Tiêm filler chui, cô gái bị hoại tử môi
Ngày 6/7, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu Phòng Y tế quận Hoàn Kiếm phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra cơ sở Spa số 2B, ngõ Vạn Kiếp, phố Trần Hưng Đạo. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng đến nơi thì cơ sở đã khóa cửa.
Trước đó, ngày 28/4, bệnh nhân Nguyễn Thị Hà (23 tuổi, quê Quảng Ninh, đang sống ở Hà Nội) được tiêm filler vào môi dưới tại cơ sở Spa nói trên. Thời gian đầu, Hà khá ưng ý vì được tạo hình môi đẹp, nhưng cách đây gần 1 tháng, môi Hà bị biến chứng với biểu hiện sưng tấy, mưng mủ, chảy dịch.
Môi của cô gái khi được điều trị tại viện.
Khi đến khám tại Bệnh viện Việt Nam- Cu Ba, Hà có biểu hiện sốt, đau nhiều ở môi dưới do chất làm đầy gây hoại tử. Tại đây, các bác sĩ chỉ định, chích, rạch phần áp xe ở môi để xử lý dịch mủ.
Tuy nhiên, bệnh nhân Hà dị ứng với thuốc kháng sinh dòng beta lactam và phải thay thế bằng nhóm kháng sinh khác nên việc điều trị tiến triển chậm, không loại trừ khả năng bệnh nhân phải cắt toàn bộ môi dưới.
Bà Trần Thị Nhị Hà, Trưởng phòng Quản lý Hành nghề tư nhân (Sở Y tế Hà Nội) cho biết, với việc thực hiện dịch vụ tiêm chất làm đầy filler cho thấy, cơ sở này hoạt động không phép. Bởi tại Spa, chỉ được thực hiện các dịch vụ chăm sóc da thông thường. Còn với dịch vụ tiêm chất filler phải được thực hiện tại phòng khám được cấp phép và người thực hiện kỹ thuật này phải có chứng chỉ hành nghề đúng chuyên môn.
Filler là chất làm đầy có hoạt chất sinh học được phép sử dụng. Chất này được tiêm vào dưới da sẽ thấm hút nước phồng lên tăng thể tích, có tác dụng làm căng bề mặt da, cho làn da bóng, đẹp. Vì thế chất này được sử dụng để nâng mũi, căng ra mặt, bơm môi, làm cằm… Khoảng 12 tháng tiêm, chất làm đầy đào thải ra ngoài và phải tiêm lại nếu muốn duy trì kết quả thẩm mỹ.
Khi đưa filler vào cơ thể có thể gây phản ứng như dị ứng, viêm. Nguyên liệu trôi nổi, không rõ nguồn gốc có thể để lại hậu quả cho sức khỏe và thẩm mỹ.
Vân Hạnh (t/h)