Tiếp thu ý kiến góp ý vào Điều lệ công đoàn Việt Nam
Theo ông Huỳnh Thanh Xuân, trong phiên làm việc chiều 1/12, tại 10 trung tâm thảo luận đã ghi nhận 36 ý kiến của đại biểu về Dự thảo Điều lệ Công đoàn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung).
Hầu hết các ý kiến của đại biểu đều bày tỏ sự đồng tình và đánh giá cao quá trình nghiên cứu sửa đổi bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn khóa XII.
Các ý kiến góp ý tập trung và các quy định về đối tượng gia nhập Công đoàn Việt Nam; quyền và nhiệm vụ của đoàn viên công đoàn; hình thức đình chỉ đối với cán bộ công đoàn; về nguyên tắc tổ chức và hoạt động công đoàn; về nhiệm vụ, quyền hạn của công đoàn cấp cơ sở, về mô hình tổ chức công đoàn và ý kiến liên quan đến tài chính, tài sản công đoàn.
Ông Huỳnh Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. |
Đoàn Chủ tịch Đại hội đề nghị tiếp thu các ý kiến về bổ sung quy định nhiệm vụ của Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở chỉ đạo hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân vào Dự thảo Điều lệ; tiếp thu, bổ sung vào Điểm b Khoản 2 Điều 16 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận, tổ công đoàn do Đoàn Chủ tịch hướng dẫn chi tiết; tiếp thu, chỉnh sửa lại một số câu từ để các quy định của Điều lệ được đảm bảo chặt chẽ rõ ràng. Đoàn Chủ tịch cũng tiếp thu một số ý kiến để nghiên cứu quy định trong hướng dẫn Điều lệ Công đoàn.
Một số ý kiến Đoàn Chủ tịch Đại hội đề nghị ghi nhận để nghiên cứu, nếu đủ cơ sở về lý luận và phù hợp thực tiễn thì ban hành quy định thực hiện, như: Ý kiến đề nghị xem xét kết nạp người là hiệu trưởng các trường ngoài công lập vào công đoàn Việt Nam; ý kiến đề nghị đổi tên công đoàn viên chức để phù hợp với đối tượng tập hợp hiện nay có cả cán bộ, công chức, chứ không phải chỉ có viên chức.
Những ý kiến khác, Đoàn Chủ tịch Đại hội đề nghị Đại hội giữ nguyên như dự thảo điều lệ do về cơ bản đã thể hiện trong dự thảo điều lệ, phù hợp với các quy định khác và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.