Thủ khoa người Thái ở Đại học Việt Nam: Đi xa, nhớ nhất là tiếng Việt!
Điểm sàn năm 2019 của Đại học Công nghệ Thông tin Đại học Công nghệ công bố điểm sàn năm 2019 Chân dung thí sinh có điểm xét tuyển ĐH cao nhất cả nước |
Từ chỗ nói không sõi tiếng Việt, cô gái Thái Lan đã vươn lên trở thành Thủ khoa tốt nghiệp ĐH. Ảnh: Thúy Nga/VNN |
Ước mơ du học...gần nhà
Tân thủ khoa đặc biệt của ĐH KHXH&NV là Lalitpat Kerdkrung (tên Việt Nam là Trang), đã có tình yêu tha thiết với Việt Nam từ thủa ấu thơ. Ước mơ du học Việt Nam của cô gái trẻ bắt đầu được định hình từ những năm học trung học phổ thông, khi đang là học sinh chuyên ngôn ngữ Anh – Pháp.
“Thời cấp 3 mình được học các môn Lịch sử và Địa lý của Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Mình luôn tự hỏi tại sao bản thân lại biết đến kiến thức khu vực khác nhiều hơn khu vực xung quanh mình, mặc dù những quốc gia xung quanh đất nước mình đều rất gần gũi và có sự ảnh hưởng rất lớn," cô chia sẻ.
Trong khu vực Đông Nam Á, Lalitpat dành sự quan tâm đặc biệt cho Việt Nam, đất nước “gắn với chiến tranh, bom đạn” nhưng lại có thể trỗi dậy mạnh mẽ sau vài chục năm kết thúc chiến tranh.
Quyết tâm thực hiện ước mơ, năm 2013, khi Chính phủ Hoàng gia Thái Lan tổ chức kỳ thi học bổng du học hàng năm, trong đó có học bổng dành cho Bộ Ngoại giao gồm 6 nước với 3 nước ASEAN là Indonesia, Malaysia và Việt Nam, cô đã quyết tâm đi thi và trúng tuyển.
Cùng lúc, Lalitpat Kerdkrung cũng thi đỗ vào một trong những trường ĐH hàng đầu Thái Lan, nhưng cuối cùng, cô vẫn quyết định trở thành sinh viên ở đất nước bạn, một hành trình bắt đầu với không ít thử thách nhưng xuyên suốt là những trải nghiệm quý giá...
Vượt qua rào cản ngôn ngữ
Dù đã dành 3 tháng học Tiếng Việt tại quê nhà để chuẩn bị du học, song những ngày đầu trên đất bạn, Lalitpat Kerdkrung vẫn chưa thể nghe, viết được bằng ngoại ngữ này.
“Mình chủ yếu giao tiếp... bằng tay. Ngôn ngữ Tiếng Việt đa nghĩa và nhiều từ tương đồng khiến mình bị “loạn” khi sử dụng.
Càng gặp nhiều thử thách bao nhiêu, cô gái Thái càng quyết tâm vượt qua bấy nhiêu. Quá trình vươn lên của cô là sự cần cù, kiên trì, tích cực học hỏi từng ngày. “Mình không bao giờ nghỉ học trừ khi có việc cực kỳ gấp. Học Tiếng Việt khá khó nên khi tới lớp, có từ nào không hiểu mình có thể hỏi luôn thầy cô, bạn bè," Lalitpat kể.
Thời gian đầu, mỗi lần đọc giáo trình, Lalitpat Kerdkrung phải "đính kèm" thêm bên cạnh là quyển từ điển. Nói chuyện với các bạn Việt Nam, nhiều lúc cô không nghe kịp, và khi nghe hiểu thì lại chật vật tìm cách trả lời. Khó khăn đôi khi làm cô hoang mang, muốn quay trở về nhà. Nhưng may mắn, cô sinh viên nước ngoài đã không phải một mình chống chọi với những ngày "vạn sự khởi đầu nan":
“May mắn có các thầy cô luôn quan tâm, động viên. Cô cũng dặn là nếu không hiểu thì hãy giới thiệu mình là người nước ngoài, nhờ mọi người nói chậm hơn. Làm theo lời cô, mình nhận ra mọi người lập tức thay đổi cách nói chuyện với mình. Vì ngoại hình của mình rất giống người Việt nên nhiều người còn ngạc nhiên: Ơ thế em là người nước ngoài à? Ôi em nói tiếng Việt giỏi thế! Rồi nói chậm hơn, còn hỏi lại xem mình có hiểu không”, Lalitpat nhớ lại.
