Thế giới năm 2016: Ôi thật bất ngờ!
1. Ô nhiễm môi trường
Ô nhiễm môi trường là vấn đề đã tồn tại từ rất nhiều năm nay nhưng chưa bao giờ được đặc biệt chú trọng như năm 2016. Hàng loạt các vụ thiên tai, hạn hán, lũ lụt xảy ra trong năm vừa qua đã khiến nhiều quốc gia buộc phải quan tâm hơn đến vấn đề này. Theo các nhà khoa học, năm 2016 có thể phá kỷ lục trở thành năm nóng nhất trong lịch sử thế giới.
Trước tình hình đó, thỏa thuận Paris mới được ký kết là hiệp định khí hậu đầu tiên được sự nhất trí của nhiều quốc gia. Thêm vào đó, hàng loạt các dự án đầu tư cho môi trường, năng lượng sạch cũng được thúc đẩy trước sự ô nhiễm và hủy hoại của môi trường.
Tình trạng hạn hán và ngập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long trong năm vừa qua có nguyên nhân sâu xa từ biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường
2. Khủng bố
Năm vừa qua là một năm tồi tệ với Châu Âu cũng như toàn thế giới khi hàng loạt vụ khủng bố, đánh bom, xả súng diễn ra khắp mọi nơi. Khởi đầu là vụ đánh bom ở Bỉ khiến 35 người chết làm rúng động Châu Âu, tiếp đó là các vụ tấn công bằng súng, dao và thậm chí là đâm xe tải ở Pháp khiến cả thế giới bàng hoàng.
Những vụ việc trên khiến người dân Châu Âu ngày càng bất mãn với những người di cư khi họ cho rằng các phần tử khủng bố đã trà trộn vào dòng người này để có thể thâm nhập vào đây.
Những vụ khủng bố đẫm máu tại Châu Âu đã làm cả thế giới phải bàng hoàng
3. Brexit và Chủ nghĩa dân túy
Quá chán nản với tình trạng kinh tế ảm đạm cũng như công ăn việc làm bị mất, trong khi ngày càng có nhiều người nhập cư đổ về những “thiên đường” kinh tế như Châu Âu, người dân nhiều nước bắt đầu bất mãn với quá trình toàn cầu hóa và ngả về phía chủ nghĩa dân túy.
Tiêu biểu và mở đầu cho sự bùng nổ của xu thế này là việc cử tri Anh bỏ phiếu rời Liên minh Châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit, qua đó khiến Thủ tướng Anh David Cameron phải từ chức. Động thái này đã gây bất ngờ cho toàn EU cũng như thế giới, kéo theo đó là sự thúc đẩy cho hàng loạt các đảng dân túy phát triển ở khu vực này.
Mới đây nhất, chủ nghĩa dân túy tại Italy đã chiến thắng khi chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý cải tổ hiến Pháp, qua đó buộc Thủ tướng Matteo Renzi phải từ chức.
4. Bầu cử Mỹ và Tổng thống mới đắc cử Donald Trump
Chủ nghĩa dân túy không chỉ dừng lại ở Châu Âu mà còn lan sang cả bên kia bờ Đại Tây Dương. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 diễn ra theo một cách kỳ lạ chưa từng thấy với chiến thắng thuộc về ứng cử viên Donald Trump, người có quan điểm cứng rắn bảo vệ lợi ích của người dân Mỹ.
Cuộc bầu cử năm nay được coi là gây tranh cãi nhất trong giới truyền thông khi một ứng cử viên chưa có kinh nghiệm chính trị như ông Trump ứng cử. Trước cuộc bầu cử, hầu hết tất cả mọi chuyên gia và báo chí đều nghiên về ứng cử viên Hillary Clinton, nhưng kết quả cuối cùng lại cho thấy điều ngược lại.
Chiến thắng của tỷ phú Trump đã khiến toàn giới chính trị Mỹ bất ngờ khi phong cách làm việc của ông khác hoàn toàn với những nhà lãnh đạo trước đó. Quan điểm của ông Trump về thương mại, nhập cư cũng khiến nhiều nước trên thế giới lo ngại, nhất là khi ông chủ Nhà Trắng này tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như đe dọa đánh thuế hàng Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump
5. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)
Hiệp định TPP là một thỏa thuận thương mại tự do được ký kết ngày 4/2/2016 giữa 12 thành viên sau 5 năm đàm phán, bao gồm Việt Nam, Nhật Bản, Mỹ... Thỏa thuận này là một bước tiến lớn cho thương mại quốc tế khi giảm hàng rào thuế quan cho nhiều loại hàng hóa cũng như thúc đẩy tiến trình cải cách ở nhiều nền kinh tế.
