Tên lửa Tomahawk Mỹ ồ ạt tập kích Syria quá hiểm hóc: S-400 và S-300 Nga trơ mắt nhìn?
LTS: Đã hơn nửa năm trôi qua, kể từ khi Quân đội Mỹ bất ngờ tiến công bằng tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ không quân Al-Shayrat, với cớ Quân đội Sirya sử dụng vũ khí hóa học chống lại thường dân.
Tuy nhiên nhiều bí ẩn về vụ tiến công được tất cả các bên "im lặng". Tình tiết vụ tiến công được đưa tin tới tấp; khi độ nóng tin tức đã tan dần, nhưng nhiều nghi vấn về cuộc tiến công lần này vẫn chưa được làm rõ.
Xin trân trọng giới thiệu loạt bài viết của tác giả Trịnh Ngọc Tiến phân tích từ góc độ kỹ thuật giúp bạn đọc tìm hiểu thêm bản chất sự việc.
KỲ 1: Tên lửa Tomahawk mỹ tập kích căn cứ không quân Syria: Né S-400 và S-300 Nga thật xa
-------
KỲ 2: TÊN LỬA TOMAHAWK MỸ TẬP KÍCH CĂN CỨ KHÔNG QUÂN SYRIA QUÁ HIỂM HÓC: S-400 VÀ S-300 NGA TRƠ MẮT NHÌN?
S-400 và S-300 Nga ở đâu khi tên lửa Tomahawk Mỹ tập kích?
Sáng ngày 7/4, từ hai tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Ross và USS Poter đang ở đông Địa Trung Hải đã phóng 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk, nhằm vào một số mục tiêu ở căn cứ không quân Shayrat, tỉnh Homs của Sirya.
Khi tin tức tên lửa hành trình Tomahawk loại mới nhất của Mỹ tiến công Syria vừa được đưa ra, phản ứng đầu tiên của nhiều báo chí phương Tây là: Hệ thống phòng không của Quân đội Nga đóng tại Syria bố trí như thế nào?
Tại căn cứ không quân Hmeymim, Quân đội Nga triển khai hệ thống phòng không S-400, tại căn cứ hải quân Tartus triển khai S-300V4, tuy được Mỹ thông báo trước nhưng không hề đánh chặn mục tiêu nào.
Sau vụ không kích, có không ít nhà phân tích chỉ rõ, tin tức ban đầu của báo chí phương Tây đã bỏ qua nhiều thông tin có giá trị, như căn cứ không quân có sự hiện diện của S-400 và quân cảng hải quân có bố trí S-300V4 đều cách sân bay Shayrat bị tên lửa Tomahawk tiến công trên 200 km.
Tên lửa phòng không S-200 của Syria.
S-400 và S-300 Nga thực sự bó tay?
Xem xét điều kiện địa lý tác chiến đơn thuần thì hệ thống phòng không của Nga không thể từ khoảng cách đó bắn rơi tên lửa Tomahawk.
Mặc dù tầm bắn xa nhất của S-400 và S-300V4 lên tới 400 km, nhưng nếu muốn theo dõi, bắt bám và bắn trúng mục tiêu trong tầm bắn xa nhất thì độ cao bay của mục tiêu ít nhất phải 1.000 mét. Trong khi tên lửa hành trình Tomahawk thường bay ở độ cao dưới 100 mét.
Ngoài ra, thông qua phân tích tổng hợp số liệu công khai có thể thấy, nếu S-400 và S-300V4 đơn thuần chỉ dựa vào radar phòng không mặt đất thì cự ly thăm dò lớn nhất đối với tên lửa hành trình bay sát mặt đất khoảng từ 30 đến 40 km.
Trên thực tế, do ảnh hưởng độ cong bề mặt trái đất, hệ thống phòng không các nước hiện nay đều đối mặt với vấn đề "đường chân trời vô tuyến", đó là sóng radar trinh sát mục tiêu khi vượt quá đường chân trời sẽ không trinh sát được mục tiêu bay thấp ngoài đường chân trời.
Tên lửa phòng không S-400 của Nga triển khai ở Syria.
