Tìm "thủ phạm" gây ra thảm họa tàu ngầm Argentina: Cuộc điều tra bắt đầu từ đâu?
Tàu ngầm ARA San Juan của Hải quân Argentina đã mất tích vào tuần trước. Một lực lượng cứu hộ quốc tế, bao gồm tàu và máy bay từ Argentina, Mỹ, Anh, Chile, Brazil và Uruguay vẫn đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm chiếc tàu mất tích.
Nguyên nhân gây ra sự cố cho tàu ARA San Juan vẫn là một dấu hỏi lớn. Ngoài nguyên nhân trực tiếp (chưa thể xác định chính xác cho tới khi tìm thấy con tàu) thì mới đây, trong bài viết trên tạp chí National Interest, nhà phân tích Robert Farley đã đưa ra một suy đoán khác về "thủ phạm" sâu xa có thể đã dẫn tới vụ mất tích của tàu ngầm ARA San Juan.
àu ngầm San Juan mất tích (khu vòng tròn đỏ) khi đang di chuyển từ căn cứ Ushuaia đến thành phố Mar del Plata (Đồ họa: BBC)
Để tìm ra "thủ phạm" này, ông Farley đã điểm lại quá trình phát triển lực lượng tàu ngầm Argentina nói chung và tàu ngầm ARA San Juan nói riêng.
Theo đó, Hải quân Argentina từ lâu đã nỗ lực duy trì mức độ cạnh tranh công nghệ với hạm đội tàu hiện đại của châu Âu.
Đầu thế kỷ 20, cùng với Chile và Brazil, Argentina đã trang bị các thiết giáp hạm hiện đại. Về sau, khi những chiến hạm này bị hư hỏng và trở nên lỗi thời, chúng được thay thế bằng các tàu tuần dương và tàu sân bay mua từ Mỹ, Anh.
Tới những năm 1980, Argentina đã sở hữu một hạm đội tàu mặt nước tương đối hiện đại, cân bằng, trong đó có tàu tuần dương tên lửa ARA General Belgrano (trước là tàu USS Phoenix của Mỹ), tàu sân bay ARA Veinticinco de Mayo (trước là tàu HMS Venerable của Anh), cùng một số tàu khu trục.
Lực lượng tàu ngầm của Argentina tụt hậu hơn so với lực lượng tàu mặt nước, song cũng có 2 chiếc Type 209 khá hiện đại và một chiếc tàu đã qua sử dụng của Mỹ.
Khi chiến tranh nổ ra, Hải quân Argentina đã chiếm giữ Malvinas (hay Falkland) nhưng không thể phòng thủ trước lực lượng đặc nhiệm hải quân mà Anh triển khai để tái chiếm quần đảo này.
Sau khi tàu ngầm hạt nhân HMS Conqueror của Anh tấn công bằng ngư lôi và đánh chìm chiếc ARA General Belgrano, phần lớn Hải quân Argentina buộc phải rút lui về cảng. Từ thời điểm đó, gánh nặng của cuộc chiến đổ dồn lên vai Không quân Argentina.
Sự ra đời của ARA San Juan
Trong Chiến tranh Falkland, Hải quân Argentina vận hành 2 tàu ngầm, gồm ARA Santa Fe (S-21, thuộc lớp Balao, sau này bị quân Anh bắt giữ) và ARA San Luis (Type 209, do Đức chế tạo).
Mặc dù không đánh chìm được tàu chiến nào nhưng ARA San Luis đã gây tổn hại cho lực lượng hải quân Anh với các cuộc tấn công bất thành bằng ngư lôi.
Tuy nhiên, việc tàu tuần dương ARA General Belgrano bị tàu ngầm HMS Colossus của Anh tiêu diệt đã khiến Argentina bùng nổ nhu cầu phải có thêm các tàu ngầm hiện đại để củng cố tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Malvinas.
Argentina có kế hoạch trang bị một hạm đội tàu ngầm hiện đại mua từ Đức – nhà chế tạo tàu ngầm diesel-điện xuất sắc nhất thế giới – vào cuối những năm 1970. Song, tới năm 1982, kế hoạch này mới gặt hái được thành quả.
Argentina đã đặt hàng 6 tàu ngầm TR-1700, trong đó 2 chiếc được đóng tại Đức và 4 chiếc còn lại đóng tại Argentina, với sự hỗ trợ của Đức.
