Tăng cường hậu kiểm để đẩy lui ngộ độc thực phẩm
Những con số đáng báo động
Số liệu từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết giai đoạn 2013 - 2017, toàn quốc ghi nhận 862 vụ ngộ độc thực phẩm, làm khoảng 25.000 người mắc, trong đó hơn 22.000 người phải vào bệnh viện, 130 người chết.
Tính trung bình, mỗi năm có khoảng 5.000 người mắc và 26 người chết do ngộ độc thực phẩm.
Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê, trong 3 tháng đầu năm 2018, cả nươc xảy ra 20 vụ ngộ độc thực phẩm làm 502 người mắc, trong đó có 3 trường hợp tử vong.
Tính riêng trong tháng 3 đã xảy ra 12 vụ ngộ độc thực phẩm làm 233 người mắc, 216 người đi viện, 3 người tử vong.
Tình trạng ngộ độc thực phẩm ngày càng đáng báo động. (Ảnh minh họa)
Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm được xác định chủ yếu do độc tố tự nhiên, vi sinh vật, do hóa chất; một số vụ chưa xác định được nguyên nhân.
Những con số nói trên cho thấy tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn luôn tiếp diễn với tần suất và số lượng người bị ảnh hưởng không hề nhỏ. Đó là những hồi chuông cảnh báo về vấn đề chất lượng an toàn thực phẩm đối với người dân.
Tăng cường công tác hậu kiểm
Tại hội nghị chuyên đề Quản lý chất lượng an toàn thực phẩm và triển khai Nghị định 15/2018/NĐ-CP do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã thông tin về một số điểm mới của Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (Nghị định 15).
Theo đó, Nghị định 15 điều chỉnh so với Nghị định 38 và chuyển hướng mạnh mẽ từ tiền kiểm sang hậu kiểm (tự công bố hợp quy, phù hợp với quy định về an toàn thực phẩm, kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu,…)
Cụ thể, Nghị định 15 quy định thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ chứa đựng thực phẩm, vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm phải được công bố trước khi lưu thông trên thị trường. Trong đó, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực hiện tự công bố và gửi bản tự công bố qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ định.
Hà Nội đẩy mạnh kiểm tra, phòng chống ngộ độc thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.
Ngoài ra, Nghị định 15 quy định các điểm mới: mở rộng đối tượng cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; thay đổi về kiểm soát an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu, thu gọn quản lý về quảng cáo thực phẩm; bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong việc lưu giữ thông tin, thực hiện việc truy xuất nguồn gốc đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm,…
Việc kiểm soát về an toàn thực phẩm đối thực phẩm nhập khẩu theo quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP cũng có những thay đổi căn bản như sau:
- Bổ sung thêm các trường hợp được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm bao gồm: sản phẩm là quà tặng, quà biếu trong định mức miễn thuế nhập khẩu; Sản phẩm quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển, tạm nhập, tái xuất, gửi kho ngoại quan; Sản phẩm nhập khẩu chỉ để sản xuất, gia công nội bộ trong cơ sở; Sản phẩm đã được cấp Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm.
- Thay đổi cơ bản về phương thức kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu:
+ Phương thức kiểm tra giảm: trước đây là kiểm tra hồ sơ đối với tất cả các sản phẩm thuộc diện kiểm tra giảm, tại Nghị định mới quy định chỉ kiểm tra xác suất tối đa 5% lô hàng do Cơ quan Hải quan chọn ngẫu nhiên và chuyển hồ sơ cho cơ quan kiểm tra nhà nước. Như vậy, có đến 95% lô hàng thuộc diện kiểm tra giảm không phải kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm.
+ Phương thức kiểm tra thông thường: là chỉ kiểm tra hồ sơ thay vì trước đây là kiểm tra hồ sơ, cảm quan và lấy mẫu kiểm nghiệm nếu có nghi ngờ. Thời gian kiểm tra thông thường cũng được rút ngắn từ 7 ngày xuống chỉ còn 3 ngày. Ngoài ra, cứ sau 3 lần kiểm tra thông thường đạt thì được chuyển sang phương thức kiểm tra giảm.
+ Phương thức kiểm tra chặt: chỉ áp dụng đối với trường hợp sản phẩm có cảnh báo của Bộ quản lý chuyên ngành hoặc cơ quan có thẩm quyền tại nước ngoài hoặc của nhà sản xuất hoặc không đạt yêu cầu nhập khẩu tại lần kiểm tra trước đó. Tuy nhiên, thời gian kiểm tra chặt được rút ngắn từ 10 xuống còn 7 ngày.
Ngân Linh (t/h)