Tăng lương giáo viên và đối tượng được ưu tiên: Bộ Giáo dục nói gì?
Nghị quyết Trung ương lần thứ 2 khóa VIII, Nghị quyết Trung ương lần thứ 8 khóa XI khẳng định, lương nhà giáo phải được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp, có phụ cấp tùy theo tính chất công việc và theo vùng.
Nhằm giúp giáo viên, nhà giáo và người dân hiểu rõ hơn về những việc làm của Bộ GD-ĐT đối với việc chăm lo cho đời sống cán bộ, giáo viên, phóng viên VOV.VN phỏng vấn ông Trần Kim Tự, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD-ĐT).
PV: Việc tăng lương cho giáo viên đã được đề cập rõ trong Nghị quyết Trung ương lần thứ 2 khóa VIII, Nghị quyết Trung ương lần thứ 8 khóa XI. Đó là lương nhà giáo phải được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp, có phụ cấp tùy theo tính chất công việc và theo vùng. Xin ông cho biết, chủ trương này đã được triển khai trong ngành như thế nào?
Ông Trần Kim Tự: Đối với vấn đề lương và chính sách lương cho nhà giáo theo như Nghị quyết Trung ương lần thứ 2 khóa VIII, Nghị quyết Trung ương lần thứ 8 khóa XI, Bộ GD-ĐT đã thực hiện thống nhất trong chính sách tiền lương của Nhà nước.
Ông Trần Kim Tự, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD-ĐT)
Hiện nay, thang bảng lương của nhà giáo đã được xếp theo thang bảng lương chung tại Bảng lương số 3 của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP. Theo đó, lương của nhà giáo không thấp hơn so với những viên chức cùng loại (khối viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công có 4 loại: A, B, C và D thì Nhà giáo được xếp từ bậc B trở lên).
Lương cao nhất trong đơn vị hành chính sự nghiệp là chuyên viên cao cấp. Khối viên chức là giáo sư, giảng viên cao cấp, hệ số lương xuất phát điểm là 6,2 cho đến 8,0.
Đối với phó giáo sư, giảng viên chính nay được đẩy lên là hạng I theo như Nghị định 141, hệ số lương xuất phát điểm là 6,2 cho đến 8,0.
Như đối với công chức là chuyên viên, giáo viên trung học có mức lương xuất phát điểm là 2,34 và cao nhất là 4,98.
Như công chức loại B, giáo viên Tiểu học, Mầm non có thang bậc lương từ 1,86 đến 4,06.
Tuy nhiên, giáo viên Tiểu học, mầm non cũng như tất cả các nhà giáo vẫn có những cơ hội, điều kiện để thăng hạng, nâng ngạch nên bảng lương sẽ tiếp tục được cải thiện theo quy định hiện nay.
Như vậy, thang bảng lương đối với nhà giáo được đặt ở vị trí thống nhất tùy từng ngành nghề, trình độ đào tạo.
Ngoài ra, trong những năm vừa qua, Chính phủ cũng rất quan tâm đến phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo với nhiều mức từ 25% đến 70%; phụ cấp thâm niên đã được thực hiện từ năm 2011 cho đến nay; nhà giáo công tác ở các địa phương, vùng, miền khác nhau thì có phụ cấp, trợ cấp khác nhau.
Có thể nói, với chính sách tiền lương hiện nay căn bản đã bám sát Nghị quyết Trung ương lần thứ 2 khóa VIII, Nghị quyết Trung ương lần thứ 8 để ngành Giáo dục thực hiện.
Tuy nhiên, cùng với tình tình chung và so với cuộc sống hiện tại, thu nhập bằng lương của một bộ phận cán bộ, giáo viên còn thấp, đặc biệt là giáo viên mới, nhà giáo đang công tác ở những vùng, miền có điều kiện khó khăn.
Ở một số nơi, theo phân cấp hiện hành và do thiếu chỉ tiêu biên chế, nhiều nhà giáo được cấp huyện ký hợp đồng ngoài chỉ tiêu biên chế, giáo viên hưởng lương theo bảng lương của Nhà nước thì có mức lương tương đương như những giáo viên khác. Tuy nhiên, có thể giáo viên đó không được hưởng chế độ phụ cấp dành cho nhà giáo (chẳng hạn phụ cấp thâm niên) .
Còn giáo viên làm việc theo hợp đồng ở các trường học, do trường ký và trả lương theo thời vụ 9 đến 12 tháng, trường hợp này thì lương của giáo viên lại phụ thuộc vào kinh phí của trường học. Như vậy, theo hợp đồng lương của giáo viên làm việc ở các trường không được tính theo thang bảng lương của Nhà nước, vì thế có tình huống là nhiều thầy cô giáo làm việc hợp đồng cho trường học nhiều năm nhưng lương chỉ khoảng một vài triệu đồng/tháng. Bất cập này không nằm ở chính sách lương mà nằm ở cơ chế tuyển dụng, chỉ tiêu biên chế.
