Thương mại Mỹ - Trung: “Quyền anh” và “Vịnh Xuân”
Xung quanh đề tài này, PV Thời Đại đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Nguyễn Minh Phong.
Thưa TS, bối cảnh nào đã dẫn tới cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trong năm 2018?
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: Theo tôi, 2018 đánh dấu một năm gia tăng các vấn đề căng thẳng về địa chính trị quốc tế.
Trong bối cảnh đó, Mỹ tiếp tục theo đuổi chính sách đề cao lợi ích quốc gia, bảo hộ thương mại và hạn chế di cư, nới lỏng chính sách tiền tệ. Nước này cũng gia tăng xu hướng bảo hộ với nguyên tắc và mục tiêu “Nước Mỹ là trên hết”, điển hình là rút khỏi TPP; từ chối Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu toàn cầu; đàm phán lại các FTA đã ký (với Hàn Quốc, với Canada – Mexico…) và doạ rút khỏi cả Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Theo đánh giá của tiến sĩ, quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay như thế nào?
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: Về thương mại, Mỹ đứng số 1 về XK - chiếm 16,9% tổng kim ngạch XK hàng năm và đứng thứ 3 về NK - chiếm 8,1% tổng kim ngạch NK hàng năm của Trung Quốc. Ngược lại, Trung Quốc đứng số 4 về XK - chiếm 8% tổng kim ngạch XK hàng năm và đứng thứ 1 về NK - chiếm 21,4% tổng kim ngạch NK hàng năm của Mỹ.
Trung Quốc là nước NK dầu thô từ Mỹ lớn thứ 2 thế giới sau Canada. Mỹ chỉ chiếm 3,5% trong tổng NK dầu của Trung Quốc, còn Trung Quốc chiếm khoảng 20% trong tổng XK dầu của Mỹ. Mặt khác, Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ đậu nành lớn nhất thế giới khi phải NK khoảng 90% nhu cầu nội địa, trong đó Mỹ là nước cung cấp hơn 30%.
Thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng 6/2018 với các đối tác như Trung Quốc là 33,5 tỷ USD (tăng 0,9%), với Mexico là 7,4 tỷ USD (tăng 10,5%) và với Canada là 2 tỷ USD (tăng 39,7%).
Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ là 133,8 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm. Trong nửa đầu năm 2018, tổng kim ngạch thương mại Mỹ - Trung đã tăng 13,1%.
Như vậy, có thể thấy, cán cân thương mại Mỹ - Trung Quốc đang có sự mất cân bằng lớn, mà dấu hiệu dễ nhận biết nhất là thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc ngày càng nghiêm trọng.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong (ảnh): Hai bên cùng thực hiện chính sách bảo hộ thì chiến tranh thương mại tất yếu xảy ra
Vậy liệu cán cân thương mại mất cân bằng giữa hai nước có phải là nguyên nhân chính dẫn tới việc Mỹ phát động cuộc chiến thương mại này, thưa TS?
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: Mỹ áp thuế trừng phạt Trung Quốc và nêu ra 4 lý do chính thức. Thứ nhất, thâm hụt thương mại giữa 2 bên đang đe dọa việc làm và lợi ích của Mỹ. Thứ hai, Trung Quốc sử dụng biện pháp phi kinh tế để chiếm lĩnh công nghệ của Mỹ (Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đưa ra trong Báo cáo có tên gọi là Section 301 - Điều khoản 301). Thứ ba, Mỹ cho rằng Trung Quốc trợ cấp chính phủ cho hàng XK. Cuối cùng là sự phá giá và thao túng tiền tệ, cạnh tranh không công bằng.
Tuy nhiên, theo tôi, thực chất nguyên nhân của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là Mỹ muốn tập trung vào chiến lược “Made in China 2025” của Trung Quốc. Đây được coi là hạt nhân để Trung Quốc phát triển thành một cường quốc công nghệ. Hơn ai hết, Mỹ xem “Made in China 2025” là mối đe dọa sống còn đối với vị thế vượt trội về công nghệ của nước này so với phần còn lại của thế giới.
Trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, cho đến giờ phút này, bên nào chịu thiệt hại nặng hơn, bên nào được lợi nhiều hơn?
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: Cuộc chiến tranh thương mại “lớn nhất trong lịch sử kinh tế” sẽ để lại hậu quả không nhỏ đối với Mỹ - nền kinh tế “đầu tàu” thế giới, nhất là khi nước này cũng đang phải hứng chịu hậu quả sau khi đánh thuế 25% lên thép và 10% lên nhôm NK từ Canada, Mexico và Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 6/2018.
Theo tính toán, kim ngạch XK của Mỹ sụt giảm 75 tỷ USD. Hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s cho rằng Mỹ mất tổng cộng 700.000 việc làm và tăng trưởng kinh tế giảm 0,5% GDP, thậm chí nhiều khả năng đẩy nước này vào tình trạng suy thoái.
