Tình báo Mỹ lùng sục - Các hầm trú ẩn bí mật của Tổng thống Putin ở đâu?
Tình báo Mỹ được giao nhiệm vụ đặc biệt
Tình báo Mỹ, theo chỉ đạo của Hạ viện, đang tiến hành nghiên cứu khả năng của Trung Quốc và Nga tiến hành một cuộc tấn công đáp trả bằng hạt nhân.
Dự kiến cơ quan này sẽ phải nghiên cứu các hầm trú ẩn, đặc biệt nơi có khả năng chịu được vũ khí hạt nhân tấn công hiện có dành cho lãnh đạo hai quốc gia này cũng như hệ thống thông tin liên lạc phục vụ cho tình huống một cuộc chiến tranh toàn cầu xảy ra.
Theo đánh giá của các chuyên gia Nga, họ có khả năng đáp trả kể cả trong điều kiện Mỹ tấn công toàn diện.
Các cơ quan an ninh Mỹ và cơ quan chỉ huy chiến lược của Lầu Năm Góc (STRATCOM) đang tập trung đưa ra đánh giá mới về khả năng của chính quyền Nga và Trung Quốc "chịu đựng được một cuộc tấn công hạt nhân". Thông tin này do hãng thông tấn Bloomberg cung cấp.
Đánh giá sẽ phải bao gồm "địa điểm và mô tả chi tiết các mạng lưới thông tin liên lạc quan trọng chạy ngầm dưới đất phục vụ cho ban lãnh đạo" tối cao của Moscow và Bắc Kinh điều hành kể cả trong trường hợp khủng hoảng.
Báo cáo nghiên cứu mới này được thực hiện theo yêu cầu của Hạ viện và từ trước lễ tuyên thệ nhậm chức của tổng thống Donald Trump, nó đã được cả Đảng Cộng hòa lẫn Đảng Dân chủ thông qua trong bối cảnh họ đang quan tâm đặc biệt tới sự tự mãn về quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc và chính sách của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
"Các chuyên gia của chúng tôi đang nghiên cứu để đưa ra câu trả lời thích hợp", đại diện cơ quan chỉ huy chiến lược Mỹ, Đại úy hải quân Brook Devolt khẳng định với Bloomberg nhưng từ chối đưa ra những bình luận chi tiết.
Tên lửa LGM-30G Minuteman III của Mỹ.
Ngoài ra, hãng thông tấn này còn cho biết rằng ý tưởng trên được hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa đại diện cho bang Ohio, thành viên nhóm các lực lượng chiến lược thuộc Tiểu ban về quốc phòng của Hạ viện Mỹ, ông Michael Turner hết sức ủng hộ.
Theo ông Turner, Mỹ cần phải hiểu Trung Quốc và Nga dự định sẽ tiến hành chiến tranh như thế nào và ban lãnh đạo tối cao của họ sẽ chỉ huy và kiểm soát cuộc xung đột tiềm tàng ra sao. "Kiến thức này có ý nghĩa quyết định đối với khả năng kiềm chế các mối đe dọa của chúng ta", ông Turner tuyên bố.
Theo lời của ông, Nga và Trung Quốc "đã đầu tư nhiều tiền để tìm hiểu cách thức mà chúng ta sẽ chiến đấu, bao gồm cả việc làm thế nào để phá hủy hệ thống thông tin liên lạc của ban lãnh đạo tối cao. Chúng ta không nên phủ nhận những điểm còn khuyết trong sự hiểu biết của mình về các khả năng cốt lõi của đối thủ", thành viên của Đảng Cộng hòa Mỹ khẳng định.
Cựu quan chức Lầu Năm Góc, người từng làm việc dưới thời của 7 bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Franklin Miller đã giải thích với phóng viên hãng thông tấn Bloomberg rằng, nhắc nhở lãnh đạo các quốc gia đối địch của mình rằng họ không thể chiến thắng trong cuộc chiến tranh hạt nhân là một phần của chiến lược đã có từ lâu của Mỹ.
Hầm trú ẩn của Tổng thống Putin ở đâu?
Chính quyền Nga và Trung Quốc "có kế hoạch điều khiển các lực lượng hạt nhân từ những hầm trú ẩn chỉ huy nằm sâu dưới lòng đất hoặc trong lòng núi", ông Bruce Blair, nghiên cứu viên chính sách an ninh hạt nhân thuộc Đại học Princeton và đồng sáng lập của nhóm Global Zero (chuyên vận động giải trừ vũ khí hạt nhân) chia sẻ.
Theo ý kiến của ông, việc loại bỏ những công trình như thế này đòi hỏi các tên lửa hành trình chiến lược của Mỹ phải có khả năng di chuyển trong vùng núi để tấn công ở mọi góc cần thiết.
Một trong những hầm trú ẩn kiểu này đó là "Mezgorye" gần dãy núi Yamantau ở phía nam Ural (Nga), được xây dựng từ thời chiến tranh lạnh mà thường xuyên được các phương tiện truyền thông đề cập tới như "hầm trú ẩn của Putin".
