Thủ tướng quyết định cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh ngành công thương
Tại Hội nghị tổng kết ngành Công thương năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Thủ tướng vừa ký Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15/01 nhằm sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.
Theo đó, sẽ cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh trong tổng số 1216 điều kiện (tương đương 55%) do Bộ Công thương quản lý. Đây là con số rất lớn chứng tỏ Bộ Công thương đang rất quyết tâm nhằm đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, theo thông lệ quốc tế.
Ảnh minh họa
675 điều kiện đầu tư kinh doanh được cắt giảm theo quy định tại Nghị định số 08/2018/NĐ-CP thuộc 08 lĩnh vực: Xăng dầu, thuốc lá, điện lực, nhượng quyền thương mại, thương mại điện tử, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, lĩnh vực kinh doanh thực phẩm thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương.
Trước đó, tháng 9/2017, sau một thời gian rà soát, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phê duyệt phương án cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, giảm 55,5% tổng số điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
Tại Nghị quyết 01 năm 2018 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, Chính phủ đã yêu cầu cải thiện căn bản, tạo chuyển biến mạnh mẽ các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa 50% các điều kiện đầu tư kinh doanh hiện hành.
Sau khi cắt giảm, số điều kiện còn lại chỉ còn 541 thay vì con số dự kiến ban đầu là 752 điều kiện. Đây được coi là đợt cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh chưa từng có trong lịch sử ngành Công thương với số lượng điều kiện đầu tư kinh doanh bị cắt giảm lớn nhất từ trước đến nay.
Được biết, vào điểm tháng 10/2016, Bộ Công thương cũng cắt giảm một loạt các thủ tục hành chính theo quyết định số 4846, gồm: bãi bỏ 15 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 108 thủ tục hành chính trong tổng số 443 thủ tục, tương đương 27,8% tổng số thủ tục hành chính hiện có của Bộ Công thương.
Sau Bộ Công thương, nhiều bộ ngành đã vào cuộc như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng... và một số bộ ngành khác cũng đã vào cuộc rà soát các điều kiện kinh doanh.
Minh Anh