Tết gắn kết tình thân biên giới Việt-Lào
Huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam có đường biên giới Việt-Lào dài 31,323 km; gồm 11 mốc quốc giới và bốn cọc dấu. Vùng biên giới có 10 thôn thuộc hai xã La Dêê và Đắc Tôi, huyện Nam Giang và ba bản nước bạn Lào là: Đắc Tà Ọc Nọi, Đắc Tà Ọc Nhầy và Đắc Tà Vâng, huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông.
Người biên giới gói quà chia đôi
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, thời tiết ở vùng biên giới huyện Nam Giang mù sương, thỉnh thoảng những ngày mưa lạnh. Vượt hơn 40 km đường đồi dốc trong tiết trời sương mù lạnh cóng, anh Son Phet ở bản Đắc Tà Ọc Nhầy, huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông (Lào) cùng bốn người thân, bạn bè đến Cửa khẩu quốc tế Nam Giang làm thủ tục nhập cảnh. Cán bộ trạm biên phòng nhanh chóng thực hiện thủ tục nhập cảnh để anh Son Phet sớm gặp bà con, người quen ở xã Đắc Tôi, huyện Nam Giang.
Trong trang phục truyền thống Lào, anh Son Phet cùng bạn mang theo gùi lá dong tươi, đẳng sâm, gạo nếp, củi thông khô gửi tặng người thân ở Việt Nam. Đón khách bên bếp lửa nhà sàn, ché rượu cần những người thân, bạn bè hai bên biên giới Việt-Lào gặp nhau, cùng chia vui mừng năm mới. Bận rộn cùng người nhà gói bánh chưng tặng anh Son Phet, chị Brao Bốn cho biết: Mình làm bánh chưng ăn Tết và quà tặng anh em bên Lào sang chơi, ăn Tết cùng mình. Tết đến thì người thân, bạn bè các thôn ở bên Lào mà xã mình kết nghĩa qua đây cùng vui với dân Việt mình. Tình cảm anh em nhiều năm rồi.
Xã La Dêê, huyện Nam Giang có sáu thôn, với 450 hộ đồng bào Tà Riềng, Ca Tu, Ve; trong đó ba thôn Công Tơ Rơn, Hà Lôi và Đắk Pênh có 230 gia đình sống vùng giáp biên nước bạn Lào. Cách nhau khoảng 40 km, ngày Tết truyền thống hai nước Việt-Lào, người thân, bà con các thôn vùng biên giới đến thăm hỏi cùng nhau.
Ở xã Đắc Tôi có hơn 270 hộ, với 1.000 người sinh sống dọc biên giới Việt-Lào. 116 hộ thôn Đắc Tờ Ron, xã Đắc Tôi kết nghĩa với 65 hộ thôn Đắc Ọc Nhầy, huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông (Lào). Năm nào cũng vậy, Tết đến, bà con thôn Đắc Tờ Ron mời bà con thôn Đắc Ọc Nhầy sang đón Tết cổ truyền của người Việt, cùng nhau giao lưu văn hóa, ẩm thực… Tết Bun Pi Mây, nhân dân thôn Đắc Ọc Nhầy mời láng giềng biên giới sang giao lưu, trao đổi kinh nghiệm làm kinh tế, đời sống giữa hai thôn bản. Cùng đón Tết, thăm hỏi, chia sẻ nhau giữa nhân dân thôn bản biên giới Việt-Lào trở thành truyền thống ở vùng cao huyện Nam Giang.
Đồng chí A Lăng Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Đắc Tôi cho biết: Từ khi hai thôn chưa kết nghĩa bà con vùng biên giới hai bên đã qua lại thăm nhau; văn hóa này đã có từ lâu và nay càng gắn chặt hơn. Nhân dân bên kia biên giới mang theo gùi, củi gỗ thông, thực phẩm, gia vị đặc trưng như tiêu lâu, bloa, bột choa qua thăm bà con bên mình. Bên mình cũng chia sẻ gạo, vật dụng sinh hoạt hỗ trợ nhau.
Thêm một cái Tết ở tuổi 78, ông A Lăng A, ở thôn La Bờ, xã Chà Val, huyện Nam Giang lại chuẩn bị cơm lam, gà nướng, bánh mứt đón người thân bên Lào sang mừng năm mới. Ông A Lăng A cho biết, bố ông là người Lào sang Việt Nam cưới vợ, lập nghiệp ở vùng biên giới Nam Giang. Những ngày cận Tết, họ hàng bên kia biên giới lại cùng nhau sang thăm, ăn Tết Việt cùng gia đình ông. Tết ở quê cha, gia đình ông lại vượt đường xa sang biên giới thăm họ hàng.
