Thị trường sẽ bứt phá hay chờ qua tuần đáo hạn phái sinh tháng 10/2024?
Thị trường chứng khoán đã vượt khó trong tuần vừa qua bất chấp có nhiều phiên giao dịch "đánh võng" khiến nhà đầu tư đi qua nhiều trạng thái cảm xúc.
Thị trường chưa xác định rõ xu hướng
Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, thị trường vẫn chưa xác định rõ xu hướng trong tuần vừa qua, các nhóm cổ phiếu giao dịch phân hóa.
Xu hướng của thị trường vẫn chưa thực sự rõ ràng. |
Ông Nguyễn Thế Minh Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam |
Tuy nhiên, ông Minh ghi nhận điểm sáng là dòng tiền vẫn tập trung ở nhóm VN30 và Tài chính.
Ngoài ra, cũng có một số dấu hiệu nhen nhóm tích cực ở Midcap, Small và Bất động sản nhưng nhà đầu tư cần phải chờ một vài phiên nữa để xác nhận thêm xu hướng.
Còn ông Đoàn Minh Tuấn - Trưởng phòng nghiên cứu và đầu tư FIDT, lưu ý trong 2 phiên đầu tuần trước, chỉ số VN-Index đã hoàn thành nhịp điều chỉnh cần thiết tại khu vực 1.265 - 1.270. Sau đó nhanh chóng phục hồi, nhờ vào dòng tiền bắt đáy cao hơn kỳ vọng
Cần lưu ý là dòng tiền tương đối rụt rè với khối lượng giao dịch thấp hơn tại các thời điểm chỉ số VN-Index chạm ngưỡng 1.300 điểm. Vì vậy, ông Tuấn cho rằng, chỉ số cần tạo nền giá vững vàng tại vùng 1.280 - 1.300 để tích lũy và chờ cơ hội vượt đỉnh.
Mùa công bố kết quả kinh doanh đang tới gần
Hành động của nhà đầu tư còn chịu sự chi phối từ kết quả kinh doanh quý III/2024 sắp được công bố. Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường Khối Phân tích của CTCK VNDirect cho biết mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2024 chuẩn bị bắt đầu sẽ phần nào trả lời cho nhà đầu tư về những lo ngại gần đây xung quanh ảnh hưởng của siêu bão Yagi đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Đinh Quang Hinh Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường Khối Phân tích của CTCK VNDirect |
VNDIRECT kỳ vọng bức tranh lợi nhuận toàn thị trường quý III sẽ duy trì tích cực, được thúc đẩy bởi đà tăng trưởng của nền kinh tế trong quý vừa qua và mức nền so sánh thấp của cùng kỳ năm ngoái. Nếu bức tranh lợi nhuận của thị trường tích cực như kỳ vọng sẽ là cú hích tinh thần mạnh mẽ cho nhà đầu tư và xu hướng thị trường chứng khoán trong giai đoạn từ nay tới cuối năm 2024.
Cũng dự báo về ảnh hưởng của mùa công bố quý III/2024, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết định giá của hầu hết các nhóm ngành đều có thể sẽ rẻ đi sau khi công bố.
"Nguyên nhân đến từ lợi nhuận chung duy trì sự tăng trưởng. Điểm khác biệt là các nhóm như Tài chính, Chứng khoán khó tăng trưởng vượt trội so với kỳ quý III/2023 trong khi các nhóm ngành như Bán lẻ, Sản xuất có thể sẽ cải thiện mạnh mẽ do nền lợi nhuận cùng kỳ năm ngoái ở mức thấp. Nhìn chung, thị trường không hề có vấn đề về định giá trong một xu hướng kinh tế hồi phục." ông Minh phân tích thêm.
Định giá thị trường chứng khoán Việt Nam (Nguồn Fiintrade). |
Trong khi đó, ông Đoàn Minh Tuấn - Trưởng phòng nghiên cứu và đầu tư FIDT lại chỉ ra một số nhóm ngành đang thu hút được dòng tiền trước thềm báo cáo tài chính quý III/2023. Cụ thể, ngành Ngân hàng, Thép, Bán lẻ thiết yếu và Chăn nuôi đang thu hút dòng tiền rất tốt nhờ vào kỳ vọng kết quả tăng trưởng cao. Còn Bất động sản, Chứng khoán, Bán lẻ không thiết yếu… lại chịu sức ép điều chỉnh khi dự kiến tăng trưởng đi lùi, thậm chí tăng trưởng âm.
Thị trường còn tiếp tục tích lũy thêm
Ông Đoàn Minh Tuấn Trưởng phòng nghiên cứu và đầu tư FIDT |
Ông Tuấn đưa ra kịch bản cơ sở có thể là chỉ số VN-Index tích lũy thành công hỗ trợ 1.270 điểm, tiếp tục dao động vùng 1.280 - 1.300 điểm trong giai đoạn công bố kết quả kinh doanh quý III/2024. Dòng tiền dự kiến phân hóa mạnh với tỷ trọng cổ phiếu hợp lý: 70 - 80%.
Tương tự ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng thị trường có thể lình xình dưới 1.295 điểm trong tuần tới. Nếu chỉ số VN-Index vượt qua được 1.295 thì bức tranh thị trường sẽ rõ ràng hơn và không còn sự phân hóa như tuần vừa qua.
Nhà đầu tư cần linh hoạt vị thế trong ngắn hạn, có thể tập trung vào nhóm Bluechips trước khi phân bổ dần sang các nhóm cổ phiếu Midcap và Penny.
Trước mắt, để chinh phục mốc 1.300 điểm, vẫn cần đến nỗ lực của các cổ phiếu lớn, nhóm Ngân hàng bởi khi xu hướng chưa rõ ràng, nhà đầu tư thường chỉ tìm kiếm các cơ hội an toàn ở nhóm vốn hóa lớn.
Quan điểm của ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường Khối Phân tích của CTCK VNDirect cũng tương tự khi đánh giá khả năng cao chỉ số VN-Index có thể tiếp tục dao động trong biên độ hẹp tại 1.260-1.300 điểm. Do đó, nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục đầu ở mức hợp lý, có thể cân nhắc hạ tỷ trọng cổ phiếu khi chỉ số VN-Index tiệm cận vùng cận trên quanh 1.300 điểm.
"Ngược lại, nhà đầu tư có thể mua vào, gia tăng tỷ trọng cổ phiếu nếu chỉ số lùi về hỗ trợ quanh 1.260 điểm, ưu tiên những nhóm ngành có triển vọng kinh doanh cải thiện trong 2 quý cuối năm, bao gồm Ngân hàng, Bất động sản nhà ở và nhóm Xuất nhập khẩu (dệt may, thủy sản, đồ gỗ).", ông Hinh cho biết thêm.