông qua các chương trình xây dựng nông thôn mới và tập trung cao độ nguồn lực của tỉnh.

Hệ thống giao thông kết nối lớn của tỉnh và kết nối với các tỉnh lân cận cũng đã được quan tâm đầu tư bước đầu. Tuy nhiên, đến nay, năng lực của nhiều hệ thống hạ tầng cơ sở, hệ thống giao thông kết nối không còn đáp ứng được yêu cầu phát triển, thiếu đồng bộ và còn nhiều bất cập. Khó khăn về hạ tầng đã hạn chế rất lớn đến khả năng phát triển kinh tế-xã hội và thu hút đầu tư của tỉnh thời gian qua.

“Tôi luôn tin tưởng vào tương lai phát triển tươi sáng của Thái Bình”

Trước thực trạng đó, tỉnh đã xác định phải tập trung đẩy mạnh thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông kết nối, trong đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thái Bình.

Cải tạo, nâng cấp các tuyến đường liên huyện quan trọng như Đường 223 đi huyện Hưng Hà, Đường 221A đi huyện Tiền Hải và Cồn Vành; tập trung nguồn lực xây dựng mới các tuyến đường kết nối quan trọng như Đường tỉnh 217 kết nối đến đường ven biển, tuyến đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình, tuyến cao tốc từ thành phố Thái Bình đi Cồn Vành; huy động nguồn lực xây dựng tuyến cao tốc từ thành phố Thái Bình đi Hải Phòng...

Đồng thời, tỉnh đã tham mưu với Chính phủ và các bộ ngành trung ương, tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư tuyến Quốc lộ 37 mới kết nối đi Hải Phòng, tuyến Quốc lộ 37B đi các xã phía Nam huyện Kiến Xương, các tuyến đường kết nối Thái Bình với Nam Định, tuyến cao tốc Ninh Bình đi Hải Phòng, Quảng Ninh trên địa bàn tỉnh...

Riêng đối với Khu kinh tế Thái Bình, vì thực tế mới chỉ được bắt đầu triển khai xây dựng trên thực địa từ hơn một năm nay nên hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông và các hệ thống hạ tầng chức năng khác hầu như chưa được hình thành.

Để Khu kinh tế sớm đi vào hoạt động, tỉnh đã và đang thu hút mạnh mẽ nguồn lực để cùng lúc xây dựng hạ tầng các khu chức năng, các khu nhà ở cho chuyên gia và công nhân; xây dựng hạ tầng cấp điện, cấp thoát nước, xử lý nước thải và rác thải công nghiệp... Đồng thời, tỉnh đã tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống giao thông đường trục nội khu, nhất là các tuyến giao thông kết nối giữa các khu chức năng trong Khu kinh tế, các trục giao thông đầu mối trong Khu kết nối đến các khu vực khác trong tỉnh và kết nối đến tuyến đường ven biển.

Ở đây, việc kịp thời quyết định đầu tư, triển khai xây dựng tuyến đường kết nối từ Khu công nghiệp Liên Hà Thái đến Quốc lộ 37 sang Hải Phòng là chìa khóa giải quyết các băn khoăn về hạ tầng của các nhà đầu tư, tạo ra sự thuyết phục để khu công nghiệp này thu hút được các nhà đầu tư lớn trong năm qua.

Có thể nói, việc tập trung triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các tuyến đường kết nối quan trọng sẽ giúp Thái Bình khắc phục được khâu yếu nhất hiện nay, góp phần hoàn thiện đồng bộ hạ tầng giao thông, hạ tầng kết nối của tỉnh, góp phần quan trọng đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, thúc đẩy làn sóng đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình nói riêng và tỉnh Thái Bình nói chung.

Ông có thể phác thảo về quy mô kinh tế cũng như ưu thế thu hút đầu tư của Thái Bình sau khi Khu kinh tế Thái Bình hoàn thiện cơ bản?

Khu kinh tế Thái Bình đã được thành lập theo Quyết định số 36/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với quy mô 30.583ha, bao gồm 31 xã, thị trấn khu vực ven biển của 2 huyện Thái Thụy và Tiền Hải.

Theo quy hoạch chung xây dựng, khu kinh tế có 5 khu chức năng chính: Trung tâm điện lực (853ha); các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, khu công nghiệp và cụm công nghiệp (8.020ha); khu cảng biển và các khu bến (khoảng 500ha); khu du lịch và dịch vụ tập trung (3.110ha); các đô thị; khu dân cư nông thôn và nông nghiệp tập trung.