Còn những bất cập…
PV: Việc tăng lương, phụ cấp, chế độ thâm niên cho giáo viên, nhà giáo đang còn những bất cập gì, thưa ông?
Ông Trần Kim Tự: Hiện nay, bậc lương của giáo viên mầm non còn thấp nên để tăng lương, các giáo viên phải nâng cao trình độ, có thành tích đóng góp cho ngành để được nâng hạng.
Chúng ta đã đào tạo giáo viên mầm non đạt trình độ đại học và sau đại học. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đặt vấn đề chuẩn là trình độ Trung cấp nên mặc dù sinh viên tốt nghiệp đại học ra là giáo viên mầm non nhưng lại hưởng mức lương còn thấp, khởi điểm là 1,86.
Đối với giáo viên Tiểu học do chuẩn là trình độ Trung cấp và thực tế hiện nay đại đa số đa đào tạo trình độ Cao đẳng nhưng vẫn xếp lương xuất phát điểm là 1,86 chứ không phải 2,1. Giáo viên THCS cũng được đặt theo chuẩn trình độ Cao đẳng vẫn hưởng lương 2,1 chứ không phải là 2,34 trong khi đa số đã đào tạo trình độ đại học.
Ngoài ra, một bộ phận nhà giáo tốt, đang công tác ở cơ sở được điều về làm công tác quản lý ở phòng giáo dục; Sở GD-ĐT nhưng lại chỉ được hưởng phụ cấp công vụ mà lại không được hưởng phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi.
Với những bất cập đó, Bộ GD-ĐT đang tham mưu với Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan để điều chỉnh và hiện tại nhà giáo vẫn có cơ hội để nâng chuẩn nghề nghiệp để hưởng lương ở bậc cao hơn.
PV: Xin ông cho biết, Bộ GD-ĐT đã tham mưu cho Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan thực hiện chủ trương, chính sách tiền lương cho nhà giáo đến đâu?
Ông Trần Kim Tự: Khi tham mưu để hiện thực hóa các chủ trương thành chính sách Bộ luôn bám sát chủ trương và thực tiễn; mặc dù trong Nghị định 204 của Chính phủ về chính sách tiền lương thì phụ cấp ưu đãi nghề tối đa là 50% nhưng Bộ GD-ĐT đã tham mưu và được Chính phủ đồng ý là đối với giáo viên công tác ở vùng, miền đặc biệt khó khăn thì phụ cấp ưu đãi được tăng lên mức 70%.
Ngoài ra, Bộ cũng đã tham mưu với Chính phủ báo cáo và được Quốc hội thông qua chính sách thâm niên cho nhà giáo; cụ thể, những giáo viên công tác từ năm 1988 trở về trước đều được hưởng chính sách thâm niên nhưng đến năm 1993, khi chúng ta cải cách chính sách tiền lương lần thứ I đã dừng phụ cấp thâm niên cho nhà giáo. Cho đến cải cách chính sách tiền lương lần thứ II năm 2004, nhà giáo cũng không còn phụ cấp thâm niên.
Tuy nhiên, đến năm 2009, Bộ GD-ĐT đã tham mưu cho Chính phủ, các Bộ, ngành và được Quốc hội thông qua chính sách nhà giáo được hưởng phụ cấp thâm niên. Không những thế, Bộ còn tiếp tục tham mưu với Chính phủ để những thầy cô giáo nghỉ hưu trong thời gian không có phụ cấp thâm niên được trợ cấp một phần bằng Quyết định 42 của Thủ tướng Chính phủ. Việc này là thể hiện không chỉ chăm lo cho những nhà giáo đang công tác mà còn làm cho chính sách thâm niên có sự kế tiếp.
Đối với giáo viên đang công tác ở các vùng, miền khó khăn đều được thực hiện theo Nghị định 35, 61, 19 với nhiều loại phụ cấp, trợ cấp…
Đối tượng nào được ưu tiên tăng lương?
PV: Trong khi ngân sách có hạn mà việc tăng lương lại rất cần thiết để thu hút học sinh và giáo viên giỏi gắn bó với nghề sư phạm. Theo Bộ GD-ĐT, chính sách chăm lo tăng thu nhập cho đội ngũ nhà giáo nên ưu tiên nhằm vào đối tượng nào, ở đâu, ai xứng đáng được hưởng?
Ông Trần Kim Tự: Việc chăm lo đời sống cho đội ngũ nhà giáo thông qua lương đã và đang được Chính phủ, Quốc hội quan tâm. Để chính sách này được thực hiện nghiêm túc, Bộ GD-ĐT luôn yêu cầu các cấp, địa phương chi trả lương cho giáo viên tránh tình trạng không chi hoặc chi trả chậm như một vài nơi đã bị phát hiện.
