Tiền bạc, quyền lực và gia thế bên trong Samsung, Lotte, Huyndai hay các chaebol của Hàn Quốc
Mới đây, Lee Jae Yong, phó chủ tịch tập đoàn Samsung, bị bắt vì cáo buộc tội hối lộ. Lee bắt đầu lãnh đạo Samsung kể sau sau khi ông ông Lee Kun-hee, chủ tịch tập đoàn, bị đau tim vào năm 2014. Lee dẫn dắt đế chế hoạt động trong nhiều ngành gồm điện tử, gia dụng cơ khí, xây dựng, đóng tàu, bảo hiểm, tín dụng... Công ty con Samsung Electronics sản xuất TV và điện thoại di động, đóng góp tới 20% kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc.
Samsung chỉ là một trong số hàng loạt công ty gia đình, được gọi là Chaebol, đang thống trị đời sống kinh tế Hàn Quốc. Theo New York Times, các chaebol hiện bắt đầu bị giám sát chặt chẽ hơn, bất chấp quan điểm cho rằng họ được đối xử ưu tiên khi bị phát hiện phạm tội.
Chaebol là gì?
Chaebol là sự kết hợp giữa hai từ "giàu có" và "gia đình". Đây là từ dùng để chỉ những tập đoàn kinh tế lớn được điều hành bởi các gia đình tài phiệt giàu có. Tại Hàn Quốc có nhiều chaebol nhưng nổi tiếng nhất trên thế giới là Hyundai, LG, Samsung, Hanjin, Kumho, Lotte và SK Group.
Chaebol là các tập đoàn đa ngành. Ví dụ LG gồm các công ty con sản xuất điện thoại, TV, linh kiện điện tử, hóa mỹ phẩm và phân bón. Tập đoàn này cũng sở hữu các câu lạc bộ bóng chày và bóng rổ Hàn Quốc. Còn Hyundai ngoài dòng xe hơi Kia quen thuộc còn hoạt động trong mảng thang máy, dịch vụ vận tải, điều hành khách sạn và chung cư.
Các chaebol nắm quyền lực như thế nào?
Các chaebol đều nổi lên từ sau cuộc chiến tranh Triều Tiên. Chiến tranh kết thúc, chính phủ Hàn Quốc chủ trương tung ra các quỹ cứu trợ và tín dụng ưu đãi cho doanh nhân nhằm tái thiết đất nước. Chính phủ cũng bảo hộ các công ty nội địa trước sự cạnh tranh từ nước ngoài. Do vậy, chaebol còn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Hàn Quốc trong các thập kỷ sau đó.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà kinh tế học, mô hình này cũng gây ra sự bất cân bằng khi tiền bạc của người dân cuối cùng lại rơi vào tay các gia đình giàu có, gây ra sự bất mãn trong công chúng tới tận ngày nay. Ngoài ra, các chaebol cũng bị chỉ trích rằng sự bảo hộ cho phép những gia tộc này mở rộng sang khu vực mới mà chẳng cần lo lắng tới cạnh tranh từ doanh nghiệp nước ngoài hay chi phí cao.
Nhờ vậy, các chaebol trở thành những đế chế khổng lồ, chiếm gần 2/3 thị phần trong ngành sản xuất của Hàn Quốc vào những năm 1990, theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tuy nhiên, trong tiềm thức của nhiều người Hàn Quốc, sự giàu có của các tập đoàn này là sự tích lũy vắt kiệt từ chính người dân. Những vụ bê bối của các chaebol gần đây khiến cho công chúng vô cùng phẫn nộ.
Quyền lực chính trị của các chaebol
Công thức tăng trưởng của kinh tế Hàn Quốc cũng tạo điều kiện nuôi dưỡng sự kết hợp khăng khít giữa chính phủ và doanh nghiệp. Park Chung Hee - cha của đương kim tổng thống Hàn Quốc và là người lên nắm quyền sau một cuộc đảo chính vào năm 1961 – là một ví dụ. Chính phủ của ông đã bơm tiền cho nhiều nghiệp đoàn kinh tế để đạt được các mục tiêu kinh tế trong đó có mục tiêu xuất khẩu.
Vào những năm 1980, các chaebol đã trở thành những tập đoàn kinh tế đầy quyền lực với tầm ảnh hưởng lớn tới chính trị. Không ít nhân vật trong giới chính trị gia bắt đầu phụ thuộc vào nguồn tài chính và hỗ trợ từ chaebol để vận động tranh cử.
Chaebol đang lâm nguy?
Hiện nay, sự ủng hộ của công chúng dành cho các chaebol đang ngày càng ít đi. Khủng hoảng tài chính châu Á vào cuối những năm 1990 làm dấy lên lo ngại rằng mối quan hệ khăng khít giữa các công ty trong mạng lưới phức tạp của chaebol có thể dẫn đến sự sụp đổ của cả mạng lưới. Kinh tế Hàn Quốc hiện đã đạt độ "chín" và trở thành quốc gia tiêu dùng. Người dân nước này tỏ ra lo lắng về quyền lực chính trị và tình trạng tham nhũng của các chaebol.
Bất chấp những quan ngại này, nhiều người vẫn cho rằng lãnh đạo của các chaebol vẫn được "giơ cao đánh khẽ". Ông Lee Kun Hee từng hai lần được ân xá do Chính phủ lo ngại những ảnh hưởng của sự việc đối với nền kinh tế. Chey Tae-won, chủ tịch SK Group, bị buộc tội tham ô, cũng được cho ra tù trước thời hạn.
Tuyến Nguyễn