Đối với Quân đội Nga đóng quân tại Syria, có 2 cách giải quyết vấn đề này:
Một là, bố trí radar của hệ thống tên lửa phòng không ở nơi có địa hình cao, nhưng địa hình vùng gần căn cứ không quân Hmeymim và quân cảng Tartus vẫn không có ngọn núi cao nào đủ để bố trí được radar có thể trinh sát phát hiện tên lửa hành trình bay thấp;
Hai là, tên lửa phòng không trực tiếp được vận chuyển đến xung quanh căn cứ không quân Shayrat, nhưng sĩ quan cấp cao Bộ Quốc phòng Nga đã công khai cho biết "tạm thời chưa quyết định vấn đề này".
Một thực tế không thể không chú ý tới là, mục tiêu Quân đội Mỹ tiến công lần này chỉ lựa chọn đánh vào quân đội chính phủ Syria chứ không liên quan đến Quân đội Nga tại Syria, thậm chí còn thông báo trước cho Quân đội Nga trước 2 giờ.
Với chiến tranh hiện đại, 2 tiếng là thời gian quá dài để có thể đưa ra các biện pháp ứng phó; tuy nhiên mục tiêu tiến công thì chắc chắn là Mỹ sẽ không bao giờ thông báo cho phía Nga, mà Mỹ chỉ thông báo là sẽ có đợt tiến công trả đũa về phía Sirya.
Tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung Buk-M2 của Syria.
Nói chung, nhận định hệ thống phòng không liệu có bất lực hay không, trước hết hãy xem xét đường bay tới của tên lửa đối phương như thế nào, trong quá trình bay, khoảng cách đến hệ thống phòng không là bao xa, mới có thể phán đoán chính xác liệu có đủ điều kiện đánh chặn hay không.
Hiện nay, mạng lưới phòng không của quân đội chính phủ Syria chủ yếu được kết hợp bởi tên lửa đất đối không tầm xa S-200, tên lửa đất đối không tầm trung Buk-M2 và hệ thống pháo-tên lửa phòng không Pantsir-S1. Trong đó, S-200 chủ yếu dùng để đối phó với mục tiêu lớn như máy bay ném bom tầm cao, rất khó đối phó với những mục tiêu như tên lửa hành trình.
Tính năng kỹ, chiến thuật của tên lửa S-200 nói chung là đã lạc hậu, khó có thể bắn hạ được những vật thể bay thấp như vậy. Tên lửa Buk tuy nổi tiếng, độ cao tấn công tới 22 km, nhưng tầm bắn cũng chỉ 32 km, còn hệ thống Pantsir-S1, do là hệ thống phòng không tầm gần, nên tầm bắn chỉ 20 km.
Như vậy, đối phó với tên lửa hành trình Tomahawk với đầy đủ khả năng tấn công tầm xa, bay với tốc độ 885 km/h, năng lực đột phá tầm thấp rất mạnh thì hệ thống phòng không của Syria dường như bất lực.
Thiệt hại của căn cứ không quân Syria sau khi bị tập kích bởi tên lửa Tomahawk Mỹ.
Đã hơn nửa năm trôi qua, nhưng cho tới nay, Lầu Năm Góc lại chưa công bố đường bay của tên lửa hành trình, báo chí nhà nước và cả phía quân đội Nga và Syria cũng đều im lặng. Trong tình hình đó, báo chí phương Tây đứng về phía Mỹ coi hệ thống phòng không của Nga và Syria chỉ là số không, thực tế là không công bằng.
Một lý do có lẽ giải thích có tính logic hơn, đó là quân đội Nga không có lý do gì để bắn hạ tên lửa Mỹ. Syria không phải là đồng minh quân sự của Nga, giữa Nga và Syria hoàn toàn không có hiệp ước phòng không chung.
Nga chưa bao giờ được ủy quyền đảm bảo sự bất khả xâm phạm lãnh thổ Syria. Lực lượng vũ trang Nga tại Syria có một nhiệm vụ rõ ràng, tiêu diệt các lực lượng khủng bố và mang lại cho Syria một giải pháp chính trị giải quyết xung đột, đó là tất cả.
Do vậy lý do hệ thống tên lửa phòng không Nga tại Sirya bất lực trước tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ cũng là chiêu thổi phồng thái quá của hệ thống truyền thông phương Tây nhằm hạ thấp uy tín của vũ khí Nga mà thôi.
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 đang được Nga triển khai tại Syria (Nguồn: RT)
(còn tiếp)
Trung tá Trịnh Ngọc Tiến -Trường Đại học Chính trị / Bộ Quốc phòng