Thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Khu kinh tế Vân Phong là phù hợp với Nghị quyết 09
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu ý kiến tại Phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa là cần thiết.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Khánh Hòa là tỉnh ven biển Nam Trung bộ, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng của cả nước, có nhiều tiềm năng, lợi thế để bứt phá phát triển và thúc đẩy lan tỏa tích cực đến phát triển vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Địa phương nằm ở vị trí trung tâm của các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, có 3 vịnh lớn là Vịnh Nha Trang, Vịnh Vân Phong, Vịnh Cam Ranh, và có chiều dài bờ biển dài nhất cả nước (hơn 385 km), trong đó, quần đảo Trường Sa có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng và an ninh. Có mũi Đôi là điểm cực Đông trên đất liền của Tổ quốc; là cửa ngõ hướng biển, tâm điểm kết nối vùng giữa Tây Nguyên với Nam Trung bộ. Có sân bay quốc tế Cam Ranh với lưu lượng khách quốc tế đứng thứ 3 cả nước, là cửa ngõ giao thương quốc tế cho cả khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Tại Nghị quyết số 09-NQ/TW, Bộ Chính trị yêu cầu phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển tỉnh Khánh Hòa nhanh và bền vững, để đến năm 2030 “là thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế về biển, là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao; là nơi nhân dân có mức sống cao, hiền hòa và hạnh phúc; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc”; tầm nhìn đến năm 2045 là “thành phố đáng sống, thông minh, bền vững, bản sắc, ngang tầm khu vực châu Á; là hình mẫu của sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh”.
Đồng thời, Bộ Chính trị đã giao nhiệm vụ “xây dựng, thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, phân cấp quản lý nhà nước bảo đảm tương đồng với các thành phố lớn khác trong cả nước, phù hợp vai trò, vị trí và tầm quan trọng của tỉnh Khánh Hòa trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia về biển, đảo của Tổ quốc”.
Thực tiễn tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW của Bộ Chính trị cho thấy nếu không có cơ chế, chính sách đặc thù thì tỉnh Khánh Hòa rất khó thực hiện được các bước đột phá để trở thành đô thị hạt nhân, đạt được các tiêu chí để trở thành đô thị trực thuộc Trung ương và hoàn thành các mục tiêu như Nghị quyết của Bộ Chính trị đã đề ra. Trong khi đó, một số tỉnh, thành phố có Nghị quyết riêng của Bộ Chính trị như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng trước đây và gần đây là các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, thành phố Hải Phòng và Cần Thơ đã được Quốc hội cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù và bước đầu phát huy hiệu quả.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội nhằm tạo công cụ pháp lý hữu hiệu để phát huy mọi tiềm năng, lợi thế tạo đột phá về phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 như mục tiêu Bộ Chính trị đã đề ra.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho rằng: Xét về căn cứ chính trị, Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nêu rõ yêu cầu phải có chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa; Xét về căn cứ thực tiễn, Khánh Hòa là tỉnh có đặc thù về vị trí địa lý, nằm ở trung tâm các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, có quần đảo Trường Sa, khu căn cứ quân sự Cam Ranh, là tâm điểm kết nối Tây Nguyên với Nam Trung bộ. Phát triển Khánh Hòa không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; có tác động lan tỏa vùng miền. Vì vậy, nhất trí ban hành Nghị quyết này.
Cũng theo ông Nguyễn Phú Cường, dự thảo Nghị quyết quy định hằng năm Ngân sách Trung ương (NSTW) bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh không quá 70% số tăng thu NSTW từ một số khoản thu phân chia, quy định này tương tự như cơ chế một số địa phương đang được hưởng. Do vậy, để tăng cường nguồn lực, bảo đảm tương đồng với các địa phương có cơ chế đặc thù, nhất trí với đề xuất này.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường phát biểu ý kiến tại Phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Về quy định cho phép tỉnh Khánh Hòa được vay không quá 60% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nhất trí với đề xuất này nhằm tạo thêm dư địa để tỉnh Khánh Hòa huy động nguồn lực, đột phá trong phát triển và tương đồng với mức dư nợ được áp dụng cho một số địa phương.
Về quy định được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên, đa số ý kiến nhận thấy: Mặc dù là tỉnh có điều tiết về NSTW, song trên thực tế, Khánh Hòa vẫn phải nhận hỗ trợ từ NSTW; nhiều địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Theo Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 thì các tỉnh có cơ chế đặc thù hiện được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên. Vì vậy, để bảo đảm công bằng giữa các địa phương có cơ chế đặc thù, tạo nguồn lực phát triển gắn với củng cố an ninh, quốc phòng, đề nghị cho Khánh Hòa được hưởng chính sách này.
Về quy định Hội đồng nhân dân tỉnh cho phép các huyện, thị xã, thành phố được sử dụng ngân sách cấp huyện để hỗ trợ huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết: Đa số ý kiến nhận thấy, đây là các huyện nghèo, có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số, nguồn lực rất hạn chế. Quy định này đã được áp dụng đối với Hà Nội. Do đó, để bảo đảm chia sẻ nguồn lực, nhất trí với quy định này.
Về quản lý quy hoạch, dự thảo Nghị quyết quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị. Đa số ý kiến nhất trí với quy định này, song đề nghị trong tổ chức thực hiện cần rà soát, đối chiếu, cập nhật việc điều chỉnh quy hoạch hiện nay để bảo đảm tính thống nhất.
Về chủ trương thu hút, tiêu chuẩn nhà đầu tư chiến lược, đa số ý kiến cho rằng, chủ trương thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Khu kinh tế Vân Phong là phù hợp với Nghị quyết 09.
Tuy nhiên, cần lưu ý, đó là: Khu kinh tế Vân Phong cũng như tỉnh Khánh Hòa có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh. Vì vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo giải trình rõ cơ sở thực tiễn, tính khả thi của việc triển khai quy định: Nhà đầu tư chiến lược phải có cam kết bằng văn bản về việc “đáp ứng các điều kiện bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật Việt Nam” (khoản 4 Điều 7 của Dự thảo Nghị quyết). Đề nghị làm rõ cơ sở, cách thức xác định tiêu chí về tổng tài sản 25.000 tỷ đồng trở lên đối với điều kiện về năng lực tài chính tại điểm a khoản 3 Điều 7 vì hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn một cách rõ ràng việc định giá tài sản đầu tư.
Có ý kiến đề nghị chưa ưu đãi cho xây dựng trung tâm thương mại, khu phi thuế quan, khu đô thị, khu du lịch, sân golf vì không thuộc lĩnh vực ưu tiên đầu tư.
Doanh nghiệp Hàn Quốc tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Khu Kinh tế Nghi Sơn Tại các địa điểm đến thăm, đại diện các sở ngành liên quan của tỉnh Thanh Hóa giải đáp trực tiếp nhiều câu hỏi, vấn đề quan tâm của các doanh nghiệp Hàn Quốc về chính sách ưu đãi, thuê đất, thuế, các điều kiện đầu tư của tỉnh. |
Hai tập đoàn hàng đầu Nhật Bản tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô Ngày 16/3, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có buổi làm việc với Tập đoàn Itochu, Tập đoàn Yoshida Kaiun (Nhật Bản) đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. |