Tiếp bài “giải cứu” ngập đường Kinh Dương Vương: Ngập đường... ngập cả vi phạm?
Ai sẽ được lợi từ việc “xẻ” gói thầu làm 2?
Như đã đưa tin,( http://thoidai.com.vn/ban-doc/tp-hcm-de-nghi-lam-ro-nhung-khuat-tat-tai-du-an-tram-bom-chong-ngap-duong-kinh-duong-vuong_t114c30n93853 ) trong giai đoạn 2016- 2017, TP. HCM đã chi hơn 730 tỉ đồng để thực hiện dự án Cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương.
Sau khi đại dự án được hoàn thành, đến mùa mưa năm 2017, toàn tuyến đường này vẫn chìm trong ngập lụt. Đã vậy, việc nâng mặt đường cao hơn so với cốt cũ từ 0,4 - 1,2 m, đã làm ảnh hưởng tới tất cả những công trình xây dựng dọc tuyến đường vì đều thấp hơn vỉa hè 0,6-1 m Không chống được ngập, lại làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của cả vạn người dân, dự án chống ngập đường Kinh Dương Vương trở thành tâm điểm, được dư luận đặc biệt quan tâm, đặt dấu hỏi về năng lực, cũng như trách nhiệm của Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP. HCM (Trung tâm chống ngập)
Ngập do mưa và thủy triều trên đường Kinh Dương Vương
Ngập do mưa và thủy triều trên đường Kinh Dương Vương
Phương án “vá lỗi” được đưa ra là đầu tư trạm bơm công suất 42.000 m3 trị giá gần 180 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án cải tạo kênh Ba Bò được Trung tâm chống ngập ủy quyền làm chủ đầu tư.
Cụ thể, ngày 9/1/2018, Sở Giao thông TP. HCM đã có quyết định (QĐ số 175/QĐ-SGTVT) phê duyệt điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho trạm bơm nêu trên. Theo đó, trạm bơm bị chia tách thành 2 gói thầu độc lập gồm: Gói thầu xây lắp 4- Xây lắp trạm bơm tại rạch Bà Tiếng và cải tạo nút giao vòng xoay An Lạc, giá gói thầu là 135,636 tỉ đồng; Gói thầu cung cấp lắp đặt thiết bị trạm bơm với giá là 55,1 tỉ đồng (đã làm tròn).
Sau đó, ông Nguyễn Văn Tám- PGĐ Sở Giao thông TP. HCM ký tiếp QĐ số 2940 phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng gói thầu xây lắp 4 với giá dự toán là 111,943 tỉ đồng. Đối với gói thầu thiết bị máy bơm cũng được ông Tám phê duyệt, giá trị dự toán lên trên 66 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Văn Tám - Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM
Trao đổi với PV, Luật sư Trịnh Xuân Hải - Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình nhận định, việc chia tách này là có “vấn đề”, không phù hợp với tính chất kỹ thuật, đồng bộ và hợp lý của dự án; Không tuân thủ Luật Đấu thầu và Thông tư số 10 của Bộ Kế hoạch & Đầu tư quy định chi tiết về kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Luật sư Hải phân tích rõ việc xây dựng trạm bơm, lắp đặt máy bơm và các thiết bị khác để sử dụng cho mục tiêu bơm chống ngập, có tính chất gắn kết, không thể tách rời cả về mặt thiết kế thi công và mua sắm thiết bị. Khi nhà thầu cung cấp, lắp đặt thiết bị máy bơm thì sẽ có thiết kế trạm bơm tương ứng của hãng sản xuất đi kèm. Nếu bên mời thầu đã quyết định sử dụng thiết kế xây dựng trạm bơm để lắp máy bơm do một hang sản xuất thì đã hạn chế tham gia của các nhà thầu khác, của các hãng sản xuất máy bơm khác.
Việc xây trạm bơm theo thiết kế đã duyệt để lắp một loại máy bơm đã nhắm đến là không đảm bảo tính cạnh tranh trong đấu thầu.
Luật sư phân tích thêm rằng với trạm bơm, việc chia tách thành 02 gói thầu, phần xây lắp thi công trước phần thiết bị mua sắm sau thực chất là hình thức “ngầm chỉ định thầu” với 02 trường hợp xảy ra là: Móng làm trước, mua sắm thiết bị sau có nguy cơ hệ thống móng không ăn khớp, không đồng bộ với thiết bị (máy bơm) vì chưa biết sẽ sử dụng hãng bơm nào cho dự án. Trường hợp khác là đã có sự bàn bạc trước về chủng loại thiết bị, kích thước thiết bị, giá cả....
Luật sư Hải nhận định, việc cách phân chia gói thầu như QĐ 175 của Sở Giao thông TP. HCM thì không có nhà thầu nào có thể trúng thầu ngoại trừ nhà thầu do Trung tâm chống ngập và Sở Giao thông đã ngầm chọn từ trước.
Trách nhiệm của Phó GĐ Sở Giao thông TP.HCM thế nào?
Về việc “xé” trạm bơm Bà Tiếng thành 02 gói thầu, Sở Kế hoạch & Đầu tư TP. HCM khẳng định, tại khoản 3, điều 33, Luật Đấu thầu quy định việc phân chia dự án thành các gói thầu là phải căn cứ theo tính chất kỹ thuật, trình tự thực hiện, bảo đảm tính đồng bộ của dự án và quy mô gói thầu hợp lý. Với thực tế như trên, dư luận cho rằng trong vụ việc này, Trung tâm chống ngập TP. HCM nếu có đến “72 phép thần thông biến hóa” cũng không thể giải trình được việc đảm bảo tính đồng bộ về mặt kỹ thuật và công nghệ khi phân chia thành 02 gói thầu. Và thực tế là, tại tờ trình mới đây của Trung tâm chống ngập TP. HCM đã không đả động gì đến mục “phân tích giải trình về việc đảm bảo tính đồng bộ về mặt kỹ thuật và công nghệ khi phân chia thành 02 gói thầu”?!
Sở Kế hoạch & Đầu tư TP. HCM khẳng định: Việc phân chia gói thầu liên quan đến trách nhiệm giải trình của Trung tâm chống ngập và thẩm định, phê duyệt của Sở Giao thông và nó có phù hợp hay không thì phải có ý kiến của cơ quan chuyên ngành.
Hiện tại, gói thầu xây lắp đơn vị trúng thầu là Cty Cổ phần Công trình giao thông Sài Gòn đang thi công. Tuy nhiên, bất thường đó là quyết định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng gói thầu xây lắp lại được ông Nguyễn Văn Tám - Phó GĐ Sở Giao thông ký trước quyết định phê duyệt gói thầu thiết bị máy bơm tới gần 3 tháng.
Trước những khuất tất nêu trên, dư luận đặt ghi vấn phải chăng Sở Giao thông TP. HCM đã biết trước loại máy bơm lắp đặt nên mới phê duyệt thiết kế trạm bơm trước, phê duyệt thiết kế máy bơm sau?
Như vậy, bên cạnh việc chỉ định sử dụng loại máy bơm lạc hậu, công nghệ cũ, hiệu suất thấp mà giá thành cao, dấu hiệu của việc hạn chế nhà thầu… thì việc chia dự thành 02 gói thầu thể hiện dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật trong công tác đấu thầu. Các vi phạm nêu trên, nếu không được thanh tra, xử lý kịp thời thì không chỉ thất thoát ngân sách nhà nước mà hàng chục nghìn hộ dân đường Kinh Dương Vương vẫn sẽ phải khốn khổ sống trong cảnh ngập lụt.
Báo Thời Đại sẽ tiếp tục thông tin.
PVĐT