Tuy vậy, hiệp định TPP đang gặp trở ngại ở Mỹ khi Tổng thống mới đắc cử Donald Trump phản đối thỏa thuận này và tuyên bố sẽ rút khỏi hiệp định ngay khi lên nắm quyền.
6. Hồ sơ Panama
Vào tháng 4/2016, một nhóm nghiên cứu độc lập sử dụng cơ sở dữ liệu nội bộ của công ty luật Mossack Fonseca tại Panama đã công bố kết quả điều tra về dịch vụ cung cấp tài sản ở nước ngoài. Mặc dù hợp pháp nhưng hành động này luôn bị cho là nhằm rửa tiền, trốn thuế. Bởi vậy, khoảng 140 chính trị gia, hàng chục tỷ phú và nhiều nhân vật nổi tiếng trên thế giới đã trở thành tầm ngắm cho giới truyền thông, bao gồm Thủ tướng Anh David Cameron, ngôi sao bóng đá Lionel Messi...
7. Chiến dịch chống ma túy ở Philippines
Kể từ khi lên cầm quyền vào cuối tháng 6/2016, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã thực hiện một chiến chống ma túy chưa từng có trong lịch sử nước này khi cho phép cảnh sát thanh trừng những người buôn bán chất cấm mà không thông qua xét xử.
Tính đến tháng 12/2016, đã có khoảng 5.000 người thiệt mạng từ các vụ thanh trừng, trong đó có 2.000 người là do phía cảnh sát thực hiện và số còn lại là do các băng nhóm tự giết lẫn nhau.
Động thái trên của chính quyền Tổng thống Duterte đã làm giấy lên làn sóng tranh cãi trong nước cũng như quốc tế. Trong khi nhiều người ủng hộ chính sách mạnh tay này của tổng thống thì nhiều tổ chức xã hội lại cho rằng chúng vi phạm nhân quyền.
Những hình ảnh đẫm máu của chiến dịch chống ma túy tại Philippines đã khiến cả thế giới phải ngạc nhiên
8. Vụ bê bối chính trị ở Hàn Quốc
Năm 2016 là một năm không may với Hàn Quốc khi hàng loạt các tập đoàn lớn của nước này như Lotte hay Samsung dính bê bối. Tuy nhiên, vụ scandal lớn nhất phải kể đến việc Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye bị Nghị viện thông qua kiến nghị luận tội, qua đó đình chỉ chức vụ của bà cho đến khi Tòa án Hiến pháp xem xét kết quả điều tra.
Mọi chuyện bắt đầu từ người bạn thân Choi Soon Sil của Tổng thống Park, người bị cáo buộc can thiệp vào công việc của tổng thống, lạm quyền và lợi dụng quan hệ đê gây sức ép quyên góp hàng triệu USD từ các tập đoàn.
Ngay sau khi thông tin bị bại lộ, hàng trăm nghìn người đã xuống đường biểu tình trong khi các chính trị gia đối lập gia tăng sức ép đề nghị tổng thống từ chức. Chính trường Hàn Quốc rung chuyên trong khi các công ty cũng bị điều tra liên đới. Đây là một thông tin tiêu cực khi kinh tế Hàn Quốc trong năm vừa qua không có nhiều khởi sắc.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye
9. Lãnh tụ Fidel Castro qua đời
Ngày 25/11/2016, lãnh tụ Fidel Castro qua đời đã khiến cả thế giới bàng hoàng và tiếc thương. Người dân Cuba cũng như nhiều quốc gia khác đã bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn với nhà lãnh đạo kiệt xuất đã giải phóng đất nước khỏi chế độ độc tài.
Lãnh tụ Fidel Castro
10. OPEC cắt giảm sản lượng
Giá dầu là một yếu tố tác động rất lớn đến kinh tế toàn cầu trong những năm vừa qua và khiến hàng loạt những nước xuất khẩu dầu lớn như Venezuela, Nigeria, Ả Rập Xê Út chịu ảnh hưởng. Trước tình hình ngày càng tồi tệ hơn khi nhu cầu dầu mỏ đi xuống còn nguồn cung lại thừa, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và những quốc gia khai thác chính như Nga đã thống nhất cắt giảm sản lượng nhằm nâng giá dầu.
Băng Tâm