Hiện nay, khu công nghiệp Liên Hà Thái đang hoàn thiện giai đoạn I diện tích 560ha với nhiều nhà đầu tư thứ cấp; khu công nghiệp Tiền Hải đang tiến hành giải phóng mặt bằng và chỉnh trang.

“Tôi luôn tin tưởng vào tương lai phát triển tươi sáng của Thái Bình”

Thủ tướng cũng đã đồng ý cho phép thành lập thêm 2 khu công nghiệp mới ngay trong năm 2022. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư một số khu đô thị, khu đô thị dịch vụ du lịch và sân golf Cồn Vành, dự án nhiệt điện khí (LNG) 1500 MW, trung tâm logistic, một số khu cảng...

Việc xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình là một quá trình lâu dài, có lộ trình cụ thể, đòi hỏi quyết tâm cao độ, sự kiên trì bền bỉ và cách làm sáng tạo, đồng thời phải nhất quán, quyết tâm hướng đến mục tiêu đã định.

Hiện nay và trong những năm tới đây, Khu kinh tế Thái Bình chắc chắn là một địa điểm đầu tư có sức hấp dẫn và tiềm năng phát triển to lớn. Trong tương lai không xa, Khu kinh tế Thái Bình sẽ phát triển mạnh mẽ, toàn diện cả về công nghiệp, nông nghiệp, thương mại-dịch vụ, du lịch, kinh tế biển; trở thành khu vực kinh tế trọng điểm, thành động lực phát triển của tỉnh Thái Bình và của cả khu vực.

“Tôi luôn tin tưởng vào tương lai phát triển tươi sáng của Thái Bình”

Người đứng đầu Chính phủ có đề cập đến vấn đề người dân phải là đối tượng hưởng lợi từ Khu kinh tế chứ không phải bị ảnh hưởng, ý kiến này sẽ được lãnh đạo Tỉnh uỷ tiếp cận thế nào, thưa ông?

Về triết lý phát triển, Tỉnh ủy Thái Bình khẳng định các chương trình, kế hoạch phát triển phải lấy phát triển kinh tế là trung tâm; phải coi trọng quyền lợi của người dân, coi việc chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân là lợi ích cốt lõi; phải bảo đảm hài hoà giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, con người và giải quyết các vấn đề xã hội, giữa phát triển kinh tế, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường để phát triển bền vững.

Trong tiến trình xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình, tỉnh sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là thách thức liên quan đến việc đảm bảo lợi ích trước mắt và lâu dài của người dân.

Trước tiên, việc giải phóng mặt bằng với quy mô lớn sẽ ảnh hưởng ngay và trực tiếp đến đời sống, nơi ở, sinh hoạt, an sinh xã hội, thậm chí đến việc làm, sinh kế của một lượng lớn người dân trong khu vực.

“Tôi luôn tin tưởng vào tương lai phát triển tươi sáng của Thái Bình”

Về lâu dài, Khu kinh tế đi vào hoạt động cũng sẽ đặt ra nhiều thách thức về đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo không gian sống, giữ gìn truyền thống văn hóa, chuyển đổi nghề nghiệp cho cộng đồng dân cư nơi đây. Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển Khu kinh tế cũng mở ra nhiều cơ hội to lớn trong việc cải thiện điều kiện xã hội, tạo ra nhiều việc làm, nâng cao mức sống và thu nhập cho người dân.

Tỉnh ủy Thái Bình khẳng định sẽ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sẽ tập trung giải quyết tốt nhất, đầy đủ nhất, đúng quy định của pháp luật các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của người dân, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo để người dân có điều kiện tốt hơn điều kiện cũ; quan tâm đầy đủ các giải pháp ổn định cuộc sống, nâng cao điều kiện sống cho các cộng đồng liên quan; thực hiện kịp thời công tác đào tạo, chuyển đổi nghề, tạo việc làm cho lao động, trong đó sẽ vận động các nhà đầu tư tham gia có trách nhiệm vào vấn đề này, góp phần thực hiện phương châm người dân sẽ được hưởng lợi trực tiếp trong tiến trình xây dựng và phát triển Khu kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có đưa ra 1 quan điểm rất đáng chú ý là do Thái Bình đất hẹp vì vậy nên tư duy phát triển cần hướng ra biển, theo ông, Thái Bình nên định hình chiến lược này như thế nào?

Định hướng phát triển của tỉnh được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh luôn nhấn mạnh đến việc tập trung phát triển kinh tế biển, hướng mạnh ra biển.

“Tôi luôn tin tưởng vào tương lai phát triển tươi sáng của Thái Bình”

Trong hai năm qua, tỉnh luôn trăn trở tìm hướng đi phù hợp để phát triển mạnh mẽ kinh tế biển, tận dụng được lợi thế 54km đường bờ biển của tỉnh và lợi thế do nằm ngay sát các cảng biển lớn của thành phố Hải Phòng.

