Tỉnh Quảng Tây đóng vai trò quan trọng trong thương mại thủy sản Việt Nam - Trung Quốc
Thông tin về thị trường Trung Quốc tại Diễn đàn “Thúc đẩy thương mại nông sản, thủy sản và sản phẩm thủy sản giữa Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Tây)” mới tổ chức, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - cho biết, thị trường Trung Quốc có mức tăng trưởng lớn nhất với kim ngạch 1,6 tỷ USD trong năm 2022 và trở thành thị trường lớn thứ 2 sau Hoa Kỳ.
“Sự quan tâm của người dân Trung Quốc với thủy hải sản Việt Nam là rất lớn, nếu tính theo giá trị thì mặt hàng tôm vẫn lớn nhất, chiếm khoảng hơn 1 tỷ USD, tiếp đến là cá tra, cua, mực. Trong đó, cá tra chiếm từ 40% - 50%, kế đến là mặt hàng chiến lược tôm chiếm gần 40% và có tốc độ tăng trưởng khá mạnh. Mặt hàng cá các loại, nhất là cá biển chiếm tỷ lệ rất đáng ghi nhận và tăng trưởng tốt trong thời gian qua. Nhưng hàng thủy sản tươi sống của Việt Nam vẫn chưa xuất hiện nhiều tại Trung Quốc và chúng tôi nhận thấy cơ hội để đưa các mặt hàng thủy sản tươi sống vào thị trường này là rất lớn”, ông Nam nói.
Vẫn theo VASEP, trong thương mại thủy sản với Trung Quốc, trong năm 2022, xét theo địa phương có thể thấy Quảng Đông đứng thứ nhất, Trạm Giang đứng thứ hai và Quảng Tây đứng thứ ba. Nhu cầu thủy sản của Quảng Tây từ Việt Nam và các nước đã đạt mức tăng trưởng 50%. Giá trị nhập khẩu thủy sản Việt Nam của riêng thị trường Quảng Tây đã xấp xỉ 190 triệu USD, tăng trưởng 66% so với trước đó.
“Năm qua, tăng trưởng trung bình nhập khẩu thủy sản của tỉnh Quảng Tây là 50%, riêng thủy sản Việt Nam chiếm thị phần tăng trưởng đến 66%. Trong thương mại thủy sản giữa hai nước, tỉnh Quảng Tây có vai trò hết sức quan trọng và đang chiếm tỷ trọng khá lớn. Lượng thủy sản đưa sang Quảng Tây trong thời gian qua mặt hàng tôm lớn nhất, kế đến là cua và các sản phẩm chế biến từ bóng cá, nội tạng cá và cá tra”, Phó tổng thư ký VASEP thông tin.
Xem xét các nguồn cung khác như: Ecuador, Ấn Độ, Philippines, Thái Lan và Banglades, VASEP tin rằng sự hợp tác của các doanh nghiệp đầu mối hai bên đã khá tốt trong thời gian qua, và Việt Nam đang là nguồn cung số 01 tại Quảng Tây, chiếm đến 75% giá trị nhập khẩu thủy sản của tỉnh này, tiếp theo là Ấn Độ và Ecuador.
Riêng với mặt hàng tôm, theo VASEP, sản phẩm của Việt Nam có sự cạnh tranh gay gắt từ Ecuador và Ấn Độ, và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức ở thị trường Trung Quốc từ Lệnh 248, 249.
Để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu vào Trung Quốc, VASEP kiến nghị, cơ quan thẩm quyền của hai nước, của các địa phương biên giới và cộng đồng doanh nghiệp hai bên cần tăng cường các hoạt động giao thương và tổ chức giao thương B2B và thậm chí B2C với các địa phương của Trung Quốc, đặc biệt là trong top 10 địa phương có nhập khẩu thủy sản lớn.
Thứ hai, thúc đẩy nhanh quá trình duyệt hồ sơ cho các doanh nghiệp khi làm thủ tục đăng ký xuất khẩu vào Trung Quốc và theo Lệnh 248 và 249 có quy định các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ.
“Tuy nhiên, với quy trình hiện tại cứ khi đăng ký mà gặp sự cố không được, phải thông báo lại và gần như đăng ký lại với Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản sau đó mới chuyển sang phía Trung Quốc, nhưng thao tác quá trình này trên phần mềm hiện tại của Hải quan Trung Quốc thật sự không dễ dàng gì”, Phó tổng thư ký VASEP chia sẻ.