Thực phẩm biến đổi gen - Nên hay không nên ăn?
Thực phẩm biến đổi gen. |
Vừa qua, ngày 18/3, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản xác nhận sẽ cho phép lưu thông ra thị trường một số loại thực phẩm biến đổi gen bằng kỹ thuật chỉnh sửa gen tân tiến, mà không cần trải qua khâu xác nhận an toàn của bộ này.
Kỹ thuật chỉnh sửa gen tân tiến là cách tạo ra các gen đột biến bằng phương pháp như tác động loại bỏ một số đoạn ADN trong gen làm cho gen đó ngừng hoạt động, mà không đưa vào gen mới. Kỹ thuật chỉnh sửa gen này được cho là gần với những đột biến xảy ra trong tự nhiên mà chọn lọc những đặc tính tốt; do đó rất khó để phân biệt thực phẩm sử dụng kỹ thuật chỉnh sửa gen và thực phẩm chọn lọc tự nhiên thông thường.
Đây cũng là lý do khiến cho thực phẩm sử dụng phương pháp chỉnh sửa gen này nằm ngoài đối tượng điều chỉnh của luật hiện hành đối với thực phẩm biến đổi gen, trong đó quy định, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản sẽ phải xác nhận tính an toàn trước khi được cấp phép lưu thông trên thị trường.
Dù Nhật Bản quyết định cho phép thực phẩm sử dụng phương pháp chỉnh sửa gen lưu thông ra thị trường, nhưng việc đưa ra giải thích rõ ràng đối với người tiêu dùng vẫn là vấn đề lớn do thực tế rất khó để phân biệt thực phẩm biến đổi gen sử dụng kỹ thuật chỉnh sửa gen và đột biến trong tự nhiên chọn lọc đặc tính tốt.
Các thành viên một ủy ban cấp cao thuộc Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản đang lên tiếng yêu cầu nghĩa vụ phải thông tin một cách chính xác tới người tiêu dùng những thực phẩm loại này khi lưu thông ra thị trường.
Tại Nhật Bản, những nghiên cứu tạo ra thực phẩm chỉnh sửa gen vẫn đang tiếp tục. Đại học Tsukuba đã thành công trong việc tạo ra loại cà chua theo phương thức này. Loại cà chua có lượng axit amin gấp 10 lần cà chua thông thường với tên gọi Gaba giúp làm giảm huyết áp.
Cơ quan Nghiên cứu tổng hợp kỹ thuật công nghiệp thực phẩm và nông nghiệp Nhật Bản đã phát triển nhiều loại gạo sử dụng kỹ thuật chỉnh sửa gen mang lại năng suất cao. Mùa xuân năm 2017, các loại gạo này đã được trồng và thu hoạch lần đầu vào mùa thu cùng năm.
Giống bò siêu thịt BBB (Blanc Blue Belgium) có nguồn gốc từ Bỉ. |
An toàn hay không an toàn?
Không thể phủ nhận mặt tích cực mà loại thực phẩm này mang lại cho thế giới, cụ thể là năng suất mùa vụ cho hàng chục triệu nông dân trên thế giới và hàng chục triệu USD giá trị nông sản cho những nền kinh tế đang phát triển loại cây trồng này.
Không chỉ kháng lại thuốc diệt cỏ, kháng sâu bệnh, chịu hạn, chịu mặn, loại bỏ chất ô nhiễm trong đất..., thành phần dinh dưỡng có trong GMO cũng thay đổi. Nhiều nhà khoa học và các chính trị gia, bằng các lập luận của mình, đã khẳng định biến đổi gene là công nghệ quan trọng nhất trong nông nghiệp để giải quyết thách thức nuôi sống số dân toàn cầu đang tăng lên.
Vấn đề thực phẩm biến đổi gen bằng phương pháp chỉnh sửa gen đang được thảo luận tại nhiều nước. Tại Mỹ không có quy định về việc trồng thực phẩm sử dụng kỹ thuật chỉnh sửa gen, song trên thực tế các loại thực phẩm này đang được trồng, song vẫn chưa được bán ra.
