Tìm lý do khiến thị trường chứng khoán các nước mới nổi giảm mạnh
Thị trường chứng khoán các nước mới nổi đang ghi nhận mức tăng trưởng kém hơn so với các nước công nghiệp bởi chịu ảnh hưởng từ việc tăng trưởng kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ thấp hơn so với kỳ vọng cũng như những rối loạn trong ngành ngân hàng Mỹ và châu Âu tăng cao trong thời gian qua.
Chỉ số MSCI của thị trường chứng khoán các nước mới nổi tính từ đầu năm 2023 đến nay có mức tăng trưởng tốt hơn so với chỉ số MSCI World theo dõi diễn biến của thị trường chứng khoán các nước phát triển.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng đó có được là nhờ thị trường chứng khoán các nước mới nổi lên điểm mạnh trong tháng đầu năm, đến tháng 2/2023, thị trường bắt đầu giảm điểm và sang đến tháng 3/2023, thị trường đã có lúc rơi vào trạng thái suy giảm.
Nhìn chung, dù nhiều nhà đầu tư hiện vẫn lạc quan về triển vọng các thị trường mới nổi, tuy nhiên nỗi lo về rủi ro kinh tế đi xuống sau khoảng thời gian thị trường tài chính có nhiều biến động trong thời gian vừa qua tại Mỹ và châu Âu có thể sẽ khiến cho thị trường ghi nhận sự điều chỉnh sâu hơn trong ngắn hạn.
Trung Quốc, nước có thị trường chứng khoán chiếm tỷ trọng đến gần 30% trong chỉ số của thị trường mới nổi, góp phần không nhỏ vào sự suy giảm chung của chỉ số này.
Sau khi giới chức Trung Quốc nới lỏng biện pháp kiểm soát COVID-19 vào tháng 12/2022, sau đó chấm dứt hoàn toàn kiểm soát vào tháng tiếp đó, những hy vọng vào quá trình mở cửa của kinh tế Trung Quốc ban đầu đã giúp thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh. Tuy nhiên sau khi tăng ước tính đến 17% trong tháng 1/2023, thị trường lại để mất thành quả tăng.
Thực tế này diễn ra trong bối cảnh những hy vọng về kinh tế đang giảm dần. Giữa tháng 3/2023, chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ước tính chỉ 5%, con số được đánh giá “bảo thủ” hơn rất nhiều so với mục tiêu 5,5% của năm 2022 và đồng thời thấp hơn mức 5,3% theo dự báo của các chuyên gia kinh tế.
Nhiều thành viên thị trường nhận định ngưỡng tăng trưởng kinh tế như trên hoàn toàn có thể hiện thực hóa được chỉ cần thông qua các biện pháp mở cửa kinh tế, như vậy rõ ràng phát đi tín hiệu rằng giới chức Trung Quốc không hề tính đến gói kích cầu lớn.
Một số nhà quan sát trong khi đó nhận xét kinh tế Trung Quốc trong thời gian không bật mạnh như kỳ vọng. Tổng lượng hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 1 và tháng 2/2023 giảm 10,2% nếu tính theo giá trị đồng USD, theo số liệu của hải quan Trung Quốc, mức hạ như vậy sâu hơn so với tính toán của các chuyên gia.
Trong nhóm các cổ phiếu ngành thuộc chỉ số MSCI của thị trường Trung Quốc, cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng có diễn biến khá yếu, cổ phiếu doanh nghiệp vận chuyển thực phẩm Meituan và doanh nghiệp bán lẻ JD.com giảm ước tính khoảng 20% tính từ đầu năm 2023 đến nay.
Ấn Độ, nước có thị trường chứng khoán với tỷ trọng 13% trong chỉ số của các thị trường mới nổi, cũng có diễn biến suy giảm ảnh hưởng đến mức tăng trưởng chung của chỉ số. Thị trường chứng khoán Ấn Độ đã mất hơn 8% giá trị tính từ cuối năm 2022.
Triển vọng thị trường tăng trưởng tốt trong trung và dài hạn trong bối cảnh dân số tăng mạnh đã giúp Ấn Độ trở thành lựa chọn đầu tư tốt bên cạnh Trung Quốc. Chỉ số Sensex của thị trường chứng khoán Ấn Độ từng lập mức cao kỷ lục trong tháng 12/2022. Tuy nhiên trong ngắn hạn, nỗi lo thị trường sụt giảm mạnh đang tăng lên.
“Nếu tính theo tiêu chuẩn của nước phát triển, kinh tế Ấn Độ hiện đã bị coi là rơi vào tình trạng suy thoái. Trong quý 4/2022, GDP tăng trưởng 4,4%, thế nhưng nếu so với quý liền trước, tính đến cuối quý 4/2022, GDP đã sụt giảm 2 quý liên tiếp”, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Dai-ichi – ông Toru Nishihama phân tích.
Lạm phát cao đã buộc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) nâng lãi suất bất chấp những ảnh hưởng đến nền kinh tế. Dù rằng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Ấn Độ tăng trưởng 6,1% trong năm tài khóa sắp tới, nhóm các chuyên gia độc lập bi quan hơn, HSBC dự báo kinh tế sẽ chững lại chỉ tăng trưởng 5,5%.