"Tiền dân sự, hậu quân sự" - Chính sách đầu tư cảng biển nước ngoài của Trung Quốc
Công ty Trung Quốc đặt "dấu chân" khắp châu Âu
Các hoạt động thương mại ở nước ngoài của Trung Quốc dấy lên câu hỏi liệu việc đầu tư vào cảng biển có liên quan đến mục tiêu quân sự và đem đến hiểm nguy an ninh tại quốc gia sở tại hay không.
Với sáng kiến Vành đai - Con đường, công bố vào năm 2013 nhằm thúc đẩy thương mại và kết nối ở châu Á, châu Phi, châu Âu, Trung Quốc đã tăng mạnh đầu tư toàn cầu, đặc biệt là ở hạ tầng biển.
Các công ty Trung Quốc như Cosco Shipping Ports và China Merchants Port Holdings đang ồ ạt mua cổ phần hoặc ký các thỏa thuận xây dựng nhà ga tại các cảng biển nước ngoài.
Cosco bắt đầu điều hành cảng ở thành phố Piraeus, Hy Lạp vào năm 2008, khi chính phủ nước này sắp vỡ nợ. Từ đó, Bắc Kinh trở thành một nhân tố quan trọng trong ngành cảng biển ở châu Âu.
Cảng biển Piraeus của Hy Lạp. Ảnh: Foreign Policy.
Trung Quốc bắt đầu in dấu chân ở 3 cảng biển lớn nhất ở châu Âu: Euromax ở Rotterdam, Hà Lan (Trung Quốc sở hữu 35%); Antwerp tại Bỉ (sở hữu 20%) và Hamburg, Đức (Trung Quốc chuẩn bị xây dựng một nhà ga mới).
-
"Mahathir thứ 2" xuất hiện, Vành đai - Con đường của Trung Quốc gặp vận đen
Các khoản đầu tư ồ ạt giúp hồi sinh một số cảng này. Tại Piraeus, đầu tư của Trung Quốc đã giúp tăng các giao dịch thương mại, và lợi nhuận trước thuế ghi nhận tăng 92%.
"Tiền dân sự, hậu quân sự"
Không phải lúc nào mọi việc cũng "xuôi chèo mát mái" khi Bắc Kinh vươn tới các cảng nước ngoài với túi tiền rủng rỉnh.
Ở Israel, Trung Quốc đang xây dựng 2 cảng mới ở Haifa và Ashdod. Các học giả trong nước đang thúc giục chính phủ Israel đánh giá mức độ Trung Quốc sẽ can dự vào nền kinh tế nước này.
Ông Shaul Chorev, cựu Tư lệnh hải quân Israel cho rằng, ban lãnh đạo Trung Quốc ngày càng muốn tăng cường quyền lực kinh tế, ngoại giao và quân sự để mở rộng ảnh hưởng quốc tế.
Sáng kiến Vành đai - Con đường là nhằm mục đích phát triển quan hệ kinh tế mạnh mẽ với các quốc gia khác, gắn lợi ích của họ với Trung Quốc và giảm thiểu sự ngăn cản hoặc chỉ trích đối với Trung Quốc trong một số vấn đề nhạy cảm.
Liên minh châu Âu (EU) đang ngày càng lo lắng rằng Trung Quốc có thể dùng sự ảnh hưởng về mặt kinh tế ở các cảng biển để tạo ra các ảnh hưởng chính trị lên các quốc gia thành viên, Frans-Paul van der Putten, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Quan hệ quốc tế của Hà Lan nói.
Đây là lý do vì sao một bộ khung quy định kiểm soát các hoạt động đầu tư nước ngoài trên toàn EU đang được thảo luận.
Ông Chorev cũng cho biết, Trung Quốc đang nhắm đến việc tận dụng các công nghệ và nguồn lực dân sự cho mục đích quân sự để thúc đẩy việc hiện đại hóa quân đội bao gồm công nghệ máy bay không người lái, trí tuệ nhân tạo và hệ thống định vị Bắc Đẩu (đối trọng với hệ thống định vị toàn cầu của Mỹ).
-
Lo sợ đất đai rơi vào tay Trung Quốc, nông dân Pháp sôi sục biểu tình
Sự kết hợp quân sự - dân sự là một trong những mục tiêu được nêu ra trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của Trung Quốc trong giai đoạn 2016-2020.
Zhang Jie, nhà nghiên cứu tại Học viện khoa học xã hội nhân văn Trung Quốc, viết trong một bài báo vào năm 2015 rằng, ý tưởng "tiền dân sự, hậu quân sự", trong đó các cảng thương mại có thể xây dựng với mục tiêu dần dần phát triển thành các "điểm hỗ trợ chiến lược" có thể hỗ trợ Bắc Kinh trong việc kiểm soát các tuyến đường thủy quan trọng.
Theo một báo cáo của Trung tâm nghiên cứu quốc phòng cao cấp tại Washington, Mỹ, việc đầu tư vào các cảng biển có thể tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hải quân tầm xa của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, Neil Davidson, một nhà phân tích cao cấp tại công ty tư vấn và nghiên cứu hàng hải Drewry ở London, không cho rằng các nước châu Âu cảm thấy bị đe dọa, vì quyền sở hữu các cảng biển vẫn còn trong tay các công ty địa phương.
Minh Khôi