Tâm điểm chứng khoán: Giai đoạn thị trường có sóng UPCoM, nhà đầu tư cần lưu ý gì?
Giai đoạn "sideway up", VN-Index sẽ chinh phục được mốc 1.300 điểm
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khách hàng cá nhân CTCK Yuanta Việt Nam
Thị trường có thể giữ trạng thái "sideway" thêm một vài phiên giao dịch. Tuy nhiên, các yếu tố tiêu cực đang khó xảy ra nên tính chất "sideway" của thị trường là hướng lên.
Quan ngoại của nhà đầu tư trong giai đoạn này khối ngoại bán ròng mạnh. Lý do cũng không quá mới khi áp lực tỷ giá vẫn còn đó. Những thị trường như Thái Lan, Việt Nam có tỷ giá tăng mạnh đều chứng kiến lực bán lớn của nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, tác động của dòng tiền ngoại cũng không phản ánh vào thị trường quá rõ rệt khi họ chỉ chiếm 9% giao dịch 2 chiều. Trong lịch sử giao dịch từ sau 2020, đã có nhiều thời điểm nhà đầu tư nước ngoài bán ròng nhưng thị trường vẫn biến thiên nghịch.
Về vận động chỉ số VN-Index, thực tế đang khá vất vả trong việc chinh phục mốc 1.300 điểm. Nhưng đây cũng là những diễn biến tương tự trước khi thị trường bứt phá khỏi mốc 1.200 điểm.
Mốc 1.300 điểm đã từng được vượt qua dễ dàng trong giai đoạn 2021 tuy nhiên thị trường ở thời điểm hiện tại đang có sự khác biệt lớn. Đó là dòng tiền không có những đặc điểm của giai đoạn COVID-19 với sự tham gia của nhà đầu tư F0, cũng như tâm lý không biết đầu tư vào đâu trong giai đoạn đại dịch.
Đến năm 2024, dòng tiền đã khác đi nhiều trong khi nền kinh tế đang phải đối diện những khó khăn của hậu COVID-19, khủng hoảng kinh tế, bất ổn địa chính trị…
Tâm lý của nhà đầu tư ở vùng 1.300 điểm đang là "mua vào thì sợ đỉnh, bán ra thì lại giật lên". Tuy nhiên, dựa trên yếu tố cơ bản và so sánh với xu hướng của chứng khoán thế giới, VN-Index sẽ sớm vượt khỏi mốc 1.300 điểm.
Về xu hướng nhóm ngành, thị trường vẫn đang phân hóa rõ nét, tập trung cổ phiếu tăng trưởng có câu chuyện, hoặc nhóm UPCoM. Nhà đầu tư "ôm" cổ phiếu vốn hóa lớn hầu không sinh lời được thêm trong giai đoạn vừa qua nhưng cũng không bán ra.
Nhìn chung, cần chấp nhận những giai đoạn đi ngang gây ức chế như hiện tại. Tiền có thể vẫn ở Midcap, UPCoM nhưng sẽ sớm trở lại với các nhóm ngành Ngân hàng, Chứng khoán, các mã Bluechips bởi chỉ những cổ phiếu này mới có thể giúp VN-Index chinh phục mốc 1.300 điểm.
Từ trái qua: ông Nguyễn Thế Minh, ông Đỗ Bảo Ngọc, ông Đinh Quang Hinh. |
Cẩn trọng với sóng cổ phiếu UPCoM
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Chứng khoán Kiến Thiết
Tuần vừa qua thị trường chứng khoán diễn biến giằng co, lình xình, điểm số gần như đi ngang. Có nhiều yếu tố tác động lên thị trường, như đáo hạn phái sinh vào thứ Năm, hoạt động tái cơ cấu của các quỹ ETF.
Thông thường tuần có sự kiện đó xảy ra thì tâm lý thận trọng, giảm giao dịch, chỉ số dao động biên độ hẹp, nhà đầu tư chán nản. Nhà đầu tư cũng có tâm lý chờ đợi ETF bán nhiều ở nhóm cổ phiếu nào sẽ cân nhắc.
Về xu hướng giao dịch trong ngắn hạn, nhà đầu tư vẫn đang “ngóng” số liệu vĩ mô quý II/2024 trong 1-2 tuần tới và trung tuần tháng 7 sẽ có những thông tin sớm về kết quả kinh doanh (KQKD) quý để nhà đầu tư đánh giá và kỳ vọng.
Tất nhiên, nhà đầu tư sẽ có xu hướng tìm kiếm doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt để lựa chọn đầu tư. Khi KQKD cũng như tăng trưởng GDP có tín hiệu phục hồi rõ nét hơn thì dòng tiền quan tâm hơn đến TTCK.
Điểm cần lưu ý, trong ngắn hạn, dù thị trường vẫn được hậu thuẫn bởi lãi suất thấp, nhưng áp lực bán ròng khối ngoại vẫn còn đeo đẳng. Nhiều người nói tác động từ Euro, nhưng tôi cho rằng không đáng kể.
Về xu hướng giao dịch, cần cẩn trọng giao dịch nhóm cổ phiếu thời gian qua đã tăng rất nóng, đặc biệt nhiều cổ phiếu trên UPCoM. Xu hướng biến động dòng tiền ngắn hạn, nhiều cổ phiếu sàn UPCoM tăng rất nóng.
Hiện tại dòng tiền đầu cơ trên thị trường chứng khoán đã có dấu hiệu "luẩn quẩn" khi tìm đến cả những cổ phiếu ít giá trị, thanh khoản thấp. Nhà đầu tư có thể cân nhắc, tìm cổ phiếu Bluechips, những doanh nghiệp có nền tảng cơ bản, chiết khấu cao về giá để giải ngân.
Tiếp tục tích lũy quanh 1.280 điểm
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường VNDIRECT
Thị trường diễn biến giằng co trong tuần qua khi nhà đầu tư duy trì sự thận trọng trước phiên đáo hạn phái sinh và động thái cơ cấu của các quỹ ETF. Bước sang tuần giao dịch mới, sự chú ý của thị trường sẽ chuyển hướng sang những số liệu vĩ mô quan trọng sắp được công bố, bao gồm: (1) Chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ, thước đo lạm phát ưa thích của Fed và (2) số liệu tăng trưởng GDP quý II và số liệu CPI tháng 6 của Việt Nam.
Bên cạnh đó, câu chuyện KQKD quý II cũng sẽ dần được nhắc đến khi một số doanh nghiệp bắt đầu công bố số liệu ước tính. Nhìn chung, bức tranh KQKD quý II vẫn sẽ tích cực và là yếu tố hỗ trợ quan trọng cho thị trường.
Chúng tôi kỳ vọng chỉ số VN-Index có tiếp tục tích lũy quanh vùng 1.280 điểm trước khi hội tụ đủ xung lực để chinh phục lại ngưỡng kháng cự 1.300 điểm vào đầu quý III tới.
Nhà đầu tư nên tận dụng giai đoạn thị trường tích lũy trong biên độ hẹp này để cơ cấu lại danh mục đầu tư, ưu tiên tỷ trọng vào các nhóm ngành có triển vọng KQKD tích cực và chưa tăng giá mạnh trong giai đoạn vừa qua như ngân hàng, công nghiệp và xuất khẩu.