Thư ký hàng đầu của ông Tập răn đe trước giờ G: Có kẻ âm mưu chiếm quyền trong đảng
Mới đây, tạp chí Trung trực đảng kiến - thuộc quản lý báo đảng Trung Quốc Nhân dân nhật báo đăng tải bài phát biểu của Bí thư Ban Bí thư Đinh Tiết Tường - thư ký hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình về vấn đề chống tham nhũng trong đảng.
Ông này cho biết, theo số liệu thống kê tính đến trước thềm Đại hội 19 (đã diễn ra từ ngày 18-24/10/2017), cuộc chiến chống tham nhũng do ông Tập khởi xướng đã điều tra 440 quan chức có hành vi liên quan, bao gồm các quan chức cấp cao như cựu Bộ trưởng Bộ Công an Chu Vĩnh Khang, hai cựu Phó Chủ tịch quân ủy Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng v.v...
Đinh Tiết Tường nhấn mạnh, các quan chức này đều có vấn đề về chính trị mà không có ngoại lệ khi liên quan đến hoạt động mua bán hối lộ phiếu bầu, kết bè kết phái, thậm chí còn có kẻ "âm mưu chiếm đoạt quyền lực trong đảng".
Ông Đinh Tiết Tường trong phiên họp hồi cuối tháng 1/2018.
Giới phân tích cho rằng, việc cấp dưới thân cận của ông Tập đề cập âm mưu chiếm đoạt quyền lực trong ĐCSTQ ở thời khắc quan trọng trước thềm Lưỡng hội (Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc và Hội nghị Chính Hiệp toàn quốc) chính là để răn đe các nhóm lợi ích đối lập trên chính trường Trung Quốc hiện nay.
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên Bắc Kinh nói về âm mưu chiếm đoạt quyền lực trong đảng. Tháng 10/2017, trả lời họp báo bên lề sự kiện Lưỡng hội, ông Lưu Sĩ Dư - Chủ tịch, Bí thư đảng ủy Ủy ban quản lý giám sát chứng khoán Trung Quốc, Ủy viên Ủy ban chính sách tiền tệ Trung Quốc đã chỉ trích một số quan chức cấp cao có mưu đồ trong đảng.
Ông Lưu Sĩ Dư nói: "[Ông Tập] đã xử lý các vụ án liên quan tới Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch, Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng và Tôn Chính Tài. Những người này từng có chức vụ cao và quyền lực lớn trong đảng nhưng họ lại suy đồi nghiêm trọng và âm mưu đoạt quyền lãnh đạo đảng và chiếm quyền lực nhà nước".
Ngoài ra, ông này cũng khẳng định, "ban lãnh đạo trung ương đảng, với ôngTập Cận Bình làm hạt nhân đã giải cứu quân đội và giải cứu đất nước trong 5 năm qua.
Kỳ họp Lưỡng hội năm 2018 tại Trung Quốc đã bắt đầu từ hôm nay 3/3 và sẽ kết thúc vào ngày 15/3. Truyền thông Trung Quốc cho biết, mức độ quan tâm của dư luận đối với phiên họp lần này còn lớn hơn cả Đại hội 19 diễn ra hồi cuối năm 2017.
Tại hội nghị lần này, nếu dự thảo sửa đổi hiến pháp mới đề xuất hủy bỏ chế độ hai nhiệm kỳ đối với chức vụ Chủ tịch và Phó Chủ tịch nước được thông qua thì ông Tập có khả năng sẽ tiếp tục tại nhiệm sau năm 2023. Một chính phủ mới cũng sẽ được kiện toàn sau kỳ Lưỡng hội khi các Phó Thủ tướng đương nhiệm hiện nay đều đã đến tuổi về hưu.
Thủy Thu