Hôm thứ sáu vừa qua, ông Trump đã chỉ đạo bộ trưởng Quốc phòng James Mattis chuẩn bị báo cáo tổng quan mới về chính sách hạt nhân để bảo đảm hiện trạng các lực lượng kiềm chế hạt nhân của Mỹ ở mức độ cần thiết, cũng như để xoa dịu các đồng minh của mình.
Những người ủng hộ việc kiểm soát vũ khí khẳng định rằng, việc nâng cấp "tam giác hạt nhân" của Mỹ có thể sẽ khiến nước này phải bỏ ra 1.000 tỷ USD trong vòng 30 năm tới. Những kế hoạch liên quan, theo khẳng định của Bloomberg, đã được thông qua từ thời tổng thống Obama.
Tên lửa chiến lược Topol-M của Nga.
Nguyên tham mưu trưởng Binh chủng tên lửa chiến lược Nga, Đại tướng Victor Esin cho rằng việc xác định rõ ràng danh sách các căn cứ phải bị tiêu diệt trong cuộc chiến tranh hạt nhân – tên lửa hoàn toàn gắn kết với những kế hoạch của ông Trump về nâng cấp kho vũ khí hạt nhân của Mỹ.
Theo nguyên giám đốc Viện Nghiên cứu khoa học số 4 thuộc Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Vladimir Dvorkin cho rằng những đánh giá tiềm năng chiến thuật kiểu này của các bên là hoạt động thường ngày. Theo lời ông, trong hàng chục năm kiềm chế hạt nhân lẫn nhau, tất cả các câu trả lời cho những câu hỏi của các hạ nghị sĩ Mỹ đều đã rõ.
"Người Mỹ muốn biết ban lãnh đạo tối cao của Nga có khả năng ra mệnh lệnh triển khai cuộc tấn công đáp trả hoặc đón đầu - đáp trả và chỉ đạo tới tận các lực lượng hạt nhân chiến lược trong trường hợp Mỹ tấn công liên tục hay không?
Còn nếu như ban lãnh đạo tối cao của Nga không chắc sẽ thực hiện điều đó thì họ có thể đưa ra quyết định tấn công phủ đầu trong trường hợp khẩn cấp khiến toàn bộ loài người diệt vong hay không?
Tuy nhiên, STRATCOM và tình báo Mỹ đã từ lâu biết đến sự tồn tại một hệ thống các trạm chỉ huy điều hành cấp cao được bảo vệ tuyệt đối, về các kênh điều hành chiến đấu và liên lạc dự phòng đa cấp, về mức độ sinh tồn cao của lực lượng mặt đất và các đơn vị của lực lượng hải quân chiến lược.
Bởi vậy, sau cuộc tấn công hạt nhân, Mỹ chắc chắn sẽ nhận một cuộc tấn công liên tục nhằm mục đích đáp trả. Xin nhắc lại, tất cả đều biết rõ điều đó, nhưng, có thể, sẽ tiến hành nâng cao trình độ hiểu biết cho nhân sự ở mọi cấp. Điều này liên quan tới không chỉ Mỹ, mà cả Nga cũng vậy", ông Dvorkin lý giải.
Trước đó, theo Bloomberg, ông Trump từng cam kết "sẽ tăng cường đáng kể và mở rộng" tiềm lực hạt nhân của Mỹ, cũng như đưa ra dự báo rằng ông có thể đạt được thỏa thuận với ông Putin về việc bãi bỏ các biện pháp trừng phạt để đổi lấy sự cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của cả hai bên.
Khi đó các chuyên gia Nga đã bày tỏ quan điểm với phóng viên "Gazeta.ru" , căn cứ vào sự tụt hậu của kho vũ khí hạt nhân Nga thì việc cùng cắt giảm số lượng tên lửa và đầu đạn sẽ giúp cho Mỹ tăng cường vị thế của mình.
Vào tháng 4/2010, Nga và Mỹ đã ký thỏa thuận về các biện pháp cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (SNV-3) và bắt đầu có hiệu lực vào tháng 2/2011.
Văn bản này xem xét việc cắt giảm số lượng đầu đạn hạt nhân của mỗi bên xuống còn 1.550 đơn vị, còn các tên lửa để triển khai những đầu đạn hạt nhân giảm xuống tối đa còn 700 đơn vị. Thỏa thuận này có thời hạn 10 năm và có thể gia hạn thêm 5 năm căn cứ vào ý kiến thống nhất của 2 bên.
Hôm thứ Bảy tuần trước, các nhà lãnh đạo Nga và Mỹ đã có cuộc nói chuyện qua điện thoại kéo dài gần 1 giờ đồng hồ.
Không có thông tin về việc họ có đề cập tới kịch bản giải trừ vũ khí hạt nhân hay không, tuy nhiên ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm thứ hai đã tuyên bố rằng cuộc nói chuyện giữa Tổng thống Nga và Mỹ "tốt về cả ý nghĩa chính trị lẫn nhân văn".
Thư ký báo chí của tổng thống Nga, ông Dmitri Peskov nói rằng bàn bạc về một thỏa thuận với Mỹ để đổi lấy việc bãi bỏ các biện pháp trừng phạt là hơi vội vàng. "Trước tiên cần phải xác định thời gian và địa điểm gặp mặt của hai Tổng thống", ông Peskov nói.
Bảo Lam