Thế giới đảo ngược trong mắt em bé tự kỷ
Lấy tâm trạng của Tiểu Lộ, một em bé mắc bệnh tự kỷ để làm chủ đề bài viết, nữ nhà văn Zhou Jia-Chuan tại Giang Tây (Trung Quốc) đã giúp cộng đồng hiểu rõ hơn cuộc sống của những đứa trẻ tự kỷ.
Tớ là một đứa trẻ tự kỷ. Các bạn tạm gọi tớ là Tiểu Lộ nhé vì mọi người cũng hay gọi tớ như thế. Ngay từ đầu tớ thậm chí không biết đây là tên của tớ mặc dù có rất nhiều người đã nhắc lại bên tai tớ rất nhiều lần cái tên này. Nhưng tớ luôn cảm thấy đây là một từ vô nghĩa.
Tớ rất khó tiếp thu một từ đặc biệt nào đó vì tớ hay quên ý nghĩa mà nó biểu thị. Đã có một thời gian dài tớ không hề biết ý nghĩa của từ “mẹ” và “bố”. Trong trí nhớ của tớ những từ đó chỉ như những mảnh vỡ bỗng chốc vụt qua. Tớ cũng không rõ tại sao người thân lại tồn tại. Họ cũng tồn tại giống như ghế sô pha hay tivi sao? Các bạn không thể tưởng tượng được tớ phân biệt được “mẹ” là ai, “bố” là ai mất bao lâu đâu. Nói một cách đơn giản, người bình thường học một từ chỉ mất vài phút còn tớ cần một thời gian dài lặp đi lặp lại, không ngừng được nhắc nhở mới nhớ được.
Tớ không thể nói chuyện bình thường cho đến khi tớ sáu tuổi. Trước mặt người lạ tớ sẽ không nói gì hết. Nhưng điều này hoàn toàn không phải là “người câm” như định kiến của nhiều người đâu. Tớ biết nói mà. Ví dụ tớ hay lặp đi lặp lại những từ như “ăn”, “rất tốt”. Tớ biết mô phỏng những từ đơn giản mà người khác nói. Không phải là vì tớ không thích nói chuyện mà vì tớ không thể nói được. Tớ cố gắng nói chuyện với người khác và biểu đạt cảm xúc nhưng mỗi lúc như vậy não tớ lại trống rỗng, tớ mất đi khả năng liệt kê sắp xếp các từ. Những từ tớ nói ra không còn logic nữa, hoàn toàn khác với ý nghĩa tớ muốn biểu đạt.
Có lúc tớ sẽ thét loạn lên. Nhưng điều đó hoàn toàn không phải là “kẻ ngốc” giống như một vài người nói đâu. Mỗi lần nhận phải ánh mắt thất vọng từ thế giới bên ngoài tớ cảm thấy vô cùng khó chịu. Trong mắt họ, tớ sẽ phát ra những âm thanh và làm những hành động kỳ lạ. Điều này tớ không khống chế được. Tớ không có ý định làm vậy mà chỉ là từ đầu tớ không kiềm chế được điều đó. Tớ muốn dừng lại nhưng cảm giác này có lẽ khó chịu giống như bắt người đang đói phải dừng việc ăn lại.
Ảnh minh họa
Tớ thường làm một việc mà người nhà cấm tớ làm. Trong nhà có một chiếc hộp. Trong hộp có rất nhiều đĩa CD, những bài hát hay mà tớ nghe đều đến từ những chiếc đĩa đó. Tớ không thể ngăn bản thân phá hoại những thứ đẹp đẽ này được. Tớ sẽ vứt chúng xuống đất và không ngừng cọ chúng vào nhau. Thậm chí tớ còn ngâm chúng rất lâu trong nước rồi cầm và đập xuống.
Tớ không thích làm như vậy đâu, chỉ là tớ thích những tia sáng phát ra từ những cái đĩa CD thôi. Mặc dù người lớn đã cấm tớ rất nhiều lần, tớ cũng biết hành vi này là không đúng nhưng sâu trong trí nhớ tớ loại hành vi này sẽ xuất hiện mà không có lý do. Nếu như tớ không làm điều đó tớ sẽ cảm thấy phát điên. Cũng còn một vài động tác tớ thường hay lặp đi lặp lại. Tớ cảm thấy có lẽ bản thân giống như một con rối bị thao túng vậy, không còn ý thức tự chủ nữa.
