Thị trường xuất khẩu ấm dần, doanh nghiệp dệt may kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận 2 - 3 chữ số
Ảnh minh họa |
Gần kín đơn hàng đến giữa năm 2024
Là một trong những doanh nghiệp dệt may đầu ngành, Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã TCM) đặt kế hoạch đạt doanh thu thuần 3.707 tỷ đồng trong năm 2024, tăng 12% so với năm 2023, lợi nhuận sau thuế dự kiến 161 tỷ đồng, tăng 21% so với thực hiện năm ngoái.
Trước đó, trong năm 2023, giữa bối cảnh cầu tiêu thụ yếu, đơn hàng sụt giảm, cả doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Dệt may Thành Công đều sụt giảm mạnh, lần lượt đạt 3.325 tỷ đồng (giảm 23,3% so với cùng kỳ) và 134 tỷ đồng (giảm 52,4%).
Sang năm 2024, Dệt may Thành Công cho biết, tình hình đã có sự cải thiện. Đến tháng 2 công ty đã nhận vượt kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý I/2024 và đã nhận khoảng 80% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý II/2024. Với dự báo tình hình xuất khẩu dệt may Việt Nam năm 2024 và theo tình hình tiếp nhận đơn hàng hiện tại của công ty, Dệt may Thành Công hy vọng năm 2024 tình hình đơn hàng xuất khẩu sẽ khả quan hơn so với năm 2023.
Tương tự, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG (mã TNG) cũng công bố 2 tháng đầu năm 2024, doanh thu tăng gần 13% lên 871 tỷ đồng. Công ty cũng đã ký được các đơn hàng may xuất khẩu đến hết nửa đầu 2024 nhờ nhiều đối tác lớn đã bán hết hàng tồn kho và hãng Decathlon đang tăng cường đặt hàng nhằm phục vụ Olympic diễn ra trong tháng 6/2024 tại Pháp.
Do đó, trong năm 2024, TNG dự kiến nâng tổng công suất thêm 15% với việc triển khai thêm 45 chuyền may và tuyển thêm 3.000 công nhân, bắt đầu từ tháng 3/2024. Năm 2024, TNG kỳ vọng ghi nhận nguồn đơn tăng thêm từ những đối tác mới. Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ở mức 13% so với mức doanh thu 7.096 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 226 tỷ đồng của năm 2023.
Trong một báo cáo gần đây, Chứng khoán BIDV (BSC) dự báo năm 2024 TNG có thể đạt doanh thu 8.061 tỷ đồng và lãi sau thuế 328 tỷ đồng, tăng lần lượt 14% và 45% so với năm trước.
Với kế hoạch tham vọng hơn, Công ty CP Sợi Thế Kỷ (mã STK) đặt chỉ tiêu đạt doanh thu năm 2024 là hơn 2.703 tỷ đồng, cao hơn 90% so với năm 2023. Đặc biệt, sau khi chạm đáy lợi nhuận vào năm ngoái, năm nay, Sợi Thế Kỷ kỳ vọng lợi nhuận sau thuế có thể đạt hơn 300 tỷ đồng, tăng 242% so với con số thực hiện năm ngoái. Đây sẽ là con số doanh thu và lợi nhuận kỷ lục nếu doanh nghiệp đạt được.
Năm ngoái, Sợi Thế Kỷ trải qua mùa kinh doanh kém khả quan do xu hướng đi xuống của ngành dệt may. Công ty ghi nhận doanh thu thuần 1.425 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 88 tỷ đồng, giảm lần lượt 66% và 64% so với năm 2022 và là mức thấp nhất trong vòng 7 năm qua.
Dù Sợi Thế kỷ chưa công bố kế hoạch cụ thể để thực hiện được mục tiêu trên, song trong báo cáo mới đây, SSI Research cho rằng, chỉ ra sợi tái chế sẽ là động lực tăng trưởng chính của Sợi Thế Kỷ và nhà máy Unitex mới bắt đầu đi vào hoạt động vào năm 2024 giúp thúc đẩy tăng trưởng doanh thu của công ty trong dài hạn.
Nhà máy sợi Unitex có công suất quy mô 60.000 tấn sợi/năm (giai đoạn 1 có quy mô 34.000 tấn/năm; giai đoạn 2 có quy mô 24.000 tấn/năm). Khi đi vào hoạt động, nhà máy Unitex có thể nâng công suất lên gấp đôi các nhà máy hiện hữu (Củ Chi và Trảng Bàng).
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, lãnh đạo Sợi Thế Kỷ cho biết, nhà máy Unitex giai đoạn 1 có thể đạt tỷ lệ khai thác là 80% công suất thiết kế và đáp ứng nhu cầu đơn hàng thu đông năm 2024. Giai đoạn 2 dự kiến sẽ triển khai vào năm 2026 và đi vào hoạt động năm 2027.
