Tăng giá điên cuồng, cổ phiếu ROS của tỷ phú Trịnh Văn Quyết vẫn "bay hơi" khoảng 40% giá trị sau 1 tháng!
Trong khoảng 1 tháng trở lại đây, cổ phiếu ROS giảm liên tục khiến nhiều nhà đầu tư "cháy" tài khoản.
Đến cuối tuần trước, cổ phiếu ROS tiếp tục có thêm một phiên giảm sàn từ mức 82.300 đồng/CP xuống còn 73.300 đồng/CP, tương đương giảm 10,9%, với đơn vị được giao dịch. Được biết, đây là mức giá thấp nhất của cổ phiếu này kể từ cuối tháng 10/2016 đến nay.
Tuy nhiên, phiên hôm nay ROS đã lấy lại niềm hy vọng cho nhà đầu tư khi tăng trần thêm 5.100 đồng/CP, tương 7%, lên mức 78.400 đồng/CP, vốn hóa thị trường đạt 34.670 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, so với mức giá 132.000 đồng/CP tại thời điểm cách đây 1 tháng, cổ phiếu ROS đã giảm tới 40% giá trị, tương đương vốn hóa cũng bốc hơi khoảng 25.350 tỷ đồng.
Được biết, trước khi rơi vào giai đoạn khủng hoảng như hiện nay, cổ phiếu ROS đã có thời gian thăng hoa mạnh mẽ trên sàn chứng khoán khi thị giá liên tục thiết lập đỉnh mới.
Theo đó, từ cuối tháng 9/2017 đến đầu tháng 11/2017, cổ phiếu ROS tăng giá điên cuồng trước sự ngỡ ngàng của nhà đầu tư. Đáng chú ý, có thời điểm ROS tăng gần 50% thị giá chỉ trong vòng 1 tháng và chạm mốc 214.100 đồng/CP vào cuối phiên ngày 03/11/2017.
Diễn biến giá cổ phiếu ROS trong 6 tháng trở lại đây
Tuy nhiên, Đại hội cổ đông thường niên của FLC Faros năm 2018 diễn ra cách đây không lâu đã thông qua phương án chi trả cổ tức cho cổ đông bằng cổ phiếu tỷ lệ 20% trong khi lợi nhuận năm 2017 doanh nghiệp này vượt 44,2% kế hoạch.
Bên cạnh đó, Công ty cũng nhất trí thông qua phương án phát hành thêm tối đa 300 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Tỷ lệ phát hành tỷ lệ 19:10 với mức giá chỉ 12.000 đồng/CP;
Ngoài ra, FLC Faros đã lên kế hoạch kinh doanh năm 2018 với mục tiêu doanh thu đạt 5.500 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,6%; nhưng lợi nhuận sau thuế kế hoạch chỉ có 352 tỷ đồng, giảm 58,4% so với kết quả đạt được năm 2017.
Ngay sau khi những thông tin này được đưa ra, cổ phiếu ROS bắt đầu lao dốc không phanh từ đó đến nay. Việc này đồng nghĩa với khối tài sản hàng chục nghìn tỷ của đại gia Trịnh văn Quyết cũng bị "thổi bay" một lượng không hề nhỏ. Đồng thời, vị trí người giàu thứ 2 sàn chứng khoán của ông Quyết đã rơi vào tay nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO hãng hàng không Vietjet Air (mã chứng khoán VJC).
Hương Nguyên
Theo Báo Thời Đại