Đậu nành, thịt heo, thịt bò là những mặt hàng thiệt hại nghiêm trọng nhất, động chạm đến lợi ích của nông dân Mỹ. XK đậu nành trong niên vụ 2018 – 2019 có thể sụt giảm 2,3 tỷ USD.
Trước mắt, thiệt hại đối với Trung Quốc chưa lớn lắm, 34 tỷ USD chiếm tỷ lệ quá ít nếu so với tổng cộng 505 tỷ USD mà Mỹ NK từ Trung Quốc trong năm 2017.
Mặc dù vậy, theo tính toán của Deutsche Bank, cuộc chiến thương mại sẽ khiến XK của Trung Quốc sang Mỹ giảm khoảng 78 tỷ USD, trong khi XK của Mỹ sang Trung Quốc giảm khoảng 13 tỷ USD. Để bù đắp lại, Trung Quốc phải phá giá đồng nội tệ ít nhất 18% - mức độ được cho là Trung Quốc không thể và không dám làm.
Đoàn đàm phán thương mại của 2 nước Mỹ - Trung. Ảnh: Reuters.
Vừa qua, lãnh đạo 2 nước đã quyết định tạm ngừng đưa ra các biện pháp trả đũa, áp đặt trong 90 ngày để đàm phán. Theo tiến sĩ, họ có đạt được thoả thuận không?
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: Theo đánh giá của tôi, trong ngắn hạn, cuộc chiến này sẽ không có dấu hiệu hạ nhiệt.
Thực ra, cuộc chiến này không gây bất ngờ vì đã được ông Donald Trump đưa vào chương trình hành động của mình nếu đắc cử Tổng thống. Đây cũng là cuộc chiến hợp pháp đối với cả hai bên trong khuôn khổ các biện pháp tự vệ thương mại cho phép của WTO, mà cả hai nước đều là thành viên.
Đây là cuộc chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới và động thái rất khó đoán định, được dẫn dắt bởi những “nghệ thuật thương lượng” trong kinh doanh “không giống ai” của Tổng thống - tỷ phú Donald Trump và những tính toán thâm trầm, dài hơi, tổng hợp “36 phép dùng binh”, kết hợp cả “lửa và nước” truyền thống của Trung Quốc.
Cả bên tấn công và bên phản vệ đều “vừa đánh vừa đàm” (tăng thuế gói 200 tỷ USD từ TQ làm 2 đợt; 10% và 25%...), lấy lợi ích quốc gia của mình là mục tiêu tối thượng.
Triển vọng cuộc chiến thương mại này sẽ kéo dài với các hệ lụy đa dạng và đa chiều, ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu cả bề rộng và bề sâu, trước mắt và lâu dài.
Theo TS, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng như thế nào với kinh tế thế giới?
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được cho là không chỉ ảnh hưởng tới hai nước này mà còn gây thiệt hại cho nhiều quốc gia khác.
Ngày 17/7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo căng thẳng leo thang giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới có thể thổi bay 0,5% trong tỉ lệ tăng trưởng trên thế giới, gây ra tổn thất lên đến 430 tỉ USD cho toàn cầu, nhưng Mỹ là bên gánh chịu nguy cơ lớn nhất.
USD mạnh lên trong khi NDT không ngừng giảm giá dẫn tới nỗi lo cuộc chiến tranh thương mại sẽ biến thành chiến tranh tiền tệ trên phạm vi toàn cầu.
Không riêng tiền tệ bị ảnh hưởng, sức mạnh của USD còn tạo tác động khiến thị trường chứng khoán toàn cầu điêu đứng.
Là một thành phần của nền kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng gì từ cuộc chiến thương mại “lớn nhất lịch sử” này, thưa TS?
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: Trước hết, cần nhắc lại quan hệ thương mại của Mỹ và Trung Quốc đối với Việt Nam.
Sau Trung Quốc, Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch NK của Việt Nam đối với Mỹ là 8,1 tỷ USD, trong khi chúng ta xuất sang Mỹ 46,5 tỷ USD giá trị hàng hoá.
Mỹ và Trung Quốc là hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam cho nên cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tác động lên Việt Nam một cách trực tiếp và nhanh chóng.
Thứ nhất, dòng hàng qua lại giữa 2 nước sụt giảm sẽ tạo khoảng trống thị trường, mở ra cơ hội để các DN Việt Nam sản xuất, XK sản phẩm sang Mỹ và Trung Quốc.
Thứ hai, các DN Việt cũng có thể thêm cơ hội mua rẻ hơn những mặt hàng của Trung Quốc (như động cơ, thiết bị…) khó xuất sang Mỹ.
Nguy cơ Việt Nam phải nhập siêu các loại nguyên liệu và hàng từ Trung Quốc cũng sẽ rất lớn.
Trân trọng cảm ơn ông!
Trọng Sang (thực hiện)