Trong chuyến thăm và làm việc, Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở: “Thái Bình đất hẹp, người đông; người xưa đã chọn nơi đây là nơi lấn biển. Do đó tỉnh cần phối hợp với các bộ, ngành để nghiên cứu, mở rộng không gian phát triển hướng ra biển". Thủ tướng cũng đồng tình và ủng hộ cao kiến nghị của tỉnh về việc xây dựng đề án lấn biển để xây dựng một không gian đô thị, công nghiệp, dịch vụ mới với quy mô lớn, hiện đại, thông minh, sinh thái, không phát thải; có tầm nhìn dài hạn, đột phá, mạnh mẽ mở ra với khu vực và thế giới.

Đây là một tiến trình dài hơi, cần được nghiên cứu cẩn trọng, khoa học và đổi mới, đồng thời phải được bắt tay khởi động thực hiện sớm để kịp đón bắt xu hướng phát triển của thời đại. Chặng đường trước mắt còn dài nhưng chắc chắn là con đường tất yếu, là hướng ra mang tầm chiến lược của Thái Bình, phù hợp với xu thế phát triển của khu vực và cả nước.

Đến nay đã tròn 2 năm từ ngày ông được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ Thái Bình (1/6/2020-1/6/2022), trong chừng ấy thời gian dù chưa phải là dài nhưng cũng không thể gọi là ngắn, xin ông cho biết đôi điều cảm nhận về những việc đã làm được cũng như những gì còn trăn trở?

Trong 2 năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội, bám sát và vận dụng sáng tạo quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng vào tình hình thực tế của địa phương, Đảng bộ và Nhân dân Thái Bình đã đoàn kết nhất trí, xác định rõ các trụ cột kinh tế-xã hội, lựa chọn nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá; đã tập trung cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và tổ chức triển khai bằng nhiều kế hoạch và giải pháp quyết liệt, đạt nhiều kết quả bước đầu quan trọng.

Trong suốt 2 năm qua, Thái Bình đã thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; lĩnh vực văn hóa xã hội được quan tâm đầy đủ, tổ chức đảng và hệ thống chính trị được kiện toàn.

Kinh tế cơ bản ổn định và có bước tăng trưởng khá; tổng sản phẩm (GRDP) năm 2021 tăng 6,68% (đứng thứ 14/63 tỉnh, thành phố), quý I/2022 tăng 7,84% (đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố), và đặc biệt là 6 tháng đầu năm 2022 Thái Bình đạt mức tăng trưởng là 9,49%, xếp thứ 12/63 tỉnh, thành và thứ 6/11 trong khu vực đồng bằng sông Hồng.

Nhiều mục tiêu, kế hoạch đã được thực hiện có kết quả, nhiều nút thắt, điểm nghẽn đã được tập trung tháo gỡ; nhiều chương trình, kế hoạch phát triển dài hơi đã được hoạch định; môi trường đầu tư của tỉnh được cải thiện rõ rệt, trở thành một điểm đến đầu tư mới hấp dẫn, tạo động lực mới trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế, thu hút được một số tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh với tổng giá trị đầu tư FDI năm 2021 đạt trên 700 triệu USD.

Đặc biệt, ngay trong năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội, chỉ trong vòng 10 tháng kể từ khi Khu công nghiệp Liên Hà Thái, khu công nghiệp đầu tiên trong Khu kinh tế được quyết định thành lập, tỉnh đã tập trung vừa hoàn tất thủ tục pháp lý, vừa tổ chức giải phóng mặt bằng và san lấp được hơn 500ha, vừa khẩn trương xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư được hơn 400 triệu USD, trở thành một điểm đến đầu tư mới với nhiều thuận lợi, hấp dẫn và có triển vọng tươi sáng.

Những kết quả đạt được nêu trên, mặc dù mới chỉ là bước đầu nhưng có giá trị rất to lớn, nó vừa khẳng định tính đúng đắn của Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh và các chủ trương phát triển của tỉnh, vừa khẳng định sự đoàn kết quyết tâm, vào cuộc mạnh mẽ của Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị trong toàn tỉnh.

“Tôi luôn tin tưởng vào tương lai phát triển tươi sáng của Thái Bình”

Cá nhân tôi rất trân trọng và cảm ơn sự ủng hộ, đồng lòng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh; sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của Trung ương; sự đồng hành của các doanh nghiệp, nhà đầu tư và các tổ chức khác. Tôi tin tưởng những thành công bước đầu đó sẽ tạo ra niềm tin và động lực to lớn cho Đảng bộ và nhân dân Thái Bình tiếp tục phấn đấu vươn lên.