Ngược lại, cùng trong nhóm doanh nghiệp sợi nhưng Công ty CP Damsan (mã ADS) lại dè dặt hơn trong việc đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2024 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt hơn 19 tỷ đồng, giảm tới 79% so với thực hiện của năm ngoái, dù doanh thu kỳ vọng tăng gần 47% lên 2.408 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính có thể do công ty dự kiến giá vốn bán hàng cùng các khoản chi phí khác đều cao hơn năm ngoái. Cụ thể, giá vốn bán hàng hơn 2.234 tỷ đồng, doanh thu tài chính dự kiến 25 tỷ đồng, chi phí tài chính 40 tỷ đồng, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp dự kiến lần lượt là 24,5 tỷ đồng và hơn 19 tỷ đồng.
Trong năm 2023, công ty ghi nhận doanh thu hơn 1.642 tỷ đồng, giảm nhẹ hơn 1% so với thực hiện năm 2022 và lợi nhuận sau thuế gần 77 tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận toàn ngành phục hồi nhưng khó quay lại mức năm 2022
Có thể thấy, sau năm 2023 phải đối diện với nhiều thách thức khiến sức mua giảm, đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, nhưng mức sụt giảm dần thu hẹp vào những tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp dệt may đang đặt kỳ vọng vào sự phục hồi của thị trường trong năm 2024.
Thực tế, số liệu từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, thị trường xuất khẩu của ngành dệt may đã “ấm dần” sau hai tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may theo đó đã tăng 15% so với hai tháng đầu năm ngoái, đạt 5,2 tỷ USD, xếp thứ 4 trong nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất cả nước.
Trước đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cũng dự báo xuất khẩu dệt may năm 2024 của Việt Nam có thể đạt khoảng 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với 2023. Tuy nhiên, SSI Research cho rằng, dự báo của Vitas khá lạc quan, bởi năm 2023 Vitas từng dự báo giá trị xuất khẩu đạt từ 45-47 tỷ USD (tăng 7%-11% so với năm 2022) nhưng thực tế chỉ đạt 40,3 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2022.
Theo SSI Research, trong quý IV/2023, giá bán trung bình và sản lượng tiêu thụ đều cải thiện so với quý trước nhưng vẫn hồi phục ở mức thấp và mức tồn kho của doanh nghiệp Mỹ vẫn ở mức cao, mặc dù đây là mùa cao điểm. Sang quý I/2024, giá bán trung bình (giảm khoảng 20%-30% so với cùng kỳ) và lượng đơn đặt hàng đều ở mức thấp. Tăng trưởng vải nhập khẩu vẫn yếu trong quý IV/2023 dù đã có mức nền so sánh thấp trong quý IV/2022, điều này cho thấy nhu cầu xuất khẩu hàng may mặc trong quý I/2024 vẫn chưa có nhiều khởi sắc.
Đồng thời, nhu cầu suy yếu đối với hàng may mặc dẫn đến nhu cầu cho nguyên liệu đầu vào giảm, như sợi bông và sợi polyester. Mặc dù vậy, chi phí sợi/vải trung bình giảm sẽ bù đắp một phần cho giá bán trung bình giảm. SSI Research nhận định các doanh nghiệp gia công trong nước có ít khả năng đàm phán với các nhà bán lẻ thời trang (đặc biệt trong thời kỳ nhu cầu yếu). Do đó, biên lợi nhuận gộp của các công ty dệt may đã giảm từ mức 15%-18% trong năm 2022 xuống mức 11%-14% trong năm 2023 và có thể sẽ dần cải thiện lên mức 14%-15% trong năm 2024 trong bối cảnh nhu cầu phục hồi chậm xuyên suốt cả năm.
Ngoài ra, SSI Research cho rằng kỳ vọng phục hồi chuyển từ nửa cuối năm 2023 sang nửa cuối năm 2024, tuy nhiên lợi nhuận vẫn suy yếu. Quá trình phục hồi này sẽ diễn ra chậm hơn dự kiến do chi tiêu không thiết yếu thường có thời gian phục hồi kéo dài. Do lợi nhuận của hầu hết các doanh nghiệp dệt may trong năm 2023 đã giảm 40%-50% so với năm trước, SSI Research dự báo mức tăng trưởng lợi nhuận cho năm 2024 sẽ vào khoảng 20%-30% (cao hơn so với thị trường chung). Lợi nhuận sẽ dần phục hồi trong suốt cả năm 2024, nhưng khó có thể quay trở lại mức năm 2022.