Thượng úy Nguyễn Xuân An, Trạm trưởng Trạm Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nam Giang cho biết: Thăm thân dịp lễ, Tết là nếp sống bao năm qua ở vùng biên giới. Vì thế, các thủ tục xuất, nhập cảnh bảo đảm theo quy định và tạo điều kiện tốt nhất để nhân dân vùng biên giới Việt-Lào gần nhau hơn; xây dựng mối quan hệ đoàn kết, tốt đẹp, qua đó nhân dân cũng giúp cán bộ, chiến sĩ của đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Gắn kết tình thân nhân dân biên giới Việt-Lào
Tỉnh Quảng Nam và tỉnh Sê Kông (Lào) kết nghĩa, có truyền thống đoàn kết đặc biệt, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước về đoàn kết Việt Nam-Lào. Đồng bào dân tộc hai huyện biên giới Nam Giang, tỉnh Quảng Nam và Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông cùng chung sống trên dãy Trường Sơn từ bao đời nay. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, huyện Nam Giang được Tỉnh ủy Quảng Nam chọn là vùng hậu cứ, căn cứ giúp đỡ nước bạn Lào. Mối quan hệ thân thiết, giúp đỡ nhau từ thời chiến tranh đến nay vẫn gìn giữ và tiếp nối.
Kết nghĩa cùng nhau, hai huyện Nam Giang và Đắc Chưng thường xuyên giúp đỡ nhau. Hằng năm, huyện Nam Giang chia sẻ, hỗ trợ huyện Đắc Chưng 200 triệu đồng giúp sinh kế cho người dân các bản, làng. Năm 2023, huyện Nam Giang kêu gọi giúp đỡ cho người dân huyện Đắc Chưng 50 tấn gạo, trị giá một tỷ đồng để bà con bên kia biên giới vượt qua khó khăn.
Đồng chí Lê Văn Hường, Bí thư Huyện ủy Nam Giang chia sẻ: Ngôn ngữ một số vùng của đồng bào hai bên biên giới có nét tương đồng, nói và cùng hiểu được nhau trong sinh hoạt. Với tình cảm gắn bó, thân thiết cho nên huyện tiếp tục thực hiện xây dựng mối đoàn kết hữu nghị với huyện Đắc Chưng. Dịp Tết cổ truyền Bun Pi Mây hay Tết truyền thống Việt, chính quyền hai huyện bên biên giới đều cử đoàn qua lại thăm nhau; nhân dân các thôn, bản kết nghĩa cũng tổ chức thăm hỏi, giúp đỡ lẫn nhau trong ngày thường cũng như dịp lễ, Tết.
Từ nhiều năm trước, người dân nước bạn Lào sang vùng đất huyện Nam Giang, Tây Giang, tỉnh Quảng Nam sinh sống. Nhiều thanh niên Lào xây dựng gia đình, lập nghiệp ở miền biên giới Việt Nam và ngược lại. Nhân dân miền núi cao cùng sống gương mẫu, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, xây dựng đường biên giới hòa bình và cùng nhau phát triển. Và cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, những bản, làng vùng biên giới Việt-Lào ở các huyện Đắc Chưng và Nam Giang, Cờ Lừn và Tây Giang thăm viếng lẫn nhau, gắn kết nghĩa tình.
Cùng với nhân dân, các cơ quan, đơn vị vùng biên giới thực hiện tốt nhiệm vụ giữ yên biên giới, hòa bình, hữu nghị; cùng thăm hỏi nhau dịp lễ, Tết truyền thống hai nước; đồng thời, cùng chăm lo đời sống người dân; hướng dẫn bà con phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân vùng biên cương.
Đồng chí Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam khẳng định: Tình thân của chính quyền địa phương, nhân dân vùng biên giới Việt-Lào ở tỉnh Quảng Nam là nét văn hóa tốt đẹp. Dân Đắc Chưng về với Nam Giang giống như về nhà của mình, dân Nam Giang về với Đắc Chưng cũng vậy. Gắn kết tình thân hai bên biên giới có ý nghĩa đặc biệt; là tình đoàn kết giữa hai Đảng, hai Nhà nước và tình đoàn kết giữa các dân tộc của vùng biên giới.