Trong chặng đường phát triển tới đây, Thái Bình sẽ còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Chỉ với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, với niềm tin phát triển không lay chuyển; chỉ với quyết tâm “vượt qua chính mình”, đổi mới cách nghĩ cách làm như Thủ tướng chỉ đạo mới giúp Đảng bộ và nhân dân Thái Bình hình thành động lực to lớn, vượt qua khó khăn, tranh thủ được vận hội, vươn mình sánh vai với các tỉnh bạn. Tôi luôn hy vọng và tin tưởng vào tương lai phát triển tươi sáng của mảnh đất Thái Bình với bề dày truyền thống đáng tự hào và con người đầy bản lĩnh, cần cù, sáng tạo!

Trân trọng cảm ơn ông!

Bài: Lê Sơn

Ảnh: Mai Thương

Lê Sơn

Tin bài liên quan

Chiến sĩ khó khăn của Lữ đoàn 131 được nhận nhà đồng đội

Chiến sĩ khó khăn của Lữ đoàn 131 được nhận nhà đồng đội

Từ những tấm lòng hảo tâm, Trung úy QNCN Nguyễn Văn Toản, Nhân viên nấu ăn Tiểu đoàn 884, Lữ đoàn 131 đã có ngôi nhà kiên cố, che nắng che mưa.
Cảnh sát biển phổ biến pháp luật, tặng quà giáo dân huyện Tiền Hải

Cảnh sát biển phổ biến pháp luật, tặng quà giáo dân huyện Tiền Hải

Ngày 26/6, Đoàn trinh sát số 1, BTL Cảnh sát biển phối hợp với UBND huyện Tiền Hải (Thái Bình) tổ chức tuyên truyền pháp luật, chống khai thác hải sản bất hợp pháp IUU và các hoạt động an sinh xã hội, tặng quà cho các gia đình chính sách, đồng bào giáo dân, ngư dân, các em học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn tại xã Đông Long, huyện Tiền Hải.
Mười quốc gia hạnh phúc nhất thế giới năm 2023

Mười quốc gia hạnh phúc nhất thế giới năm 2023

Báo cáo Hạnh phúc thế giới năm 2023 do Liên hiệp quốc thực hiện vừa được công bố đã điểm danh 10 quốc gia xếp vị trí cao nhất trong bảng xếp hạng Những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.

Tin mới

Việt Nam đang đàm phán với 80 nước để miễn thị thực song phương về hộ chiếu ngoại giao, công vụ

Việt Nam đang đàm phán với 80 nước để miễn thị thực song phương về hộ chiếu ngoại giao, công vụ

Thông tin do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đưa ra tại phiên chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18/3.
Tạo xung lực mới cho tăng cường hợp tác Việt Nam - Uzbekistan

Tạo xung lực mới cho tăng cường hợp tác Việt Nam - Uzbekistan

Ngày 18/3, tại Nhà khách Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã đón và tiến hành hội đàm với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Uzbekistan Bakhtiyor Saidov, đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 17-19/3/2024.

Tin khác

6 trọng tâm trong ngoại giao kinh tế của Việt Nam

6 trọng tâm trong ngoại giao kinh tế của Việt Nam

Chiều 18/3, trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã chia sẻ về 6 trọng tâm trong ngoại giao kinh tế của Việt Nam, những giải pháp thúc đẩy hiệu quả hợp tác quốc tế trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó lường.
Đại sứ Marc Knapper ủng hộ việc Bình Định ký kết hợp tác hữu nghị với các địa phương của Hoa Kỳ

Đại sứ Marc Knapper ủng hộ việc Bình Định ký kết hợp tác hữu nghị với các địa phương của Hoa Kỳ

Đây là nội dung được đưa ra tại buổi gặp mặt giữa lãnh đạo tỉnh Bình Định với ông Marc Knapper - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam vào chiều ngày 15/3.
Quân y Việt Nam - Lào hợp tác nâng cao trình độ chuyên môn

Quân y Việt Nam - Lào hợp tác nâng cao trình độ chuyên môn

Ngày 15/3, tại thủ đô Vientiane (Lào), đoàn đại biểu Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã đến chào xã giao Đại tướng Chansamone Chanyalath, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp các chính khách Hoa Kỳ

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp các chính khách Hoa Kỳ

Trong khuôn khổ các hoạt động song phương tại Hoa Kỳ, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp Chủ tịch Thường trực Thượng viện Hoa Kỳ Patty Murray - Tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Elizabeth M. Allen,
Phiên bản di động