Thủ tướng Nepal từ chức ngay trước cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm
Ông KP Oli (giữa) rời khỏi tòa nhà quốc hội Nepal sau khi tuyên bố từ chức hôm 24/7. (Ảnh: Reuters)
"Tôi đã nộp đơn từ chức lên Tổng thống khi tôi gặp bà ấy trước khi có mặt ở quốc hội" - ông Oli phát biểu trước Quốc hội Nepal, sau khi bị các đồng minh chính trị của mình "bỏ rơi" trước cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Tuyên bố từ chức của ông Oli khiến Nepal - vốn bất ổn chính trị trong nhiều năm qua - tiếp tục rơi vào tình trạng bất ổn. Từ năm 1990, đây đã là chính phủ thứ 23 của nước này bị sụp đổ do không có được niềm tin từ người dân.
Làn sóng phản đối ông Oli bắt nguồn từ phiến quân Maoist, những người từng giúp đỡ dựng lên chính phủ của ông này hồi tháng 10 năm ngoái, nhưng sau đó họ đã cáo buộc Thủ tướng Oli không tôn trọng thỏa thuận chia sẻ quyền lực.
Những người từng là đồng minh với ông Oli cũng tố cáo ông này không giải quyết mối quan tâm chính trị của dân tộc thiểu số Madhesi - cộng đồng dân cư sống ở vùng đồng bằng phía Nam của Nepal.
Ông Oli khi đó từng tuyên bố sẽ quan tâm giải quyết nguyện vọng của người Madhesi, đồng thời cho xây dựng lại hàng loạt ngôi nhà bị động đất phá hủy hồi năm ngoái. Tuy nhiên, theo những người phản đối, Thủ tướng Oli đã "thất hứa".
"Điều này làm cho chúng tôi không thể tiếp tục làm việc với ông ta nữa" - thủ lĩnh của phiến quân Maoist, ông Prachanda, phát biểu trước Quốc hội Nepal hôm 22/7.
Ông Oli vẫn sẽ tạm giữ chức Thủ tướng cho tới khi Quốc hội Nepal chọn ra một nhà lãnh đạo mới. Quá trình này sẽ kéo dài khoảng vài ngày, và ông Prachanda được cho là có nhiều cơ hội thay thế ông Oli.
Theo dự kiến, Tổng thống Nepal Vidhya Devi Bhandari sẽ cho các đảng phái chính trị trong nước thời hạn 7 ngày để thống nhất chọn ra một ứng viên thủ tướng mới. Nếu các bên không đạt được đồng thuận, quốc hội sẽ bỏ phiếu để chọn ra người đứng đầu chính phủ.
Trọng Sang