Tớ từng hay ra khỏi nhà nhiều lần khi không có ai quản. Không hề có mục tiêu hay kế hoạch nào, chỉ là tớ bị hấp dẫn bởi một thứ gì đó hoặc bỗng nhiên tớ nhớ ra điều gì. Lúc đó tớ bắt đầu mất kiểm soát và chạy không ngừng. Hành vi này thường khiến người lớn phải lo lắng. Ai mà biết được một ngày nào đó tớ sẽ gặp nguy hiểm hay không. Thế nên họ thường để mắt đến tớ cả ngày lẫn đêm. Thật ra tớ cũng không biết nguy hiểm là gì. Trừ khi có chuyện gì đó bất thường xảy ra, lúc ấy tớ mới biết được.
Mỗi khi đến nơi nào đó lạ, cơ quan cảm nhận của tớ sẽ phình to ra. Tiếng bước chân, tiếng nói chuyện, tiếng kim loại va vào nhau, bất kỳ âm thanh nhỏ nào cũng sẽ khiến tớ chú ý đến. Tớ sẽ cảm thấy khủng hoảng bất an, cảm thấy vô cùng nguy hiểm. Giống như khi có người đánh rơi một chiếc khăn, dây giày bung ra, lá cây đung đưa khi có gió thổi cùng các sự việc nhỏ bé khác cũng sẽ khiến tớ cảm thấy thế giới này đang rung lắc. Mỗi bước đi đều vô cùng khó chịu. Đừng dùng ánh mắt kỳ lạ nhìn tớ nhé. Hãy khoan dung với tớ. Tớ có thể cảm nhận được những biến đổi nhỏ bé, âm thanh to lên từ thế giới bên ngoài. Chỉ là tớ nhìn thấy nhiều thứ hơn các bạn thôi mà.
Ảnh minh họa
Có lần tớ không cẩn thận đánh rơi một cái bát đúng hôm tâm trạng của mẹ không tốt. Tớ sợ mẹ sẽ mắng nên đã vứt những mảnh vỡ vào thùng rác. Khi đang chơi, chị gái tớ phát hiện một vết thương trên tay tớ đang chảy máu, đó chính là vết thương khi tớ nhặt các mảnh vỡ. Có lẽ chị đã đoán ra nguyên nhân rồi. Dường như chị đang nói tớ ngốc, đau cũng không biết kêu lên. Đáng ra lúc đó tớ nên đối diện với tất cả như chưa có gì xảy ra. Tớ thờ ơ với bản thân khi bị thương hay nên kêu lên vì đau, vì lúc đó tớ không thể biểu hiện nỗi đau mặc dù khi đó cảm giác không tốt chút nào.
Đối với tớ tập trung lắng nghe người khác nói là một việc khó. Trao đổi ánh nhìn với người khác còn là việc khó hơn. Bố đã bảo tớ quay ra nhìn bố không chỉ một lần. Tớ đều cố tránh ánh mắt của bố. Không phải là tớ không muốn nhìn bố đâu mà do ánh mắt của tớ sẽ lướt đến những thứ khác trên sự vật. Có lúc tớ cũng cố gắng nghe xem bố đang nói gì. Do đó tờ dùng cảm quan để “nhìn” âm thanh của bố. Đúng vậy, không sai, vật tớ nhìn chính là vật mắt không thấy, tay không sờ được giống như không nhìn thấy cái gì vậy.
Tình cảm của tớ không được hoàn thiện nhanh giống người bình thường và cũng không phong phú như vậy. Nhưng với sự giúp đỡ của người nhà và những người bạn tốt ngoài kia, tớ cũng dần cảm nhận được một loạt sự chân tình. Trải nghiệm này thật là đẹp đẽ. Ban đầu thế giới của tớ là những sự vật cắt ghép đơn lẻ. Vì những đồ vật cố định mà tớ có thể suy đoán được dễ tạo cho tớ cảm giác an toàn. Cùng với sự chăm sóc tận tình của mọi người, thế giới của tớ đã bắt nhịp được với thế giới của họ. Tớ biết tớ phải dùng sự trưởng thành của mình để cảm ơn mọi người, thậm chí chỉ là việc học nói một câu đơn giản như “cảm ơn”.
An Hà
Nguồn Kuaibao