Hải quân Argentina cho rằng những chiếc tàu ngầm có kích cỡ lớn hơn sẽ hoạt động hiệu quả hơn nữa so với chiếc ARA San Luis, và có thể mang lại năng lực răn đe thực sự nếu chiến tranh tái diễn ở Malvinas.
Tàu ngầm ARA Santa Cruz. Ảnh: Wiki
ARA San Juan và "người chị" của nó – tàu ngầm ARA Santa Cruz – gia nhập Hải quân Argentina lần lượt vào năm 1985 và 1984. Với lượng giãn nước 2.200 tấn, chúng có kích cỡ gần bằng tàu ngầm lớp Dolphin 2 của Israel và có thể di chuyển với tốc độ 25 hải lý/h khi lặn.
Mang theo kíp thủy thủ đoàn 44 người, các tàu ngầm TR-1700 có dự trữ hành trình khoảng 30 ngày. Chúng có thể mang theo 22 ngư lôi, triển khai qua 6 ống phóng trên tàu.
Argentina từng có kế hoạch đóng thêm 4 chiếc TR-1700 nữa nhưng cộng tác đóng 3 tàu mới trong số này đã bị trì hoãn ngay từ giai đoạn đầu tiên do thiếu chi phí, chỉ có chiếc ARA Santa Fe (S-43) là bước vào giai đoạn xa hơn một chút.
Thân tàu chưa hoàn thiện của 3 chiếc tàu trên đã được tháo dỡ lấy phụ tùng để duy trì hoạt động cho hai tàu ARA San Juan và ARA Santa Cruz.
"Thủ phạm" sâu xa
Chiếc ARA San Juan đã trải qua quá trình hiện đại hóa trong giai đoạn 2007-2013 để kéo dài tuổi thọ và nâng cấp hệ thống chiến đấu.
Trong giai đoạn hiện đại hóa trên, Argentina đã trải qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009 và khủng hoảng nợ năm 2012.
Vì thế, theo ông Farley, nếu tàu ARA San Juan được tìm thấy, có lẽ phần lớn sự chú ý sẽ đổ dồn vào những hệ thống được nâng cấp trong giai đoạn đó, và xem liệu có tình trạng làm ăn cẩu thả, cắt xén diễn ra hay không, bởi đây có thể là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn tới vụ mất tích của con tàu này.
Lực lượng tham gia tìm kiếm tàu ngầm ARA San Juan. Ảnh: CNN
Hiện chúng ta hiện có rất ít thông tin về những gì đã xảy ra với tàu ngầm ARA San Juan. Trước khi mất liên lạc với đất liền, truyền trưởng của tàu đã báo cáo về một trục trặc nhỏ với hệ thống điện, tuy nhiên, trục trặc này được cho là không thể gây nguy hiểm cho con tàu.
Ông Farley cho rằng, khả năng sống sót của các thủy thủ phụ thuộc lớn vào tính chất của sự cố, thời gian sạc pin và trao đổi không khí trước khi mất tích.
Cần lưu ý rằng, Đức là một nhà xuất khẩu tàu ngầm lớn trên thế giới, đã gặt hái thành công với 2 mẫu tàu Type 209 và Type 214. Những con tàu này nổi tiếng về độ tin cậy, được nhiều lực lượng hải quân trên thế giới vận hành trong nhiều năm.
Trong số các tàu ngầm của Đức được chế tạo ở thời kỳ hậu chiến, ARA San Juan là tàu ngầm đầu tiên gặp phải rủi ro lớn như vậy.
Theo ông Farley, nếu không được đầu tư đầy đủ trong công tác huấn luyện và bảo dưỡng thì vận hành tàu ngầm là một việc vô cùng khó khăn và nguy hiểm.
Trong quá khứ, Hải quân Argentina là một lực lượng tích cực, tuy nhiên, các cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính lặp lại nhiều lần đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới mức độ sẵn sàng của họ.
Vị chuyên gia cho rằng, mức độ an toàn của tàu ngầm thấp hơn so với tàu mặt nước, có lẽ vì thế mà rất nhiều tàu ngầm trên thế giới đều dành phần lớn thời gian bám trụ ở bến tàu.
QS