Tàu ngầm hạt nhân Mỹ nổ tung gần Quần đảo Canary: Trả thù cho K-129?
Nổ ngư lôi...
Theo bài viết mang tựa đề "Советские подводники отомстили за К-129 - Thuỷ thủ tàu ngầm Liên Xô đã trả thù cho K-129" trên trang X-True, vào ngày 21/5/1968, chiếc tàu ngầm hạt nhân mang tên "Scorpion" thuộc lớp "Skipjack" đã lên đường ra khơi từ Norfolk (Mỹ) với một nhiệm vụ bí mật.
Từ những tư liệu mở được biết rằng chiếc tàu ngầm này phải tiến hành theo dõi nhóm các tàu chiến của Liên Xô gần quần đảo Canary.
Nhóm tàu chiến này gồm các tàu ngầm lớp Echo-II (thuộc Đề án 659), tàu ngầm cứu hộ, hai chiếc tàu đo đạc biển, một chiếc tàu khu trục và một chiếc tàu chở nhiên liệu.
Theo dữ liệu của Hải quân Mỹ, các tàu chiến của Liên Xô thực hiện việc đo đạc âm thanh các tàu ngầm và tàu chiến của NATO. "Scorpion" phải nghiên cứu triệt để những dự dịnh này của người Nga. Nhưng ngày 27/5 nó đã vĩnh viễn không quay trở về.
Vào thời điểm đó, tại Norfolk, người ta đã biết rằng chiếc tàu ngầm này đã bị phá huỷ và toàn bộ thuỷ thủ đoàn đã hi sinh. Hệ thống quan sát dưới nước SOSUS đã ghi lại được một tiếng nổ lớn, chứng tỏ rằng chiếc tàu ngầm này đã gặp nạn.
Tàu ngầm số hiệu SSN-589 mang tên "Scorpion" của Mỹ.
Sau này, nhờ các thiết bị lặn sâu, người ta đã tìm thấy các mảnh vỡ của "Scorpion" trong bán kính 1km, cho thấy một vụ nổ có sức công phá mạnh đã xảy ra.
Các tàu ngầm đa năng "Skipjack" khi đó từng là một trong những loại nhanh nhất trên thế giới. So với các tàu ngầm của Thế chiến thứ Hai, chiếc tàu ngầm này có thiết kế hình "giọt nước", giúp nó có thể đạt được vận tốc lớn.
Ở dưới nước, "Skipjack" di chuyển với vận tốc 33 hải lý/h, trong số các tàu ngầm của Mỹ chỉ có "Los-Angeles" về sau này mới phá được kỷ lục kể trên. Cùng với đó, như tất cả các tàu ngầm nguyên tử thập niên 60, chúng hoạt động không ổn định như các tàu ngầm hiện đại, thường xuyên gặp trục trặc.
"Scorpion" được trang bị lò phản ứng Westinghouse S5W và các pin dự trữ lớn. Theo một trong các giả thiết, trong khoang chứa rác đã xảy ra rò nước và nước biển đã dính vào cục pin nặng 69 tấn khiến nó phát nổ.
Giả thiết này nghe khá hợp lý, bởi vì chiếc "Scorpion" đang chờ tu sửa khoang chứa rác vì trước đó hiện tượng rò nước đã từng xảy ra. Hơn nữa, theo các tài liệu được giải mật vào năm 1998, đáng lẽ người ta phải thực hiện 109 hoạt động sửa chữa trên chiếc tàu này.
Tàu ngầm "Scorpion" gặp phải những vấn đề về hệ thống thuỷ lực, hệ thống báo động và các van hoạt động không tốt. Chiếc tàu chỉ có thể lặn ở ở độ sâu chỉ bằng một nửa so với khả năng cho phép theo thiết kế.
Theo một giả thiết khác, quả ngư lôi Mk-37 của chính "Scorpion" đã phát nổ. Nhiều người phỏng đoán rằng điều tương tự từng xảy ra với chiếc tàu ngầm "Kursk" của Nga.
Mk-37 ở giai đoạn đầu di chuyển rất nhẹ nhàng để cho kẻ địch không thể phát hiện. Và như tiểu ban điều tra đặc biệt vụ tai nạn này cho biết, nó có thể kích hoạt ngay trong ống phóng ngư lôi.
Những gì còn lại của tàu ngầm Scorpion đã được tìm thấy ở độ sâu lớn.
... hay nổ khí hydro?
Cả một giả thiết khác cũng được giới quân sự xem xét tới – đó là nổ khí hydro trong hoặc ngay sau khi nạp pin. Người ta cho rằng chiếc tàu ngầm San Juan của Argentina cũng bị nổ khí hydro hồi mùa thu năm 2017.
Giới quân sự phát hiện được rằng vào thời điểm phát nổ, chiếc tàu ngầm này chỉ lặn ở độ sâu kính tiềm vọng.
Nhiều chuyên gia và các nhà nghiên cứu lịch sử, trong đó có cả phóng viên quân sự người Mỹ Ed Offley cho rằng chiếc tàu ngầm này bị các thuỷ thủ Liên Xô tiêu diệt để trả thù cho chiếc tàu ngầm K-129 mà dường như bị người Mỹ đánh chìm vào hồi tháng 3 cùng năm đó.
Theo ý kiến của ông Offley, chính phủ hai nước đã cố tình đổ lỗi cho tai nạn để không làm gia tăng tình hình căng thẳng.
Đúng là trong số các nhà nghiên cứu lịch sử có ý kiến cho rằng vào thập niên 1960 Chiến tranh Lạnh từng có lúc biến thành "nóng", đúng vào năm 1968, tàu ngầm Dakar của Isarel, hay chiếc Minerve của Pháp cũng bị đắm.
Cho đến nay người ta vẫn chưa làm rõ được rằng thực sự những gì đã xảy ra với các tàu ngầm này, và chúng hoàn toàn có thể trở thành nạn nhân của một "ván bài lớn" mà rất may đã không biến thành Thế chiến thứ 3.
Bảo Lam