Thêm nhiều kênh quốc tế đa phương để nhân dân Việt Nam cất tiếng
Diễn đàn Chính trị cấp cao về Phát triển bền vững tại Liên Hợp Quốc (HLPF) theo hình thức trực tuyến. |
Diễn đàn có sự tham gia của 154 đại biểu đến từ các Nghị viện thành viên IPU và các chuyên gia, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam.
Chủ đề của Diễn đàn Nghị viện bên cạnh HLPF năm 2021 là Thông điệp từ đại dịch: Đưa “Chính phủ” trở lại sẽ tập trung vào “bức tranh rộng lớn”. Trong đó có vai trò của Chính phủ trong tình hình hiện nay, hành động của Chính phủ vì các mục tiêu SDGs. Theo đó, Diễn đàn thảo luận những góc nhìn khác về vai trò của chính sách công, khu vực công trong quản lý điều hành nền kinh tế và đáp ứng với những nhu cầu của người dân.
Lần đầu tham gia HLPF, Ban Đa phương (VUFO) đã tìm hiểu cách thức tổ chức, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan của Liên hợp quốc với các bên liên quan, trong đó có các tổ chức phi chính phủ trong quá trình xây dựng, thúc đẩy Chương trình Nghị sự 2030. Hoạt động này giúp Ban Đa phương bước đầu tiếp cận, tham gia kênh thông tin của nhóm các tổ chức phi chính phủ để kết nối mạng lưới đối tác, tạo điều kiện để ta tham gia sâu hơn với các cơ chế của Liên hợp quốc trong những năm tiếp theo.
Năm 2021, Ban Đa phương tiếp tục tham gia tích cực, khẳng định được vai trò nòng cốt của Việt Nam tại các diễn đàn hợp tác nhân dân đa phương quan trọng của khu vực và thế giới như: Diễn đàn Nhân dân Á-Âu (AEPF 13), Hội nghị Quốc tế chống Bom Nguyên tử và Khinh khí, Hội nghị của Hội đồng Hòa bình Thế giới (WPC)… Bên cạnh đó, Ban Đa phương cũng không ngừng mở rộng tham gia vào các cơ chế, diễn đàn mới, đặc biệt trong khuôn khổ Liên hợp quốc và tiểu vùng Mê Công; các cơ chế trong khuôn khổ Liên hợp quốc như: Diễn đàn Chính trị Cấp cao về phát triển bền vững (HLPF 2021), các hoạt động trong khuôn khổ và bên lề Tuần lễ Cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc (UNGA 76). Ngoài ra, Ban Đa phương cũng tham gia tích cực vào một số cơ chế, diễn đàn đa phương mới như: Quốc tế Tiến bộ (PI), Mạng lưới Hòa bình và Hành tinh (PPN), Văn phòng Hòa bình Quốc tế (IPB).
Năm 2021, trong bối cảnh khó khăn chung do những tác động của dịch COVID-19, Ban Đa phương đã tham mưu cho Lãnh đạo VUFO và các tổ chức thành viên chuyển đối mạnh mẽ hình thức hoạt động, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Thông qua việc tham gia các diễn đàn đó, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã góp phần tích cực thúc đẩy và bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc trên nhiều vấn đề như: chủ quyền biển đảo, an ninh nguồn nước sông Mê Công, chất độc da cam, dân chủ nhân quyền, chống phổ biến vũ khí hạt nhân... Những vấn đề này luôn được khẳng định, nêu đậm nét trong các hoạt động cũng như trong Tuyên bố cuối cùng của các diễn đàn nhân dân đa phương mà phái đoàn Việt Nam tham gia. Bên cạnh đó, chúng ta cũng thể hiện trách nhiệm với phong trào nhân dân thế giới thông qua những ý kiến giá trị và hành động thiết thực được bạn bè quốc tế đánh giá cao, đóng góp tích cực vào nỗ lực chung của nhân dân thế giới trong cuộc chiến chống vũ khí hạt nhân, giúp đỡ nạn nhân chiến tranh, bảo vệ môi trường, bảo đảm sinh kế cho người dân và trợ giúp những người dễ bị tổn thương trong xã hội... Cùng với đó, việc phái đoàn Việt Nam tham gia các diễn đàn nhân dân đã góp phần nâng cao hình ảnh Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. đồng thời giúp chúng ta mở rộng đối tác, tạo dựng mạng lưới quan hệ nhân dân khu vực và quốc tế đa tầng, làm cơ sở cho việc phát triển quan hệ hợp tác nhân dân trong tương lai.