Tại châu Âu, tháng 7/2018, toà án đã đưa ra quy định áp dụng cho thực phẩm chỉnh sửa gen giống như thực phẩm biến đổi gen thông thường, việc áp dụng vẫn đang được thảo luận một cách thận trọng. Nếu được cấp phép bán ra trên thị trường vào mùa hè tới, Nhật Bản sẽ là nước tiên phong chính thức cho lưu thông thực phẩm chỉnh sửa gen.
Không chỉ có Nhật Bản, Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) vừa qua đã bật đèn xanh cho phép nhập khẩu cá hồi và trứng cá hồi biến đổi gen, mà người phản đối gọi là "cá quái thai" vào thị trường Mỹ.
Theo báo USA Today, cá hồi biến đổi gen (GMO) là loại cá hồi có gen tự nhiên bị thay đổi nhằm thúc đẩy tốc độ sinh trưởng của cá.
Sau quyết định của FDA, AquaBounty Technologies - công ty Mỹ chuyên nhân giống cá hồi GMO, có kế hoạch nhập khẩu trứng cá hồi AquAdvantage đến cơ sở nuôi của họ gần thị trấn Albany, bang Indiana - nơi cá sinh trưởng nhanh hơn cá hồi Đại Tây Dương tự nhiên.
Giống cá hồi GMO AquAdvantage bị những người phản đối ở Mỹ gọi là "cá quái thai", tuy nhiên đó là giống cá biến đổi gen duy nhất được FDA chấp nhận dùng cho mục đích thực phẩm. Cơ quan này thẩm định cá an toàn cho con người hồi năm 2015.
Trong một nghiên cứu công bố cách đây 4 năm, FDA nhận định công nghệ chỉnh sửa gen "an toàn" cho động vật và sản phẩm chế biến từ chúng không có tác động đáng kể lên môi trường tự nhiên. Tuy vậy, Hiệp hội Nông dân cá hồi quốc tế phản hồi rằng "không có gì sai" với cá hồi GMO, nhưng họ lo sợ không biết công chúng sẽ đón nhận loại cá này ra sao, và tiếng tăm của cả ngành công nghiệp nuôi cá hồi có bị ảnh hưởng không.
Hiện nay, toàn cầu đang đối mặt với vấn đề tăng dân số và sự biến đổi khí hậu; đất đai nông nghiệp đang bị co lại do quá trình đô thị hóa. Vì thế, việc có mặt cây trồng biến đổi gen sẽ tăng năng suất, bảo đảm lương thực, đặc biệt cho nước nghèo. Triển khai trồng giống cây này được coi là một trong những giải pháp bảo đảm an ninh lương thực cho thế giới.
Dù vậy, GMO có cơ chế thủ tiêu quá trình sinh sản tự nhiên, có tính đột biến cao và thường xuyên vượt khỏi giới hạn gene đã khiến nhiều quốc gia phát triển đắn đo về những rủi ro có thể mang lại cho sức khỏe con người.
Theo thông tin từ tổ chức CropLife Việt Nam, tính đến năm 2017, hiện có 24 quốc gia cho phép canh tác cây trồng chuyển gen với tổng diện tích canh tác là 189.8 triệu ha (tăng 3% so với năm 2016), lợi nhuận tăng thêm trên mỗi ha là 102 USD (tương đương với khoảng 2,3 triệu đồng). Ngoài ra, có 43 quốc gia khác đang sử dụng cây trồng biến đổi gen làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và thực phẩm, trong đó toàn bộ Châu Âu (EU) được tính là 1 quốc gia.
Đối với các sản phẩm biến đổi gen nhập khẩu, Việt Nam quy định sản phẩm nào có hơn 5% thành phần là biến đổi gen phải dán nhãn để người dân biết, lựa chọn./.