Thị trường hồi phục, VCB có phiên tăng tốt thứ 8 của năm 2024
Định vị thị trường
Số liệu tăng trưởng kinh tế Mỹ thấp hơn kỳ vọng, đạt 2,8% trong quý III/2024 có thể giúp củng cố niềm tin nhà đầu tư vào việc FED tiếp tục hạ lãi suất giai đoạn cuối năm. Tuy nhiên, điều này cũng chưa được chuyển hóa vào vận động của các thị trường chứng khoán thế giới.
Tại khu vực châu Á, hầu hết các chỉ số đều giảm điểm nhẹ ngoại trừ thị trường Trung Quốc. Cụ thể, KOSPI (-1,45%), TWSE (-0,46%), NIKKEI 225 (-0,5%), STI (-0,88%) cùng đóng cửa trong sắc đỏ.
Phần nào đó, những diễn từ châu Á cũng đã tác động vào VN-Index trong phiên sáng nay. Nếu như không có những động thái khuấy động tâm lý từ các cổ phiếu Ngân hàng, chỉ số có thể đã tiếp tục làm tâm lý nhà đầu tư thêm uể oải.
Chất xúc tác
Theo thống kê mới nhất từ Fiintrade, tổng lợi nhuận sau thuế quý III/2024 của 911 doanh nghiệp tăng 16,1% so với cùng kỳ 2023, nhưng giảm -3,1% so với quý trước liền kề do kết quả kém tích cực từ nhóm Tài chính (Ngân hàng, Chứng khoán, Bảo hiểm).
Tuy nhiên, một số ngân hàng quốc doanh cũng đang song hành câu chuyện tăng vốn với kỳ vọng được phát hành từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Nhờ đó, thị trường đã bớt đi sự ảm đạm dù thực tế khớp lệnh của HOSET tiếp tục giảm 1,3% so với phiên hôm qua xuống 469 triệu đơn vị.
Khối ngoại bán thỏa thuận MSN hơn 1.300 tỷ đồng. |
Nhóm nhà đầu tư nước ngoài lại xuất hiện các giao dịch thỏa thuận đột biến, tập trung ở cổ phiếu MSN. Theo thống kê, MSN đã bị bán ròng tới 1.333 tỷ đồng, kế đến là các mã VHM (-205 tỷ đồng), STB (-71,13 tỷ đồng), HDB (-61,8 tỷ đồng). Tỷ trọng của khối ngoại trong giao dịch 2 chiều toàn thị trường lên tới 37,5%.
Hiện tỷ giá USD vẫn đang hạ nhiệt khá chậm, giá bán trên thị trường tự do đang ở mức 25.760 VND/USD trong khi các ngân hàng chào bán ở mức 25.455 VND/USD.
Trong ngày hôm qua, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng 8.399,91 tỷ đồng ra thị trường qua kênh thị trường mở. Trạng thái hiện có 35.014,48 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố và 71.350 tỷ đồng tín phiếu lưu hành.
Vận động thị trường
Những chuyển động của dòng tiền lớn ở MSN khiến cổ phiếu liên tục phải hạ độ cao từ vùng đỉnh của năm. Trong cả phiên giao dịch, MSN (-1,9%) đã giao dịch trong sắc đỏ và góp phần khiến thị trường gặp khó trong phiên sáng.
Tuy nhiên, sang đến phiên chiều, các cổ phiếu Ngân hàng đã cùng nhau khuấy động thị trường. Nổi bật nhất là VCB (+2,1%), CTG (+2,7%), LPB (+1,2%), ACB (+1,2%), STB (+1,1%) trong đó VCB và CTG cùng được kỳ vọng có thể sớm triển khai tăng vốn điều lệ thông qua phát hành từ nguồn vốn chủ sở hữu. Vận động giá của VCB thậm chí đã có lúc ghi nhận mức tăng 3,6% lên 95.000 đồng/cổ phiếu.
Dù vậy, thành tích tăng giá khi chốt phiên của VCB vẫn là điều khá hiếm xảy ra. Trong tổng số 207 phiên giao dịch đã qua của thị trường trong năm 2024, VCB mới có 8 phiên giao dịch với biên độ tăng hơn 2%.
Thị trường đã bớt đi sự ảm đạm nhưng hầu hết các cổ phiếu vẫn chủ yếu dao động trong biên độ hẹp, ngoại trừ các mã HVN (+4,03%), FRT (+1,52%), PVT (+2,18%).
Chốt phiên, chỉ số VN-Index đã tăng 5,85 điểm lên 1.264,48 điểm (+0,46%). Thanh khoản toàn sàn đạt 614,27 triệu đơn vị, tương đương 18.053 tỷ đồng.
2 chỉ số còn lại đều không quá nổi trội với lượng thanh khoản khá yếu. HNX-Index tăng 0,22% còn UPCoM-Index giảm 0,09%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn chỉ đạt hơn 1.200 tỷ đồng.