Tiêu hủy ngà voi trên Quảng trường Thời Đại
Các bộ phận của động vật chết không thường xuyên nằm trong mối quan tâm của những du khách đến Quảng trường Thời Đại, New York. Nhưng điều đó không ngăn cản cơ quan U.S. Fish & Wildlife Service làm một màn biểu diễn hôm thứ sáu: cho một tấn ngà voi bất hợp pháp vào một máy nghiền khổng lồ.
Ngà voi được chất tại Quảng trường Thời Đại trước khi đưa vào máy nghiền – một sự kiện nâng cao ý thức bảo vệ động vật hoang dã nơi công chúng.
Màn biểu diễn ấn tượng của nhân viên cơ quan USFWS và một nhóm liên minh bảo tồn băng xanh là nhằm kêu gọi sự chú ý của quần chúng đến các thương vụ buôn bán ngà voi đầy ghê sợ.
“Đống nữ trang và đồ trang trí vô hồn là một lời nhắc nhở về việc hàng triệu con voi hoang dã đã bị giết, và đang bị giết, và hàng triệu con cháu của chúng sẽ không bao giờ ra đời,” Dan Ashe, giám đốc cơ quan USFWS và tự nhận là MC của sự kiện, nói.
“Trong khi chúng ta đang đứng ở đây, khoảng sáu con voi nữa sẽ chết, có thể nhiều hơn, vì hiện giờ chúng đang đi theo sau các con voi con,” Bộ trưởng nội vụ (quản lý đất đai, địa chất và công viên) Sally Jewell nói thêm. “Chúng ta không chỉ tiêu hủy ngà voi. Chúng ta đang tiêu hủy thị trường ngà voi đẫm máu.”
Vâng, có lẽ vậy.
Trong khi vụ tiêu hủy ngà voi ở Quảng trường Thời Đại chắc chắn gây chú ý – các vụn xương vỡ vụn bay ra khỏi chiếc máy nghiền 25 tấn là một cảnh đầy ấn tượng – giá trị thực của cảnh tượng này tùy thuộc vào sự chú ý có thể dẫn đến những biến chuyển về chính sách nghiêm túc và lâu dài.
Một tấn ngà voi đã được tiêu hủy bằng máy nghiền tại Quảng trường Thời Đại hôm thứ sáu.
Nhưng liệu thông điệp có đến được với bọn trộm, bọn buôn lậu và các thợ thủ công – những người đưa sản phẩm thô đến thị trường hay không.
Tiêu hủy ngà voi không phải là một ý tưởng mới. Kenya là nước đầu tiên chống lại việc buôn bán này vào năm 1989, đốt 12 tấn ngà voi tại Công viên quốc gia Nairobi. Gần đây hơn, Gabon, Philippines, Hong Kong và Trung Quốc đã tiêu hủy hơn 30 tấn sản phẩm. Hoa Kỳ lần đầu tiên tiêu hủy ở Denver vào 2013.
Nhưng mặc cho các vụ đốt và tiêu hủy, sự cường phát của việc buôn bán ngà voi đã tăng tốc trong những năm gần đây, giết hại một phần mười quần thể voi châu Phi và châu Á. Hàng năm 10% đàn bị loại, khiến loài động vật trên đất lớn nhất hành tinh rơi vào đà tuyệt chủng.
TS Daniel Stiles – đồng tác giả báo cáo 2013 của Liên Hiệp Quốc về việc giết hại voi – cho rằng ông biết lý do. Khi một kẻ buôn thuốc nhìn xem chính quyền Reagan đốt một đống cần sa bị tịch thu, liệu hắn ta có nghĩ rằng tốt nhất là nên bỏ nghề – hoặc tăng gấp đôi thương vụ để lấp một khoảng trống trên thị trường?
Cùng một lôgích đó, theo Stiles, việc săn trộm đã tăng cho kịp với tốc độc các màn biểu diễn tiêu hủy nguồn cung của chính quyền.
Nhân viên cơ quan U.S. Fish & Wildlife Service đang đưa các món ngà vào máy nghiền.
“Công chúng đang đòi hỏi hành động,” Stiles viết trong một bài bình luận vào 2013 trên tờ The Guardian. “Đáp lại, cơ quan USFWS sẽ tiêu hủy ngà voi bị tịch thu – hầu như chắc chắn gửi một thông điệp cho bọn tôi phạm rằng tốt hơn là chúng nên tăng cường giết voi trước khi toàn bộ ngà biến mất.”
Leigh Henry, nhà tư vấn cao cấp của Quỹ Động vật hoang dã thế giới, một trong những nhà tài trợ cho vụ tiêu hủy, bất đồng với Stiles. Bà cho rằng một “vụ tiêu hủy ngà voi” có thể nói với đông đảo công chúng, dẹp đi một phần vụ buôn bán trái phép từ đầu bên kia của chuỗi cung ứng.
“Không ai nghĩ rằng vụ tiêu hủy sẽ giải quyết được vấn đề,” bà nói một vài phút trước khi các đồ vật bằng ngà voi đưa vào trong máy nghiền. Nhưng ngay lúc đó còn có nhiều người không hiểu rằng “đằng sau mỗi món ngà voi ấy là một con voi chết,” bà nói.
Và trong đó có Trung Quốc.
Là một giao lộ cho khoảng 70% ngà voi bất hợp pháp của thế giới lưu thông, sẽ không có giải pháp mà không có sự tham gia của Trung Quốc. Người đứng đầu cơ quan quản lý rừng nhà nước của Trung Quốc mới đây cam kết sẽ dẹp bỏ thương vụ ghê tởm này ở trong nước. Nhưng ông không đưa ra lịch trình hoặc kế hoạch lệnh cấm này thực thi như thế nào.
Nên sự kiện diễn ra ở Quảng trường Thời Đại, theo Henry chẳng khác nào một cái bắt tay ngoại giao dưới dạng biểu diễn ấn tượng trước công chúng.
Cần phải tính đến việc ủng hộ cam kết của Tổng thống Obama trong việc loại bỏ thị trường ngà voi ở Hoa Kỳ. Buôn bán ngà voi đã được đặt ra ngoài vòng pháp luật từ 1989, nhưng ngà voi đang tồn tại được miễn trừ, và tiếp tục lưu hành. Điều đó đem lại cho những kẻ săn trộm một con đờng đưa ngà voi mới vào và cho rằng đó là ngà cũ.
Mùa hè này, chính quyền Obama hy vọng chấm dứt thực trạng đó, thúc đẩy các quy định mới buộc những người bán phải chứng minh được tuổi của ngà voi của họ bằng giấy tờ thực tế, không chỉ là lời hứa.
Đồng thời, quốc hội đang xem xét các luật pháp đưa ra những hình phạt nghiêm khắc hơn đối với những kẻ bị bắt do tội bán ngà voi; trợ giúp châu Phi nhiều hơn, nơi cuộc chiến chống bọn săn trộm cần bị trừng trị trước tiên; và cho phép áp đặt lệnh trừng phạt đối với các nước tiếp tục buôn bán ngà voi.
“Mỗi năm chứng kiến sự biến mất của hàng ngàn loại cây và động vật,” Đức Giáo hoàng Francis viết trong thông điệp phát đi một ngày trước vụ tiêu hủy ở Quảng trường Thời Đại. Lời của ngài được đọc lớn bởi John Calvelli, phó chủ tịch điều hành Hội bảo tồn động vật hoang dã.
“Phần lớn bị tuyệt chủng bởi những lý do liên quan đến hoạt động của con người,” Đức Giáo hoàng viết tiếp. “Chúng ta không được quyền làm thế.”
Khởi Thức-TGTT