Trong khi ngân sách Nhà nước còn khó khăn và có hạn, chính sách chăm lo tăng thu nhập cho đội ngũ nhà giáo nên ưu tiên cần nhằm vào những người giỏi, những người có đóng góp xuất sắc phải được khen thưởng xứng đáng và có sự động viên về lương. Ví dụ như đối với người có học hàm là phó giáo sư Bộ GD-ĐT đã tham mưu với Chính phủ được hưởng bậc lương đối với ngạch cao cấp (xuất phát điểm từ 6,2 đến 8,0) và Bộ đang tiếp tục tham mưu để mức lương của Giáo sư tương đương với chuyên gia cao cấp.
Đối tượng thứ hai cần được tăng lương là những giáo viên có mức lương thấp mà lại làm việc vất vả hoặc giáo viên giảng dạy ở vùng đặc biệt khó khăn nhưng lại có mức lương lại thấp. Những đối tượng này thường là giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học mới vào nghề công tác ở vùng, miền đặc biệt khó khăn.
Đối tượng thứ ba là những người phục vụ trong các trường học vì công việc của họ cũng khá vất vả nhưng mức lương lại thấp, xuất phát điểm chưa đến 2,0 mà lại không có phụ cấp gì.
Rất khó để sinh viên sư phạm tốt nghiệp như các trường quân đội, công an
PV: Có ý kiến cho rằng, việc miễn học phí không còn là động lực lớn nữa mà cần giải pháp mạnh hơn là học sinh giỏi vào ngành sư phạm khi tốt nghiệp được bố trí công việc và thang bậc lương như sinh viên tốt nghiệp các trường quân đội, công an. Ý kiến của Bộ GD-ĐT về vấn đề này như thế nào?
Ông Trần Kim Tự: Chính phủ đưa ra chính sách miễn học phí đối với học sinh vào ngành sư phạm đã khuyến một lượng lớn học sinh giỏi “đầu quân” vào ngành này. Tuy nhiên, đến nay, chính sách đó cần có sự đánh giá về tính phù hợp để có giải pháp mạnh mẽ hơn thu hút học sinh giỏi vào ngành sư phạm.
Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, có học sinh giỏi vào học trường sư phạm nhưng khi tốt nghiệp lại không chọn làm giáo viên mà họ lại chọn chuyển sang ngành nghề khác (vì nhiều lý do khác nhau: không có biên chế, lương thấp, điều kiện công tác khó khăn…) và được các cơ quan, doanh nghiệp đón nhận với mức thu nhập cao hơn. Vấn đề này đã nói lên rằng, cơ chế tuyển dụng, chính sách tiền lương không còn hấp dẫn.
Ngoài ra, còn có một thực tế là có nhiều sinh viên khi học ở ngành không được miễn học phí nhưng sau đó họ đi học lấy chứng chỉ sư phạm (được miễn học phí trong một thời gian học chứng chỉ này). Đến khi thi tuyển giáo viên, họ trúng tuyển và trở thành giáo viên. Dường như điều này không được công bằng trong việc miễn học phí và tuyển dụng nên cần có sự thay đổi (Chẳng hạn như sinh viên vào học ngành sư phạm thì cho vay phần đóng học phí và khi đi giảng dạy được một thời gian nào đó (5 năm chẳng hạn) mới được miễn khoản học phí đã cho vay).
Còn vấn đề thu hút học sinh giỏi vào ngành sư phạm cũng cần phải bàn thêm. Nếu như trước năm 1990, những ai vào học sư phạm khi tốt nghiệp đều được phân công công tác. Đó là thời kỳ của cơ chế tập trung. Còn đến nay, việc làm của sinh viên tốt nghiệp sư phạm lại phụ thuộc sự phân cấp, nhu cầu tuyển dụng và biên chế của từng địa phương. Điều này lại không giống như sinh viên học các ngành Công an, quân đội là tuyển sinh gần như là tuyển dụng luôn nên sinh viên những ngành này khi tốt nghiệp được phân công công việc, công tác và có thang lương rõ ràng.
Ý kiến cho rằng việc miễn học phí không còn là động lực lớn nữa mà cần giải pháp mạnh hơn là học sinh giỏi vào ngành sư phạm khi tốt nghiệp được bố trí công việc và thang bậc lương như sinh viên tốt nghiệp các trường quân đội, công an là rất hay. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này thì rất khó vì hiện nay, chúng ta đang phân cấp cho các địa phương thực hiện việc tuyển dụng giáo viên và vấn đề quy hoạch đào tạo để cung và cầu gặp nhau.
Vì vậy, để thu hút học sinh giỏi vào ngành sư phạm chúng ta phải thay đổi cơ chế tuyển dụng, có chính sách tiền lương, phụ cấp phù hợp cho nhà giáo. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục, các trường sư phạm phải tính toán chiến lược, quy hoạch đào tạo cho phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của các cơ sở giáo dục. Theo đó, việc đào tạo không nên theo số lượng mà nên tập trung vào chất lượng giáo dục để sinh viên tốt nghiệp có thể xin được việc làm ngay.
PV: Xin cảm ơn ông!