Cô tâm sự, trước mỗi môn thi đều dành thời gian ôn tập rất nhiều. "Mình luôn rơi vào trạng thái cảm thấy đọc bao nhiêu vẫn là không đủ nên cứ thế đọc rồi ghi ra giấy."
Việc học tiếng Việt tại Khoa Việt Nam học không chỉ giúp nữ du học sinh trau dồi ngôn ngữ, mà còn khiến cô hiểu hơn và yêu hơn văn hóa Việt Nam, "mở lòng để tiếp xúc nhiều hơn với người bản địa" và càng ngày càng "cảm thấy hầu hết người Việt Nam đối xử với mình thật là đáng yêu và thành thật”.
Hành trình thành thủ khoa
Khi vốn tiếng Việt tốt lên, những tiết học trên lớp càng trở nên đầy lôi cuốn với Lalitpat Kerdkrun.
“Mình thích không khí học tập tại khoa của mình. Đó là một môi trường đa văn hoá với các sinh viên đến từ nhiều quốc gia khác nhau như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Lào, Đức,…" cô kể.
Lớp học như một "thế giới thu nhỏ" đã khiến cho mỗi giờ lên lớp luôn tràn ắp những điều mới mẻ, mở cánh cửa đến nhiều nền văn hóa, có những điểm giao thoa và cả những nét độc đáo riêng, như sự giống và khác giữa Nho giáo Việt Nam - Trung Quốc, Phật giáo Việt Nam - Thái Lan.
Say mê học tập, nghiên cứu, kết thúc năm học cuối, cô sinh viên Thái Lan đã đạt điểm tối đa cho khoá luận tốt nghiệp với đề tài “Chính sách đối ngoại của vương quốc Xiêm và Đại Nam đối với các nước phương Tây nửa đầu TK XIX” một kỳ tích đối với du học sinh. Bên cạnh kỹ năng ngôn ngữ tiếng Việt đáng nể, khóa luận của Lalitpat Kerdkrun còn được đánh giá cao bởi sự dày công nghiên cứu của cô, khi dành gần 1 tháng trở về quê nhà thu thập tư liệu.
Nữ sinh Thái duyên dáng trong tà áo Việt. Ảnh: ĐH KHXH&NV |
Tâm huyết và sự chăm chỉ của cô gái Thái đã đem về "quả ngọt" khiến chính bản thân cô và gia đình phải ngỡ ngàng. Từ chỗ nói chưa sõi tiếng Việt, cô đã xuất sắc trở thành thủ khoa đầu ra toàn khóa của ĐH KHXH&NV năm 2019 với điểm 10 cho khóa luận và điểm tích lũy 3.92/4.
Tháng 9 này Lalitpat Kerdkrung sẽ tạm chia tay Việt Nam để tiếp tục hành trình học tập, khám phá những chân trời mới. Dự kiến, nữ thủ khoa sẽ theo học thạc sĩ tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (Anh) theo diện học bổng.
Khi được hỏi điều gì sẽ làm cô nhớ nhất khi xa Việt Nam, Lalitpat đã trả lời: Đó là tiếng Việt.
"Rời Việt Nam rồi mình sẽ không được sử dụng tiếng Việt thường xuyên nữa. Mình sẽ nhớ nó nhiều lắm!", cô xúc động thổ lộ, và cho biết mong sẽ có cơ hội trở lại "quê hương thứ hai", và có thể trở thành Đại sứ của tình hữu nghị Việt - Thái.
Việt -Thái chia sẻ cơ hội đầu tư kinh doanh, hướng tới mục tiêu 20 tỷ USD
Nhiều cơ hội hợp tác đầu tư, kinh nghiệm kinh doanh...được hàng chục doanh nghiệp, doanh nhân hai nước trao đổi, chia sẻ tại Hội ... |
Thái Lan xuất bản sách quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh Cuốn sách “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đặt nền móng cho quan hệ Việt Nam-Thái Lan hiện đại” bằng hai ngôn ngữ tiếng ... |
"Thiên đường cát trắng" vịnh Maya trước khi có quyết định đóng cửa đã từng đẹp và hút khách thế nào? Mới đây, chính quyền Thái Lan đã đưa ra quyết định chính thức về việc sẽ đóng cửa bãi biển Maya Bay thêm 2 năm để ... |